Cứu dân là mệnh lệnh trái tim

Hoàng hôn trên Quân cảng Kỳ Hà (huyện Núi Thành, Quảng Nam) thật trong lành. Giai điệu ca khúc “Ra khơi mang tình mẹ” của nhạc sĩ Phạm Nguyễn cất lên da diết: “... Bờ tre ngân nga bao lời ca/ Dòng sông âm vang bao lời ca/ Thiết tha như lời mẹ dặn con/ Ấm sao như lời mẹ ru con/ Đêm nay ra khơi đêm nay sao thắp giữa bầu trời/ Như mắt mẹ nhìn theo bao yêu thương/ Ra khơi đêm nay sao sáng giữa bầu trời/ Như mắt mẹ nhìn theo bóng tàu đi...”.

leftcenterrightdel
Trên Quân cảng Vùng Cảnh sát biển 2 

Ngồi cạnh tôi, Trung tá Vũ Đức Tuyên, Phó tham mưu trưởng Hải đoàn 21 lý giải: “Bây giờ thanh bình là thế, nhưng để có thể ra khơi cứu dân trong điều kiện sóng to, gió lớn, cán bộ, chiến sĩ trên các con tàu phải chạy đua với thời gian để triển khai mọi công tác chuẩn bị. Các tàu còn chuẩn bị cả phương án nếu sóng to, gió lớn phải lai kéo tàu thuyền ngư dân trên biển, nên công tác chuẩn bị phải hết sức kỹ lưỡng và chu đáo...”.

leftcenterrightdel
Đại tá Lê Huy Sinh, Chính ủy Vùng Cảnh sát biển 2 động viên bộ đội trước khi tàu xuất phát thực hiện nhiệm vụ.

Nghe đồng chí Phó tham mưu trưởng Hải đoàn 21 nói vậy, tôi nhớ đến câu chuyện Vùng CSB 2 cứu 8 ngư dân Đà Nẵng bị nạn trên biển cách đây 5 năm... Thời điểm ấy vào ngày 6-12-2018, Tàu CSB 4037 thuộc Hải đội 201, Vùng CSB 2 đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát trên khu vực Đông Nam đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị), thì nhận được lệnh của Sở chỉ huy yêu cầu tàu nhanh chóng lên đường tìm kiếm, cứu nạn tàu cá mang số hiệu ĐNa 90917 TS của ngư dân Đà Nẵng đang bị hỏng máy, trôi dạt gần trung tuyến bờ ngang khu vực biển Quảng Bình.

Tàu cá ĐNa 90917 TS do ông Nguyễn Văn Độ (SN 1976, trú quận Sơn Trà, Đà Nẵng) điều khiển, cùng 7 thuyền viên bị nạn khi đang đánh bắt cá trên biển trong điều kiện sóng gió cấp 6, giật cấp 7, mưa như roi quất vào thịt da. Tàu bị hỏng máy, mất khả năng cơ động, bị trôi dạt tự do trên biển. Các thuyền viên trong tình trạng hoảng loạn. Hôm ấy, sau hơn 2 giờ đè sóng, di chuyển với tốc độ cao, Tàu CSB 4037 đã tiếp cận được tàu cá ĐNa 90917 TS. Lúc này đêm tối, sóng to, gió lớn, nhưng các chiến sĩ CSB vẫn khẩn trương chuyển toàn bộ ngư dân lên Tàu CSB 4037 lai dắt về cảng Đà Nẵng an toàn.

leftcenterrightdel
Đại tá Lê Huy Sinh, Chính ủy Vùng Cảnh sát biển 2 tặng quà cán bộ, chiến sĩ Tàu CSB 6006 trước khi xuất phát thực hiện nhiệm vụ 

Sáng hôm ấy, 8 ngư dân bước lên cầu cảng Đà Nẵng trong niềm hạnh phúc bất tận, niềm vui vô bờ bến của bạn bè, người thân. Nếu không có sự cơ động ứng cứu kịp thời của những chiến sĩ CSB thì chưa biết chuyện gì đã xảy ra.

Trong niềm vui được trở về với gia đình, ông Nguyễn Văn Độ cảm động nói: “Dự tính đi biển cuối năm về đón Tết dương lịch, nhưng sóng to, gió lớn, tàu bị hỏng máy, may nhờ có tàu Vùng CSB 2 kịp thời ứng cứu, nếu không thì tôi và các anh em nguy mất. Tôi chân thành cảm ơn cán bộ, chiến sĩ Vùng CSB 2-những người đã tận tình, tận nghĩa với nhân dân!”.

Thật khó có thể diễn tả niềm vui và những giọt nước mắt rơi trong ngày trở về của 8 ngư dân sau những phút giây hoảng loạn trên biển, nay được trở về đất liền bình yên. Vòng tay thân thương của người thân và những bàn tay siết chặt của cán bộ, chiến sĩ Vùng CSB 2 trên cầu tàu đã nói lên tất cả... Bước chầm chậm trên Quân cảng, Thiếu tướng Trần Quang Tuấn, Tư lệnh Vùng CSB 2 tâm sự với chúng tôi: “Những ngày cuối năm, điều kiện thời tiết xấu, biển động mạnh, nên đơn vị phải chuẩn bị chu đáo những con tàu để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ, góp phần giữ vững chủ quyền biển, đảo để cho bà con ngư dân yên tâm vui Xuân, đón Tết!”.

