Thực hiện lời dạy của Người, suốt 77 năm qua, các thế hệ người dân Việt Nam luôn nêu cao tinh thần rèn luyện thân thể gắn với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cùng với những thành tích vẻ vang trên đấu trường khu vực, châu lục và thế giới của thể thao thành tích cao, thể thao phong trào đã ăn sâu bén rễ vào đời sống xã hội. Hằng ngày, không khó để chúng ta bắt gặp cảnh người tập dưỡng sinh, yoga, aerobic; người đi bộ, chạy bộ, chơi cờ, đánh cầu lông, đạp xe... Mỗi người đều lựa chọn một môn thể thao phù hợp nhưng tất thảy đều hướng tới mục tiêu chung là nâng cao sức khỏe. 

Nhìn số liệu 36% số người dân và 29% số gia đình tập luyện thể dục thể thao thường xuyên trên cả nước năm 2023, chúng ta thấy rõ cộng đồng ngày càng quan tâm và đề cao rèn luyện thân thể. Khắp từ Bắc vào Nam, những công trình TDTT công cộng, các câu lạc bộ thể thao, các giải đấu, giải chạy ngày càng được gia tăng về số lượng và chất lượng. Khắp các thôn/xóm, phường/xã, nhiều hội thi, hội thao được tổ chức thường xuyên với tinh thần vui tươi, khỏe mạnh, an toàn, tiết kiệm, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Tất cả như những bông hoa đẹp điểm tô cùng sự phát triển chung của đất nước.

leftcenterrightdel
 Giải chạy FPT Happy Run 2023 thu hút nhiều vận động viên phong trào. Ảnh: LÂM THỎA

Từ những bước phát triển trên, ngành TDTT đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 đạt trên 50% dân số và 35% số hộ gia đình tập luyện TDTT thường xuyên; đến năm 2050 đạt tỷ lệ 60% số người trưởng thành, 80% học sinh, sinh viên và 40% người cao tuổi tham gia tập luyện TDTT thường xuyên.

Nhiều tấm gương trong xã hội đã và đang tích cực lan tỏa thông điệp này bằng cách mở các hội, nhóm hoạt động phi lợi nhuận để hướng dẫn kỹ thuật chạy, kỹ năng chơi thể thao. Các bà, các cô đi chợ giờ bàn nhiều về các đội tuyển bóng đá quốc gia, bình luận về những người hùng đã làm rạng danh thể thao Việt Nam. Và rất nhiều cộng tác viên, tuyên truyền viên thể thao cơ sở tích cực vận động nhân dân, bạn bè và người thân tham gia rèn luyện thân thể mỗi ngày.

Bên cạnh những thành tích đã đạt được, chúng ta cần thừa nhận: Phong trào rèn luyện TDTT trong nhân dân vẫn mang tính tự phát; cán bộ TDTT ở địa phương còn yếu và thiếu, phải kiêm nhiệm nhiều vai; thể thao trong nhà trường còn nhiều bất cập về cách dạy và học, cùng với những hạn chế về đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện. Ví dụ, có doanh nghiệp đề nghị xây bể bơi tặng trường học nhưng ban giám hiệu nhà trường không dám nhận bởi không thể bố trí kinh phí vận hành, bảo trì mỗi năm. Rào cản về cơ chế, chính sách là một bất cập đang hạn chế sự tham gia của các nguồn lực xã hội hóa đầu tư cho lĩnh vực TDTT.

Tại Nhật Bản, các đường phố ken kín người đi bộ. Với họ, đi bộ là phương thức để di chuyển tới những ga tàu điện, điểm dừng xe buýt và cũng là cách để rèn luyện sức khỏe khi không có nhiều thời gian tập luyện thể thao. Đáng nói, ngay từ năm 2013, tỷ lệ nam-nữ thanh, thiếu niên tham gia các câu lạc bộ thể thao của Nhật Bản là 84,9% và 59,9%; tỷ lệ học sinh trung học tập luyện thể thao trên một giờ mỗi ngày là 80,5% với nam và 55,6% với nữ. Ở Hàn Quốc, phần lớn học sinh lựa chọn tập luyện thể thao vào những giờ ra chơi hay buổi sinh hoạt ngoại khóa. Trẻ em Hàn Quốc từ nhỏ đã được giáo dục rất chặt chẽ bằng cách cân bằng giữa việc học và vận động cơ thể. 

Một nhà văn Việt Nam từng viết: Điều khó khăn nhất khi chạy bộ là phải vượt qua quãng đường từ giường ngủ tới đường chạy. Rào cản lớn nhất trong tập luyện TDTT là ý thức cộng đồng, tâm lý ỷ lại, cậy còn trẻ chưa phải rèn luyện thân thể. Nhiều người tìm đến TDTT khi sức khỏe đã suy giảm, nhiều người trẻ chọn cách ngủ thêm một chút thay vì rèn luyện thân thể dịp cuối tuần. Có những người vin cớ bận rộn không có thời gian tập TDTT nhưng vẫn dành hàng giờ đồng hồ bên bàn nhậu, dán mắt vào điện thoại, chơi game, lướt “phây” hoặc những tụ điểm ăn chơi...

Làm thế nào để khí thế rèn luyện thân thể trong nhân dân như mạch nguồn tuôn chảy? Trước hết, việc tập luyện TDTT là ý thức tự thân, là rèn luyện thì “ấm vào thân mỗi người”, không ai làm thay ai được. Tập luyện TDTT nâng cao sức khỏe là "thang thuốc bổ miễn phí", là việc thiết thực nhất với mỗi người, đồng thời cũng là một việc làm yêu nước, đóng góp cho xã hội để dựng xây một dân tộc khỏe mạnh. Đây cũng là việc không tốn kém, chỉ cần nhận thức và nghị lực. Nghị lực để vượt qua sự ngại của bản thân, để tập thể dục thành thói quen, thành nhu cầu tự nhiên của mỗi người và mọi người. Thói quen ấy cần được hình thành ngay từ khi còn nhỏ và phải được củng cố suốt đời.

Ngay từ bây giờ, mỗi người dân Việt Nam hãy tập luyện TDTT đều đặn. Điều này sẽ tiếp động lực để phong trào tập TDTT, rèn luyện thân thể trong nhà trường, trong xã hội thực sự phát triển. Đó cũng chính là làm theo lời Bác: “Luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi một người yêu nước”.

NGUYỄN HỒNG MINH, Phó cục trưởng Cục Thể dục thể thao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Thể thao xem các tin, bài liên quan.