Biến khó khăn thành cơ hội
Từ TP Sơn La vào đến trung tâm huyện Mường La (Sơn La) chừng 40km, nhưng Mường La vẫn là một trong những huyện nghèo của cả nước. Trong buổi làm việc với các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện, chúng tôi được gợi mở nhiều vấn đề từ những tiềm năng, thế mạnh cũng như những khó khăn của huyện.
Địa bàn huyện có đến 90% diện tích là đồi núi đất dốc, bị chia cắt bởi các khe suối, nhưng thuận lợi là có 23 công trình thủy điện lớn, nhỏ, trong đó có công trình trọng điểm quốc gia là Nhà máy Thủy điện Sơn La, cùng gần 5.000ha mặt hồ được quy hoạch vào vùng thủy điện. Bên cạnh đó, Mường La có tiểu vùng khí hậu đặc trưng trên địa bàn xã Ngọc Chiến.
Nơi đây có khí hậu tương tự như Mộc Châu (Sơn La), Đà Lạt (Lâm Đồng), Sa Pa (Lào Cai)... lại có lợi thế riêng khi được thiên nhiên ban tặng suối khoáng nóng nên rất thuận lợi cho phát triển du lịch.
Chúng tôi đặt vấn đề với các đồng chí lãnh đạo huyện: “Từ những đặc thù về điều kiện tự nhiên của địa phương, vậy Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã có những chủ trương, quyết sách gì để phát huy tiềm năng, thế mạnh, tạo đà bứt phá?”.
Như chạm vào những điều tâm huyết, đồng chí Nguyễn Văn Tâm, Phó chủ tịch UBND huyện Mường La cởi mở chia sẻ: “Từ nhiều năm nay, tỉnh Sơn La và huyện Mường La đã xác định phải phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo dựa trên tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Đến nhiệm kỳ 2015-2020 thì có sự đột phá lớn.
Những kết quả tích cực đạt được 5 năm qua là tiền đề, nền tảng để Ban Chấp hành Đảng bộ huyện tiếp tục ban hành nhiều chủ trương, quyết sách mới trong nhiệm kỳ này và quyết tâm thực hiện. Chúng tôi cũng luôn nhất quán quan điểm, tăng trưởng kinh tế nhưng phải gắn với phát triển bền vững, xóa đói giảm nghèo nhưng phải bằng nội lực, bằng tiềm năng, thế mạnh của địa phương, còn nguồn lực đầu tư từ Trung ương là bệ đỡ, đòn bẩy tiếp sức cho địa phương bứt phá”.
 |
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pa Ủ, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu, hướng dẫn đồng bào làm mô hình kinh tế V.A.C. Ảnh: TRUNG HIẾU |
Trên tinh thần đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Mường La, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định 3 khâu đột phá để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu trong nhiệm kỳ, đó là: Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; phát triển nông nghiệp xanh gắn với kinh tế du lịch và đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ.
UBND huyện tham mưu cho Ban Chấp hành Đảng bộ huyện ban hành 8 nghị quyết chuyên đề để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La nhiệm kỳ 2020-2025. Từ 8 nghị quyết chuyên đề này, UBND huyện xây dựng 8 đề án để thực hiện đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Cũng như nhiều địa phương ở Sơn La, tỉnh Điện Biên đang chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu nền kinh tế dựa trên hai thế mạnh chính là du lịch và kinh tế nông-lâm nghiệp. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Điện Biên đã ban hành các nghị quyết chuyên đề và xây dựng đề án với lộ trình, bước đi cụ thể, nhằm "biến" tiềm năng, thế mạnh thành kết quả đạt được trên thực tế.
Trong đó, tỉnh Điện Biên xác định du lịch là kinh tế mũi nhọn dựa trên 3 trụ cột chính: Du lịch lịch sử gắn với du lịch tâm linh; du lịch văn hóa gắn với cộng đồng và du lịch sinh thái gắn với nghỉ dưỡng. Đối với kinh tế nông-lâm nghiệp, căn cứ vào các nghị quyết, các chương trình của Trung ương, Điện Biên xác định chủ yếu tập trung trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng, phát triển cây công nghiệp và quy hoạch vùng nguyên liệu theo thế mạnh từng vùng.
Ví như khu vực dọc theo Quốc lộ 279, với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng tốt nên cây mắc ca phát triển thuận lợi. Trên cơ sở đó, tỉnh đã quy hoạch vùng nguyên liệu cây mắc ca, cà phê dọc theo Quốc lộ 279 và hiện đã xây dựng được mô hình điểm.
Cây mắc ca được tỉnh xác định là cây đa dụng, vừa phát triển kinh tế, đồng thời cũng tăng tỷ lệ che phủ rừng, hạn chế tối đa tác động xấu đến dinh dưỡng của đất.
 |
Mô hình lúa nếp tan, sản phẩm OCOP 4 sao của huyện Mường La, Sơn La. |
Tại những địa phương vùng Tây Bắc mà chúng tôi có dịp khảo sát, các đồng chí lãnh đạo từ tỉnh đến huyện đều khẳng định: Nghị quyết lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng là tấm gương phản chiếu từ cuộc sống và thực tiễn sinh động, được thực tế cuộc sống đo lường, kiểm nghiệm. Khi nghị quyết bám sát thực tiễn cuộc sống, bằng những chủ trương, giải pháp phù hợp, nhất là được triển khai tổ chức thực hiện một cách quyết liệt thì nghị quyết ấy thực sự có giá trị.
Ngược lại, sau khi có nghị quyết, cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng thiếu sâu sát, cụ thể trong công tác kiểm tra, giám sát, hay đặt ra chỉ tiêu không phù hợp thì khó mang lại hiệu quả lãnh đạo như mong muốn.
Chọn đúng đột phá vì dân
Nghị quyết của cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng chỉ thực sự có giá trị khi được kiểm chứng trong thực tiễn triển khai thực hiện. Bằng sự linh hoạt, nhạy bén, sáng tạo trong tổ chức thực hiện nghị quyết của ban chấp hành đảng bộ các cấp, các địa phương vùng Tây Bắc đã đưa những tiềm năng, thế mạnh của địa phương mình trở thành những mũi nhọn kinh tế, biến những khó khăn, thách thức thành cơ hội phát triển.
Hơn thế, từ những quyết sách, chủ trương và hướng đi đúng đắn, các địa phương mà chúng tôi có dịp khảo sát đã có chuyển biến rõ nét về chất lượng tăng trưởng, phát triển theo hướng bền vững, vừa khai thác, vừa bảo tồn các tiềm năng, lợi thế. Nhiều nơi, đồng bào không còn lối sản xuất manh mún, tự cung tự cấp, thuận theo tự nhiên như trước đây mà đã biết cải tạo tự nhiên, biết ứng dụng khoa học và công nghệ để nâng cao giá trị nông sản, biết tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị.
Đến thăm mô hình trồng lúa nếp tan ở bản Ít, xã Nặm Păm, đồng chí Nguyễn Văn Tâm, Phó chủ tịch UBND huyện Mường La tự hào trước những khởi sắc của địa phương những năm gần đây. Tâm sự với chúng tôi, đồng chí Phó chủ tịch UBND huyện vẫn còn nguyên nỗi trăn trở khi trong giai đoạn 2010-2015, Mường La không có nổi 1kg nông sản được xuất khẩu vì chất lượng không bảo đảm.
Thế nhưng, đến nhiệm kỳ 2015-2020, nhiều loại trái cây như xoài, na, nhãn, mít... trồng theo quy trình VietGap, các sản phẩm OCOP của huyện không chỉ có mặt trong siêu thị trên khắp cả nước mà đã được xuất khẩu với giá trị thương mại lớn.
Ngay như lúa nếp tan ở Nặm Păm cũng đã nhân rộng ra nhiều xã và được đăng ký sản phẩm OCOP đạt chuẩn 4 sao. Sản phẩm gạo nếp tan sau khi chế biến, xuất khẩu có giá tới hơn 120.000 đồng/kg, bán tại chỗ cũng có giá hơn 50.000 đồng/kg.
 |
Một góc công trình thủy điện Sơn La. |
"Thực mục sở thị" tại huyện Mường La, phải ghi nhận rằng gần như mọi tiềm năng, lợi thế dù lớn hay nhỏ của địa phương đều được các đồng chí lãnh đạo huyện định hướng tận dụng, khai thác. Ngành nông nghiệp của địa phương tích cực xây dựng các mô hình sản xuất và tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị từ khâu quy hoạch vùng nguyên liệu đến các khâu kết nối tiêu thụ nông sản...
Từ nhận thức đúng đắn, huyện Mường La tập trung phát triển ngành nông nghiệp theo chuỗi giá trị để vừa bảo đảm không bị phá vỡ quy hoạch, vừa phát huy tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương cũng như nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, đồng bào thì có việc làm ổn định.
Cụ thể, với tổng diện tích hơn 5.000ha mặt nước, cùng với quy hoạch lòng hồ thủy điện, huyện Mường La có chủ trương kết hợp với phát triển thủy sản, trong đó tập trung nuôi cá tầm, cá hồi xuất khẩu, kết nối theo chuỗi giá trị.
Ở những vùng thấp, nóng, huyện quy hoạch phát triển cây ăn quả theo quy trình VietGap và sản phẩm OCOP. Toàn huyện có hơn 50 hợp tác xã, trong đó có hơn 30 hợp tác xã nông nghiệp. Hầu hết các hộ gia đình đều tham gia vào kinh tế hợp tác xã, trở thành một hạt nhân, mắt xích trong chuỗi giá trị. Bà con tổ chức sản xuất nông nghiệp theo địa chỉ, theo đơn đặt hàng chứ không còn manh mún, tự phát như trước.