Tuy Thiếu tướng Trần Quang Tuấn khái quát ngắn gọn như vậy, nhưng qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, chỉ tính trong năm 2023, đơn vị đã tổ chức hàng trăm lượt tàu, xuồng thực hiện nhiệm vụ trên biển, thực thi pháp luật tại các điểm đảo kết hợp phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại. Bộ tư lệnh Vùng CSB 2 đã điều động hàng chục lượt tàu với gần 200 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia tìm kiếm trên biển, kịp thời cấp cứu, cứu nạn 23 ngư dân, cứu kéo 3 phương tiện vào đất liền an toàn. 

Đồng hành cùng ngư dân

Trong những năm qua cũng chính thực hiện tốt công tác dân vận, Vùng CSB 2 đã giúp đỡ, hỗ trợ ngư dân Đà Nẵng và các tỉnh ven biển miền Trung phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ ngư dân phát triển kinh tế biển. Những việc làm ý nghĩa đó đã góp phần giúp các xã, huyện đảo, các địa phương ven biển xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, xã hội, vững mạnh về chính trị, tăng cường đoàn kết quân dân. Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam thực sự là điểm tựa vững chắc, đồng hành với ngư dân, giúp ngư dân xử lý các tình huống, những khó khăn thử thách… nhờ có sự đồng hành giúp đỡ đó mà ngư dân họ không còn đơn độc nơi khơi xa, hăng say ra khơi bám biển, sản xuất.

leftcenterrightdel
Chương trình Cảnh sát biển đồng hành cùng với ngư dân tỉnh Quảng Nam. 

Tình cảm quân dân càng thêm bền chặt, bởi Vùng CSB 2 đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hướng về đồng bào như: "CSB với đồng bào dân tộc, tôn giáo", "CSB đồng hành với ngư dân"... Theo đó, trong năm đã có hơn 2.400 suất quà được trao đến các gia đình người có công, ngư dân, đồng bào dân tộc, tôn giáo hoàn cảnh khó khăn; hàng trăm suất học bổng, xe đạp tặng học sinh nghèo vượt khó; hàng nghìn người dân được khám bệnh, cấp thuốc miễn phí... là minh chứng thể hiện tấm lòng của người chiến sĩ CSB.

Thực hiện Chương trình công tác dân vận “CSB đồng hành với ngư dân”, những năm qua, Vùng CSB2 thường xuyên phối hợp với Ban Dân vận Thành ủy Đà Nẵng triển khai nhiều chương trình rất thiết thực, hiệu quả. Trong thời gian đại dịch Covid-19 bùng phát, Chương trình “CSB đồng hành với ngư dân” được tổ chức linh hoạt, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng địa phương và đơn vị. Để “tiếp sức” cùng ngư dân Đà Nẵng chống dịch, Vùng CSB2 đã hỗ trợ gần 500 suất quà (mỗi suất gồm có các nhu yếu phẩm, khẩu trang y tế và 700 nghìn đồng) tặng các gia đình ngư dân có hoàn cảnh khó khăn trong điều kiện phong tỏa bởi dịch Covid-19.

Chứng kiến toàn bộ Chương trình “CSB đồng hành với ngư dân” tôi thấy một hình ảnh rất cảm động. Nhận phần quà từ lãnh đạo Vùng CSB 2 tặng, ngư dân Nguyễn Văn Ba ở phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, xúc động nói: “Trong cơn hoạn nạn mới hiểu tận lòng nhau, được nhận quà từ các anh cảnh sát biển, gia đình tôi mừng lắm. Sự động viên của các anh đã tiếp thêm động lực, để mai này hết dịch gia đình tôi lại vững tin vươn khơi bám biển!”.

leftcenterrightdel

Hải đoàn 21, Vùng Cảnh sát biển 2 với chương trình "Tết hải đảo, xuân ấm áp - Thắm tình quân dân 

Có mặt tại buổi tiếp nhận quà hỗ trợ ngư dân, ông Đoàn Ngọc Hùng Anh, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đà Nẵng khẳng định: “Chương trình “CSB đồng hành với ngư dân” của Vùng CSB 2 có ý nghĩa hết sức thiết thực và tính nhân văn sâu sắc. Hoạt động “tiếp sức” cùng ngư dân chống dịch Covid-19 là cụ thể hóa chương trình, kế hoạch phối hợp thực hiện giữa Ban Dân vận Thành ủy và Bộ tư lệnh Vùng CSB 2 nhằm chăm lo, hỗ trợ cho ngư dân gặp khó khăn trên địa bàn...”.

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Trần Hồng Quế, Phó chính ủy Vùng CSB2 tâm sự: “Chúng tôi xác định, những phần quà của Bộ tư lệnh Vùng tuy không lớn về vật chất nhưng đó là tình cảm, trách nhiệm, sự chia sẻ của cán bộ, chiến sĩ đối với bà con ngư dân, nhằm kịp thời động viên, hỗ trợ bà con vững tin chống dịch”.

