Sau năm đầu tiên thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chúng tôi trở lại Tây Bắc để ghi lại những nỗ lực của tập thể, cá nhân nhằm đưa Tây Bắc nhanh chóng tiến gần sự phồn vinh và cũng mong muốn phác họa lại sợi dây gắn kết giữa ý Đảng-lòng dân trên vùng Tây Bắc.
Bài 1: Ánh sáng dẫn lối đồng bào
Kết quả khảo sát tại một số xã, huyện thuộc diện khó khăn của các tỉnh: Sơn La, Lai Châu, Điện Biên... giúp chúng tôi có thêm cứ liệu để khẳng định: Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các chương trình mục tiêu quốc gia, các nghị quyết của Quốc hội để phát triển vùng Tây Bắc thực sự đã lan tỏa đến từng thôn, bản.
 |
Một góc TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên nhìn từ trên cao. Ảnh: VŨ LỢI. |
Chặng đường ngắn - bước tiến dài
Chúng tôi đến xã Tân Xuân trong màn sương mù đặc trưng của Vân Hồ (Sơn La). Từ trung tâm huyện, tỉnh lộ 122 dẫn vào Tân Xuân được trải nhựa dài gần 50km. Xã Tân Xuân được thành lập tháng 4-2007 sau khi chia tách từ xã Xuân Nha và là xã duy nhất của huyện Vân Hồ có đường biên giới hơn 2km giáp với nước bạn Lào. Đón tiếp chúng tôi trong căn phòng làm việc có phần giản dị, Phó chủ tịch UBND xã Hà Xuân Thuyền vẻ mặt đăm chiêu nhớ lại những khó khăn, thiếu thốn một thuở của địa phương. Anh Thuyền bộc bạch: “Không giấu gì các anh, ngày mới chia tách, tỷ lệ hộ nghèo ở xã tôi chiếm tới hơn 90%. Kết cấu hạ tầng của xã là “nhiều không”: Không có đường nhựa, không trường học, không trạm y tế, không điện lưới quốc gia và không sóng điện thoại. Nơi làm việc của cán bộ xã cũng phải mượn từ nhà văn hóa bản Mướt. Anh em cán bộ kê mấy cái bàn ở gầm căn nhà sàn cũ kỹ, ngồi chụm lại với nhau để làm việc... Đến nay, sau gần 15 năm thành lập, kết cấu hạ tầng kinh tế của xã đã được đầu tư xây dựng khá đồng bộ, khang trang. Năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm còn 28,2%, hơn 90% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia. Mấy năm gần đây, giá nông sản tương đối cao, lưu thông hàng hóa thuận lợi nên đời sống bà con được cải thiện rất nhiều. Nhiều gia đình đã mua sắm xe máy, ti vi, tủ lạnh, một số hộ còn mua được ô tô...”.
Đưa chúng tôi đi thăm một số mô hình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) của xã, anh Thuyền vui vẻ kể: “Hiện nay, Tân Xuân còn bản Xa Lai chưa có điện lưới. UBND tỉnh và các cơ quan đang tích cực triển khai kéo điện lưới quốc gia đến bản Xa Lai. Có khoảng 6km đường điện sẽ đi qua rừng đặc dụng quốc gia nên các ban, ngành chức năng từ tỉnh xuống huyện phải bàn bạc rất kỹ để bà con có điện sinh hoạt mà lại không ảnh hưởng đến rừng đặc dụng...”.
Nhớ lại hôm chúng tôi làm việc với UBND huyện Vân Hồ, anh Nguyễn Hợp Cường, Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đã phấn khởi thông tin: “Các đồng chí lãnh đạo tỉnh rất quyết tâm, chỉ bàn tiến chứ không bàn lùi. Quyết tâm đưa điện đến với bà con vào trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Có đường, có điện lưới quốc gia sẽ mở ra cho bà con những hướng đi mới trong phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo”.
Những ngày khảo sát tại các địa phương vùng Tây Bắc, chúng tôi cảm nhận rõ nét sự phát triển mạnh mẽ ở các xã, huyện vốn được xem là lõi nghèo của cả nước. Nhiều địa phương trong vùng phát triển khá sầm uất, giao thương tấp nập không thua kém gì các tỉnh miền xuôi. Trong số ấy, phải kể đến huyện Mường Tè (Lai Châu)-nơi có xuất phát điểm gần như thấp nhất, khó khăn nhất của cả nước.