Để có những kết quả trên là cả quá trình đầy gian nan. Việc ban hành nghị quyết lãnh đạo mới chỉ là phần nhận thức đúng đắn của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, nhưng từ nhận thức đến hành động và cho ra kết quả trên thực tế là sự quyết tâm, nỗ lực cố gắng rất lớn của hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân huyện Mường La.
Sau 5 năm thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020, Mường La có sự khởi sắc rõ nét, chỉ trong 3 năm cuối của nhiệm kỳ, toàn huyện có 3 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại cũng đạt nhiều tiêu chí nên đã tạo ra sự thay đổi rất mạnh mẽ bộ mặt nông thôn miền núi. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Mường La đặt mục tiêu đến năm 2025, huyện sẽ ra khỏi danh sách các huyện nghèo.
Tại tỉnh Lai Châu, lãnh đạo địa phương giới thiệu nhiều về tiềm năng thủy điện của tỉnh. Toàn tỉnh có khoảng 500 sông, suối nhỏ, trong đó có hai sông lớn là Nậm Na và sông Đà. Lai Châu chủ yếu khai thác thủy điện từ độ dốc của sông, suối, rất ít lòng hồ nên mức độ ảnh hưởng đến đất rừng, đất sản xuất là không nhiều.
Trên cơ sở các chỉ số nghiên cứu, đánh giá khoa học của các chuyên gia về mức độ tác động, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lai Châu ban hành nghị quyết chuyên đề để tập trung lãnh đạo, đưa những tiềm năng, thế mạnh này mang lại hiệu quả, giá trị kinh tế trên thực tế.
Hiện toàn tỉnh Lai Châu đưa vào quy hoạch 156 công trình thủy điện, trong đó có 32 công trình thủy điện đã đi vào hoạt động với tổng công suất gần 2.000MW. Theo tính toán, cứ 1MW điện đóng góp cho Nhà nước khoảng 1 tỷ đồng tiền thuế/năm.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh rất kỳ vọng, nếu toàn bộ các công trình thủy điện trong quy hoạch đi vào hoạt động, dự kiến mục tiêu thu ngân sách trong giai đoạn 2020-2025 của toàn tỉnh là hoàn toàn khả thi. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh cũng nhất quán với chủ trương khai thác nhưng phải gắn với phát triển bền vững.
Trong đó các công trình thủy điện khi được quy hoạch, cấp phép đầu tư sẽ phải qua nhiều giai đoạn đánh giá rất gắt gao và tỉnh sẽ kiên quyết đưa ra khỏi quy hoạch những công trình không đạt tiêu chuẩn về công nghệ, môi trường...
Thế mạnh mũi nhọn của Lai Châu được kiểm chứng ngay trên hành trình vào huyện Mường Tè. Trên đoạn sông dài chừng 7-10km, có tới 3 công trình thủy điện lớn, nhỏ đang được triển khai xây dựng. Chỉ tính riêng huyện Mường Tè, có 53 công trình thủy điện được quy hoạch, trong đó có 5 thủy điện đã hòa điện lưới quốc gia, 16 thủy điện đang triển khai xây dựng. Tổng sản lượng từ thủy điện của toàn huyện ước đạt khoảng 1.000MW.
Ngoài thủy điện, Lai Châu nói chung, huyện Mường Tè nói riêng còn có tiềm năng rất lớn về kinh tế lâm nghiệp. Độ che phủ rừng của toàn tỉnh đạt hơn 60%, trong đó riêng huyện Mường Tè đạt 66,4%. Diện tích trồng cây mắc ca của toàn tỉnh hiện có hơn 3.000ha.
Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Mường Tè rất thích hợp với trồng cây mắc ca, tỉnh Lai Châu kỳ vọng trong tương lai không xa, huyện Mường Tè sẽ trở thành thủ phủ mắc ca của cả nước. Trong đó, tỉnh đã xây dựng quy hoạch vùng nguyên liệu 6.800ha tại đây và hiện đã thu hút được một số doanh nghiệp đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu.
Rong ruổi trên những cung đường dọc dài Tây Bắc, chúng tôi thấy từng tiềm năng, lợi thế vùng Tây Bắc đang được đánh thức, khơi thông, được cụ thể hóa trong các nghị quyết lãnh đạo để chuyển hóa thành mũi nhọn kinh tế, mang lại giá trị thực sự. Điều quan trọng là để những chủ trương, quyết sách đúng đắn ấy đi vào cuộc sống thì không thể không kể đến vai trò nòng cốt từ những hạt nhân chính trị của Đảng ở cơ sở. Đó cũng là nội dung được chúng tôi đề cập ở bài viết sau.
(còn nữa)
Nhóm PV Báo QĐND