Với điểm mốc đầu tiên là Báo Thanh niên, cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên - tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, xuất bản bằng chữ Quốc ngữ, ra số đầu tiên ngày 21-6-1925, báo chí cách mạng ra đời như một tất yếu lịch sử, đáp ứng nhu cầu bức thiết của quá trình vận động thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ một tờ báo được tổ chức nội dung và in ấn ở nước ngoài, rồi bí mật chuyển về nước, báo chí cách mạng đã không ngừng lớn lên, phát triển cùng với phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, trở thành một hệ thống báo chí đa dạng về loại hình, phong phú về nội dung, ngày càng hiện đại về công nghệ, đáp ứng ngày một tốt hơn các nhu cầu trong nước, sức ảnh hưởng càng thêm mở rộng, nâng lên trên phạm vi quốc tế.

Bạn đọc tham quan gian trưng bày Khối báo chí Quân đội tại Hội Báo toàn quốc 2024 tổ chức ở TP Hồ Chí Minh. Ảnh: XUÂN CƯỜNG 

Trong quá trình phát triển suốt 100 năm qua, báo chí cách mạng đã đồng hành với dân tộc từ trong cuộc đấu tranh gian khổ, hy sinh, lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp, đánh đuổi phát xít Nhật và đế quốc Mỹ, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, cũng như trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước vì hạnh phúc của nhân dân, làm nên những trang sử vẻ vang, rất đỗi tự hào. Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, khắc nghiệt dưới sự cai trị của bộ máy cảnh sát, mật vụ thực dân Pháp câu kết với phong kiến phản động, hay trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ, chống thực dân xâm lược Pháp, đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, báo chí cách mạng trở thành vũ khí chiến đấu, công cụ tuyên truyền, cổ động, tổ chức và lãnh đạo cách mạng của Đảng, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định. Ở mọi thời kỳ đấu tranh cách mạng, trong mọi điều kiện, môi trường xã hội, báo chí cách mạng đều có mặt, truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lênin, thức tỉnh quần chúng nhân dân trong đấu tranh hay tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, vận động nhân dân trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, nhiều tờ báo đã bí mật xuất bản trong nước như: Búa liềm, Cờ cộng sản, Nhân loại; các báo ở các địa phương: Sao đỏ ở Hải Phòng, Tia sáng ở Nam Định, Bôn-sơ-vích ở Trung Kỳ... hay ở nước ngoài như: Đỏ, Công Nông, Lính cách mệnh, Đồng Thanh, Thân ái... 

Trong giai đoạn 1930-1945, báo của các tổ chức đảng được xuất bản khắp các miền trong cả nước: La Lutte, Le Travail, Dân Chúng, Tin tức, Đời nay, Nhành Lúa, Dân... Năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng, đã chỉ đạo xuất bản tờ Việt Nam độc lập. Cùng với Việt Nam độc lập, nhiều tờ báo khác như: Giải phóng, Cứu quốc, Cờ giải phóng, Tạp chí Cộng sản, Lao động, Bẻ xiềng... được xuất bản, đáp ứng yêu cầu chuẩn bị Tổng khởi nghĩa.

Phóng viên ảnh Tuấn Huy tác nghiệp tại khu vực sạt lở đất do ảnh hưởng hoàn lưu của bão Yagi tại tỉnh Hà Giang. Ảnh: HUY NGUYỄN 

Các cơ quan báo chí như: Sự thật, Nhân Dân, Văn nghệ, Quân đội nhân dân, Nhân dân miền Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Tiếng nói Nam Bộ... trong kháng chiến chống thực dân Pháp và dòng báo chí “giải phóng” như: Quân Giải phóng, Văn nghệ Giải phóng, Phụ nữ Giải phóng, Đài Phát thanh Giải phóng... trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là nguồn thông tin chính yếu, quan trọng, công cụ tuyên truyền, vận động và lãnh đạo cách mạng của Đảng.