Gác việc riêng, lo việc chung

Gần gũi với những chiến sĩ Vùng CSB2, chúng tôi thêm cảm phục tinh thần khắc phục khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ý chí và nghị lực của các anh đã thắp sáng ngọn lửa tình yêu biển, đảo của Tổ quốc. Chứng kiến giây phút các thủy thủ kéo cờ Tổ quốc lên boong thượng đài chỉ huy, tất cả thành viên trên tàu trào dâng một cảm xúc thiêng liêng, nồng ấm...

Trò chuyện với Trung tá Lê Trung Thành, Phó hải đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Hải đoàn 21, tôi biết thêm về câu chuyện vượt khó của người sĩ quan bản lĩnh này... Ngày anh còn mang quân hàm Đại úy, Thuyền trưởng Tàu CSB-4033 thuộc Hải đội 201, Vùng CSB2 có mẹ là Huỳnh Thị Như Đóa bị ung thư vòm họng, phải điều trị dài ngày. Còn vợ là Phạm Thị Hồng Nhung chưa có việc làm ổn định. Vì hoàn cảnh gia đình nên Thành được đơn vị giải quyết cho về quê chăm sóc mẹ. Vốn là người cán bộ năng nổ, nhiệt tình và trách nhiệm, tuy về quê Quảng Ngãi nhưng trong lòng anh lúc nào cũng như có lửa đốt vì ngoài khơi xa, đồng đội vẫn đang phải ngày đêm bám tàu, bám biển thực hiện nhiệm vụ. Sau một thời gian ngắn chăm sóc mẹ, Thành trở lại đơn vị sớm hơn nửa tháng (theo lịch nghỉ phép) để cùng đồng đội ra khơi.

leftcenterrightdel
Tàu Vùng Cảnh sát biển 2 thực thi nhiệm vụ trên biển. 

Ở Vùng CSB2, còn nhiều câu chuyện cảm động về tình yêu, về tinh thần chịu đựng khó khăn, gian khổ như vậy. Thiệp hồng đã gửi tới họ hàng và anh em, bạn bè, nhưng Đại úy (nay là Trung tá) Trương Trường Quang, Chủ nhiệm Quân y Vùng vẫn lên tàu vượt sóng ra khơi thực hiện nhiệm vụ trong dịp Tết. Ngày Quang đi, vợ sắp cưới là chị Võ Thị Diệu Thảo công tác tại Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật và Du lịch tỉnh Quảng Nam rất buồn. Quang phải động viên, giải thích cho Thảo hiểu rõ ý nghĩa và niềm vinh dự khi được tham gia chuyến công tác dài ngày trên biển. Thế là họ đành phải “gác tình riêng, lo việc chung”. Vì thiệp mời đã gửi, cỗ bàn đã đặt, nên đến ngày cưới dù Quang không về kịp, thì hai gia đình vẫn tổ chức đám cưới.

Ngày đầu xuân Giáp Thìn, chúng tôi đến thăm gia đình Thượng tá Nguyễn Hải Trịnh, Phó tham mưu trưởng Quân huấn Vùng CSB2. Trong căn phòng nhỏ ở khu chung cư Vũng Thùng (Quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), trò chuyện với chúng tôi, chị Ngô Thị Mỹ Hạnh-vợ anh Trịnh tâm sự: “Vẫn biết vinh dự và trách nhiệm nặng nề luôn song hành trên đôi vai người chiến sĩ CSB. Dẫu rằng đã quá quen với cảm giác vắng chồng trong dịp Tết, thế nhưng xuân đến thấy bao gia đình sum vầy, đoàn tụ bên nhau, em lại cảm thấy chạnh lòng”.

Trên vùng biển quê hương, những con tàu cảnh sát biển Việt Nam vẫn kiên cường vượt sóng gió tuần tra bất kể đêm ngày. Và cũng chính các anh là những người luôn đồng hành với ngư dân Quảng Nam nói riêng cũng như ngư dân ven biển miền Trung nói chung trong những lúc khó khăn, hoạn nạn để chung sức xây dựng vững chắc “thế trận lòng dân” trên biển.

Tôi biết, dù trong bất kỳ điều kiện hoàn cảnh nào, người chiến sĩ Vùng CSB 2 đều vượt lên khó khăn, gian khổ và mất mát, hy sinh để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Mùa xuân của những chiến sĩ Vùng CSB 2 là vượt sóng ra khơi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ bình yên cho đất nước. Bao nhiêu chuyến đi là bấy nhiêu lần những người chiến sĩ CSB gồng mình chống chọi với sóng gió và cả những tình huống căng thẳng, phức tạp trên biển... Giữa biển trời bao la, nhưng họ không hề đơn độc, bởi tình yêu quê hương, đất nước chính là nguồn động viên, tiếp thêm sức mạnh và dũng khí cho người chiến sĩ CSB vượt qua thử thách, gian khó, đồng hành cùng ngư dân vươn khơi, bám biển, góp phần cùng các lực lượng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc...

Bài và ảnh: PHAN TIẾN DŨNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.