Có mặt ở thị trấn Mường Tè khi trời Tây Bắc đã nhá nhem tối, Mường Tè hiện ra trước mắt chúng tôi là những ánh đèn điện rực rỡ của các hộ gia đình kinh doanh dọc hai bên đường dẫn vào trung tâm huyện. Quốc lộ 4H và các tỉnh lộ đều đã thông suốt đến tận trung tâm huyện. Tại trụ sở UBND huyện, đồng chí Đao Văn Khánh, Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mường Tè nói như khoe: “Mường Tè là huyện xa xôi của Lai Châu, thế nhưng 13/13 xã đều đã có đường ô tô đến trung tâm xã và tất cả các bản trong huyện hầu như đều có đường kiên cố đến trung tâm bản. Điện lưới quốc gia đã kéo đến 93% hộ dân trong huyện và hiện Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang tiếp tục triển khai đưa điện lưới đến các bản chưa có điện và phấn đấu đến năm 2025, 100% các bản được sử dụng điện lưới quốc gia. Năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn tới 53,7%, với mức giảm trung bình 5,6%/năm, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện đến cuối năm 2021 ước giảm còn khoảng 24%...”.
Đến Mường Tè, được chứng kiến vùng đất nghèo khó của Tây Bắc đang "khoác" lên mình diện mạo mới, khởi sắc từng ngày, chúng tôi càng thấy rõ những chủ trương, quyết sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế, xã hội ở miền núi đã từng bước hiển hiện trên thực tế. Đó là cả một hành trình tích cóp, vươn lên của từng hộ dân, từng thôn bản, dưới sự dẫn dắt của cấp ủy, chính quyền địa phương và nguồn lực đầu tư của Trung ương. Ngay trong những năm đầu bước vào giai đoạn đổi mới đất nước, Bộ Chính trị khóa VI đã ban hành Nghị quyết 22-NQ/TW, ngày 27-11-1989 về một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế-xã hội miền núi. Từ đó đến nay, đã có hàng chục nghị quyết, quyết định của Đảng, Quốc hội, Chính phủ được cụ thể hóa thành các chương trình, mục tiêu quốc gia, đề án, dự án mang tầm vĩ mô, với các nhóm giải pháp tích cực về phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Mới đây nhất là Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18-11-2019 về Phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, trong đó định rõ các giải pháp, nguồn lực để thực hiện.
Những nghị quyết mà Đảng, Nhà nước đã ban hành tiếp tục được cụ thể hóa bằng các chương trình hành động, kế hoạch với các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể phù hợp với thực tiễn của các địa phương. Thế nên sự chuyển biến tiến bộ về hạ tầng kinh tế, xã hội, về dân trí và chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng hiển hiện trên thực tế.
 |
Đưa điện lưới quốc gia đến với đồng bào dân tộc vùng Tây Bắc. Ảnh: VIỆT TRUNG |
Đảng vì dân, dân một lòng theo Đảng
Chúng tôi đến xã Sín Thầu (Mường Nhé, Điện Biên) đúng mùa hoa dã quỳ nở rộ ven đường. Sín Thầu-nơi có cột mốc số 0 A Pa Chải trên đỉnh Khoan La San, điểm cực Tây của Tổ quốc. Đây là giao điểm đường biên giới 3 nước Việt Nam-Lào-Trung Quốc. Đồng bào Hà Nhì đã chọn ngã ba biên giới làm nơi an cư từ hàng trăm năm trước. Ông Pờ Dần Sinh, người Hà Nhì, ở bản Tả Kố Khừ, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu và là đảng viên có 35 năm tuổi Đảng, 33 năm làm cán bộ xã. Bố ông Sinh-cụ Pờ Pố Chừ là một trong những đảng viên đầu tiên trong chi bộ đảng đầu tiên ở Mường Nhé. Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông Sinh khẳng định chắc nịch: “Bố tôi một đời theo Đảng, theo cách mạng, đến tôi và các anh chị em, con cháu mình cũng là người của Đảng và một lòng theo Đảng. Người Hà Nhì nói chung và dòng họ Pờ nói riêng đã ăn đời ở kiếp nơi ngã ba biên giới này, trước sau như một, sống chết vì Đảng, một lòng trung thành với Đảng. Mỗi người Hà Nhì sẽ luôn là một cột mốc sống, bảo vệ vững chắc từng tấc đất và chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”.