Sau Hiệp định Geneva 1954, miền Bắc giải phóng, bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, hệ thống báo chí phát triển nhanh chóng. Đến năm 1962, ở miền Bắc đã có hơn 1.500 nhà báo làm việc trong khoảng 120 cơ quan báo chí các loại. Sau ngày 5-8-1964, đế quốc Mỹ phát động cuộc chiến tranh phá hoại ở miền Bắc. Trên thực tế, báo chí miền Bắc cũng trải qua những thử thách khắc nghiệt để giữ vững vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, phục vụ nhiệm vụ vừa chiến đấu vừa sản xuất, vừa là tiền tuyến chống chiến tranh phá hoại vừa là hậu phương cho mặt trận miền Nam.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, báo chí cách mạng Việt Nam đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh suốt quá trình đồng hành với dân tộc trong 100 năm qua. Từ những tờ báo nhỏ, ra đời trong đấu tranh cách mạng, in ấn thô sơ, bị đàn áp, săn đuổi, khủng bố hay bị kiểm duyệt, ngăn cản nói lên lẽ phải, báo chí cách mạng Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành. Đến nay, cả nước đã có 6 cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực, 127 cơ quan báo, 671 cơ quan tạp chí, 72 cơ quan đài phát thanh, truyền hình, 78 kênh phát thanh trong nước, 194 kênh truyền hình trong nước và 45 kênh truyền hình nước ngoài cung cấp dịch vụ trả tiền. Khoảng 41.000 người đang hoạt động trong hệ thống báo chí. Đó là chưa kể gần 80% dân số sử dụng các phương tiện thông minh để truy cập thông tin hằng ngày.

Trong lịch sử 100 năm báo chí cách mạng Việt Nam, đội ngũ nhà báo thực sự là những “chiến sĩ cách mạng sử dụng “cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén” để phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn. Chính Người đã khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam, coi hoạt động báo chí như một “duyên nợ”, trực tiếp tổ chức hoạt động hàng chục tờ báo và đã viết báo trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình với “chỉ có một "đề tài” là: “Chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”.

Phóng viên tác nghiệp tại thao trường Alabino (Liên bang Nga) trong khuôn khổ Hội thao quân sự quốc tế (Army Games 2021). Ảnh: VŨ PHONG 

Nhiều chiến sĩ cách mạng, nhà lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đã là những nhà báo, người tổ chức hoạt động báo chí phục vụ cách mạng như: Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Lê Duẩn, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Văn Tạo, Phan Đăng Lưu, Xuân Thủy, Dương Bạch Mai, Huỳnh Tấn Phát, Hải Triều, Trần Văn Giàu, Trần Huy Liệu... Nhiều nhà báo đã ngã xuống trong chiến tranh cách mạng, cống hiến cuộc đời mình cho độc lập, tự do của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân. Đó là Trần Kim Xuyến, Nguyễn Văn Nguyễn, Dương Tử Giang, Trần Đăng, Nam Cao, Trần Mai Ninh, Thâm Tâm, Thôi Hữu, Lê Anh Xuân, Lê Đoan, Dương Thị Xuân Quý, Chu Cẩm Phong... Đó còn là hơn 500 nhà báo liệt sĩ, những người làm báo trên những cương vị khác nhau, hy sinh trong nhà tù thực dân, đế quốc, trên chiến hào hay khi đang làm nhiệm vụ trên các mặt trận. Nhiều người làm báo đã có những cống hiến xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng đất nước, bảo vệ Tổ quốc, trở thành Anh hùng LLVT nhân dân, Anh hùng Lao động, Chiến sĩ thi đua toàn quốc.

100 năm đồng hành với dân tộc, trải qua nhiều khó khăn, thử thách khắc nghiệt, báo chí cách mạng Việt Nam không chỉ là chứng nhân lịch sử mà thực sự là cầu nối giữa Đảng với nhân dân; là vũ khí sắc bén trong đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc; là công cụ hữu hiệu của công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước; là một bộ phận tạo thành, không thể tách rời của toàn bộ sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng lớp lớp thế hệ người làm báo cách mạng đã dày công lao động sáng tạo, bằng mồ hôi, công sức và cả máu xương của mình để viết nên lịch sử vẻ vang của nền báo chí cách mạng, một nền báo chí chiến đấu, đầy chất nhân văn và bản sắc Việt Nam; để lại cho chúng ta những bài học kinh nghiệm quý báu. Đó chính là vốn liếng, hành trang vô cùng quý giá để báo chí Việt Nam bước tiếp cùng dân tộc, cùng đất nước, viết tiếp những thành công trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

GS, TS TẠ NGỌC TẤN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.