Hình tượng Gióng lớn nhanh như thổi là biểu tượng cho khát vọng có một sức khỏe vô song để giữ nước, để làm ăn trong yên ấm, hòa bình. Chi tiết Gióng ăn bảy nong cơm, ba nong cà, uống cạn đà một khúc sông là “mã hậu cần quân sự”, gói trong đó những chuyện từ cung ứng lương thực, thực phẩm tốn kém (cơm, cà, nước) đến quân nhu (ở một số dị bản có chi tiết dân làng góp của, góp công dệt vải may áo, tiếng thoi vang lên suốt đêm ngày), chuyện trang phục, phương tiện di chuyển, vũ khí (ngựa sắt, áo giáp sắt, roi sắt)...

Lực lượng tên lửa của Quân chủng Phòng không - Không quân thực hành bắn đạn thật. Ảnh: ĐỨC LƯU   

Chi tiết xương sống có ở mọi bản kể là roi sắt gãy, Gióng nhổ tre đuổi giặc, nói lên người Việt giữ nước không chỉ bằng vũ khí gươm, đao mà còn bằng cả vật dụng thông thường; cơ bản hơn là bằng khát vọng tự do, hòa bình đã biến thành quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, trở ngại để chiến thắng. Đó là bóng dáng của chiến tranh nhân dân, khi có giặc thì toàn dân đứng lên, cả người lớn, cả trẻ em, đánh bằng bất cứ thứ vũ khí gì...

Biểu tượng Gióng chính là “mô hình” thu nhỏ của một quân đội từ nhân dân mà ra, được nhân dân nuôi dưỡng, tin yêu, mang sức mạnh có tính huyền thoại để chiến thắng giặc giã. Truyện khép lại câu chữ nhưng mở ra cả một chiều cao khát vọng, niềm tin, mơ ước và một bầu trời bao la ý nghĩa: Gióng cùng ngựa bay lên trời cũng là bay vào bầu trời văn hóa Việt, tôn vinh tinh thần xả thân một cách vô tư nhất của những nghĩa sĩ vì cuộc sống hạnh phúc của nhân dân... Mỗi lý giải khoa học cũng chỉ là một cách tiếp cận, góp phần làm sáng tỏ chân lý, rất cần thêm nhiều cách hiểu khác, nhưng rõ ràng, đối chiếu với các cuộc kháng chiến giữ nước anh hùng của cha ông ta luôn thắng lợi vẻ vang thì cách tiếp cận trên là có cơ sở.

Lịch sử dân tộc Việt đã điêu khắc tượng đài người lính Đại Việt mang tinh thần Phù Đổng bằng ngôn ngữ của anh hùng ca, tráng ca, của lương tâm, công lý và lẽ phải. Để tượng đài ấy trở thành biểu tượng cơ bản của văn hóa Việt về lòng yêu nước, yêu hòa bình, về ý chí quật khởi, không chịu sống hèn. Đến lượt những người lính ấy lại điêu khắc những tượng đài chiến thắng đi vào lịch sử quân sự thế giới như những kinh điển cho sức mạnh tổng hợp của tinh thần vì nước quên thân, của thế trận chiến tranh nhân dân: Chiến thắng Bạch Đằng (938); trận Như Nguyệt (1077); 3 lần đại thắng quân Mông-Nguyên (1258, 1285, 1288); trận Chi Lăng-Xương Giang (1427); trận Rạch Gầm-Xoài Mút (1785)...

Học tập, kế thừa, kết tinh, phát triển và nâng cao tinh hoa văn hóa quân sự của cha ông, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, với tinh thần Thánh Gióng, Quân đội nhân dân Việt Nam gần 80 năm qua đã viết tiếp những trang sử mới mang tầm thời đại, xứng đáng với truyền thống anh hùng.

Lời Bác Hồ là lời của chân lý, đạo lý, cũng là nguyên lý: “Quân đội ta có sức mạnh vô địch, vì nó là một quân đội nhân dân do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục” ("Hồ Chí Minh toàn tập", tập 14, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2011, tr.435). Nhân dân Việt Nam lấy tên vị lãnh tụ vĩ đại đặt tên cho hình tượng người lính yêu mến của mình là Bộ đội Cụ Hồ. Ngay điều ấy cũng cho thấy mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, chính quyền, nhân dân và Quân đội thống nhất trong một cơ thể Tổ quốc vạm vỡ.

Nhờ vậy, Quân đội ta đã vượt qua mọi khó khăn, hy sinh, “mưa dầm, cơm vắt”, “máu trộn bùn non” để làm nên một Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”. Đã trở thành “Thạch Sanh của thế kỷ 20” để chiến đấu và chiến thắng đế quốc Mỹ xâm lược giàu có, thiện chiến bậc nhất thế giới. Đã tình nguyện làm nhiệm vụ quốc tế giúp nhân dân Campuchia hồi sinh, thoát khỏi nạn diệt chủng man rợ, để rồi được người dân xứ chùa tháp gọi là “Đội quân nhà Phật” vì đã tái sinh họ từ địa ngục trần gian trở về với cuộc sống... Trong lịch sử quân sự nhân loại, hiếm có một đội quân nào anh dũng, yêu nước, nhân văn cao cả, được nhân dân tin tưởng tuyệt đối như vậy!

Vững bước theo Đảng, vì nhân dân quên mình, người lính hôm nay hoàn thành bất cứ nhiệm vụ nào. Nơi biên giới xa xôi, họ đang từng phút giữ trọn vẹn chủ quyền lãnh thổ và bình yên cho đất mẹ. Nơi đảo xa, mẹ Tổ quốc yên tâm có những đứa con yêu ngày đêm canh giữ. Bộ đội Cụ Hồ đang là lực lượng chủ lực trong việc tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, trong việc xử lý ô nhiễm môi trường hay dò gỡ bom, mìn. Bộ đội có mặt sớm nhất để bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân khi thiên tai ập đến. Bộ đội làm bác sĩ chữa bệnh, làm thầy giáo dạy con trẻ cái chữ, tuyên truyền đường lối, chính sách, pháp luật... Ở đâu có bộ đội là ở đó bà con yên tâm. Bộ đội đem lại cuộc đời mới cho đồng bào vùng sâu, vùng xa hẻo lánh...

Thích ứng với thời kỳ xây dựng đất nước, với tinh thần Thánh Gióng, bộ đội tham gia xây dựng các công trình kinh tế lớn. Có tập đoàn của Quân đội vươn ra thế giới, góp phần làm giàu cho đất nước, quảng bá hình ảnh quốc gia. Bộ đội tham gia đội quân gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, làm bác sĩ quân y, sĩ quan hậu cần, sĩ quan chỉ huy, tham mưu... tận tụy giúp đỡ, bảo vệ những người dân nghèo ở châu Phi xa xôi... Trong đại dịch Covid-19 vừa qua, với khẩu hiệu “chống dịch như chống giặc”, bộ đội vẫn là lực lượng tiên phong: Nhường chỗ ở cho dân; lập bệnh viện dã chiến; làm bác sĩ, y tá, hộ lý; làm “người nội trợ” đi chợ giúp dân... “Vì nhân dân phục vụ. Vì nhân dân hy sinh”. Đấy là mệnh lệnh của trái tim người lính Cụ Hồ!

Năm 2024, Quân đội ta kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập, 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân. Năm 2024 là năm Giáp Thìn, năm con rồng - một linh vật gắn liền với tâm thức Việt. Người Việt tự hào là dòng giống Rồng Tiên. Không chỉ tên gọi của vị Tổ nước Nam là rồng (Lạc Long Quân) mà trên xứ sở Việt, ở đâu cũng có nhiều địa danh mang tên rồng.

Thủ đô Hà Nội nay, ngày xưa có tên Long Đỗ (có nghĩa là rốn con rồng), rồi Thăng Long (rồng bay lên). Quảng Ninh có vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long. Nghệ An có núi Long Sơn. Hà Tĩnh có núi Long Mã Phụ Đồ. Quảng Bình có núi Long Tị. Thừa Thiên Huế có núi Kim Long... Nam Bộ có cù Lao Rồng, Long Hồ, Vĩnh Long, Long Xuyên, Long Mỹ... và Cửu Long giang nổi tiếng. Không đơn giản chỉ là vỏ ngữ âm, đó còn là mã văn hóa, kết tinh lắng đọng trong đó niềm tự hào dân tộc, nhắc nhớ về cội nguồn...

Mô típ biểu tượng “bay lên” có ở nhiều nền văn hóa, nhưng rất đặc biệt ở văn hóa Việt là rồng bay vào dịp dời đô và ngựa bay sau khi thắng giặc. Truy ngược về sâu xa miền cổ mẫu thì rồng và ngựa gần gũi nhau (triết học phương Đông cổ quan niệm rồng là hóa thân của ngựa. Khái niệm “long mã” chỉ con vật huyền thoại pha trộn hình hài của ngựa và rồng. Ngựa phương Tây cổ còn được gắn thêm đôi cánh).

Rồng là biểu tượng cho sự may mắn, hạnh phúc, giàu có, vương giả... Rồng bay, ngựa bay biểu trưng cho sự phát triển, hòa bình, thịnh vượng. Tín ngưỡng phương Đông cổ quan niệm ai nằm mơ thấy vật linh (long, ly, quy, phượng) sẽ trở nên đại phú quý. Với văn hóa Việt, khát vọng về sự thái bình thịnh trị mạnh mẽ, thực tế và cũng cụ thể hơn nên nhà vua (Lý Thái Tổ) “nhìn” thấy “rồng bay”! Những điều ấy cần được tìm hiểu sâu hơn, nhưng nhìn từ lý thuyết biểu tượng thì năm Giáp Thìn này có sự gặp gỡ tuyệt đẹp giữa tinh thần Phù Đổng của Quân đội ta và vận hội “rồng bay” của đất nước. 

Để phù hợp với tình hình mới, cũng đồng thời là đòi hỏi khách quan, bảo đảm cho Quân đội đủ sức hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ, Đảng ta chủ trương xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại. Đáp ứng với quy luật tất yếu này, nhiệm vụ của Quân đội ta sẽ thêm nội dung mới, có thể có khó khăn, phức tạp nhưng đầy vinh quang. Với truyền thống hào hùng và tinh thần Phù Đổng, Quân đội ta chắc chắn sẽ hoàn thành thắng lợi vẻ vang.

Năm Giáp Thìn, rồng Việt Nam bay cao vào bầu trời cách mạng công nghiệp 4.0 của thế giới. Vận hội đất nước đang mở ra đầy triển vọng, như lời đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Trong bối cảnh ấy, tinh thần Thánh Gióng của Quân đội ta cũng bay cao vào bầu trời văn hóa Việt để màu hòa bình mãi mãi xanh!

PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.