Các tỉnh vùng Tây Bắc là phên giậu của Tổ quốc, có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh, kinh tế-xã hội. Những năm qua, Đảng ta luôn nhất quán quan điểm củng cố và giữ vững ổn định chính trị, an ninh trật tự khu vực miền núi, biên giới nói chung và trên địa bàn Tây Bắc nói riêng, tạo nền tảng để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các tỉnh trong vùng thực hiện cho được mục tiêu này. Tiếp nối quan điểm chỉ đạo từ những kỳ đại hội trước, Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đông đồng bào DTTS. Chú trọng tính đặc thù của từng vùng DTTS trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc. Có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các DTTS phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, người có uy tín tiêu biểu trong vùng DTTS...”.
 |
TP Điện Biên Phủ rực rỡ cờ hoa chào mừng kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Ảnh: VŨ LỢI |
Đồng chí Đao Văn Khánh khẳng định: "Mường Tè có được như hôm nay là nhờ có những chủ trương, quyết sách đúng đắn và nguồn lực to lớn của Đảng. Cán bộ, đảng viên, đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và luôn nỗ lực phấn đấu, dù khó khăn đến đâu cũng phải quyết tâm thực hiện cho được 3 nhiệm vụ chiến lược mà Trung ương và tỉnh giao cho, đó là: Bảo vệ vững chắc nguyên trạng đường biên mốc giới, chủ quyền quốc gia; giữ cho được diện tích rừng hiện có (độ che phủ rừng của huyện đạt 66,4%) và bảo đảm an ninh trật tự khu vực nông thôn, miền núi".
“Vậy Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã có những chủ trương, quyết sách gì để thực hiện 3 nhiệm vụ chiến lược này?", chúng tôi đặt câu hỏi và được anh Trịnh Tuấn Anh, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Mường Tè lý giải: "Đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị huyện Mường Tè cơ bản là người DTTS, do vậy, để thực hiện tốt 3 nhiệm vụ chiến lược quan trọng đó, Đảng bộ huyện xác định phải làm tốt công tác bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ là người đồng bào DTTS. Cán bộ địa phương là người DTTS sẽ thuận lợi trong việc bám sát cơ sở, hướng dẫn nhân dân làm theo được tốt hơn...”. Chúng tôi được biết, hiện nay, công tác phát triển đảng trong đồng bào DTTS, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ người DTTS được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và đã thu gặt được nhiều kết quả đáng mừng. Đảng bộ huyện có hơn 3.700 đảng viên và là một trong những đảng bộ làm tốt nhất trong công tác phát triển Đảng ở Lai Châu.
Những chia sẻ của anh Trịnh Tuấn Anh được kiểm nghiệm ngay tại xã Bum Nưa-một trong những xã đạt chuẩn nông thôn mới sớm nhất của huyện Mường Tè (năm 2016). Đảng bộ xã Bum Nưa có 232 đảng viên, trong đó 205 đảng viên là người DTTS; 100% cán bộ, công chức, viên chức xã là người đồng bào DTTS. Đây chính là những hạt nhân của Đảng ở các bản, đóng vai trò nòng cốt trong việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; hướng dẫn, giúp đỡ đồng bào phát triển kinh tế. Nhờ đó, nhiều năm nay, xã Bum Nưa không có tình trạng di cư tự do, không có tà đạo và không có tuyên truyền đạo trái pháp luật. Đồng bào các dân tộc trong xã đoàn kết, yên tâm phát triển kinh tế, làm giàu từ ruộng, từ rừng của quê hương mình.
Trong các buổi làm việc với phóng viên Báo Quân đội nhân dân về tình hình phát triển kinh tế-xã hội và công tác xây dựng Đảng ở cơ sở, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy các tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu đều có chung khẳng định và niềm tin son sắt: Dù địa phương còn gặp nhiều khó khăn, nhưng đồng bào các dân tộc nói chung và đội ngũ cán bộ, đảng viên nói riêng vẫn một lòng trung thành với Đảng, có nhiều nỗ lực, sáng tạo trong việc cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Trung ương phù hợp với tình hình thực tiễn cơ sở. Các cấp ủy Đảng ở cơ sở từ xã đến bản mà chúng tôi khảo sát đều thể hiện rõ là hạt nhân chính trị, đoàn kết, tổ chức vận động, giáo dục, lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, sát cánh cùng đồng bào thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, chăm lo cải thiện đời sống vật chất, văn hóa cho nhân dân, xây dựng địa bàn vững mạnh. Và như một lẽ tự nhiên, Đảng gần gũi, hiện hữu ở ngay trong đồng bào, đồng bào một lòng theo Đảng như tất yếu vốn có.
(còn nữa)
Nhóm PV Báo QĐND