Sáng thứ bảy hằng tuần, Chi hội Phụ nữ tổ dân phố số 7 (phường Phúc Đồng, quận Long Biên, TP Hà Nội) đều đặn tổ chức hoạt động tổng vệ sinh môi trường.
Trên các trục đường vào khu dân cư, hội viên phụ nữ nhiệt tình quét dọn rác, lá cây, thu gom phế liệu tái chế. Hệ thống vườn hoa, bồn cây được cắt tỉa, chăm sóc cẩn thận.
 |
Hội viên phụ nữ tích cực dọn dẹp làm sạch khu phố. |
Bà Trần Thị Thu Hương, hội viên Chi hội Phụ nữ tổ dân phố số 7 chia sẻ: “Từ khi hội phụ nữ phát động phong trào chung tay làm sạch nhà, sạch phố, chị em có ý thức hơn trong vấn đề xử lý rác thải, bảo vệ môi trường. Đối với rác hữu cơ thì đóng gói cẩn thận để thu gom tập trung, còn những vật liệu tái chế thì nộp lại cho chi hội. Ngoài ra, chúng tôi cũng nhắc nhở nhau giữ sạch khu vực công cộng, không vứt rác bừa bãi, cùng nhau chăm sóc cây hoa trên trục đường nhằm tạo cảnh quan xanh mát”.
Hằng ngày, chi hội tổ chức lực lượng đến từng gia đình hội viên thu gom các loại giấy bìa, vỏ lon, rác thải nhựa, sau đó tập kết ở kho chung. Cứ hai tuần một lần, chi hội sẽ tổ chức bán phế liệu, trung bình mỗi lần bán được gần 200kg phế liệu. Số tiền thu được dùng để gây quỹ tổ chức các hoạt động chung của chi hội như mua sắm vật dụng vệ sinh môi trường, chăm sóc cây hoa, tặng quà các gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, hỗ trợ các cháu thiếu nhi hoạt động, làm công tác từ thiện trên địa bàn... Chi hội còn thực hiện chương trình đổi phế liệu lấy quà để khuyến khích mọi người tham gia. Bà Thiều Thị Thu, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ tổ dân phố số 7 cho biết: “Phong trào làm sạch nhà, sạch phố diễn ra sôi nổi không chỉ thu hút nhiều hội viên tham gia mà còn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân trong khu phố. Mọi người dần hình thành thói quen phân loại rác thải từ trong mỗi gia đình, nêu cao ý thức giữ gìn vệ sinh chung. Bằng nhiều cách làm sáng tạo, chi hội phụ nữ đã góp phần làm đẹp cảnh quan môi trường, xây dựng khu phố ngày càng văn minh, xanh-sạch-đẹp”.
Bài và ảnh: ĐỨC NAM
“Chăm chỉ, chịu khó, dám nghĩ, dám làm, từ đó xây dựng thành công mô hình chăn nuôi, trồng trọt để vươn lên ổn định cuộc sống, mở hướng phát triển kinh tế bền vững cho gia đình”, đó là lời nhận xét của nhiều người dân địa phương khi nói về chị Triệu Thị Hương, người dân tộc Dao ở thôn Roỏng Thù, xã Thượng Ân, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn.