Theo chân ông Lý Quốc Văn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thượng Ân, chúng tôi đến thăm mô hình trồng trọt, chăn nuôi của chị Triệu Thị Hương. Ấn tượng đầu tiên với chúng tôi là vạt đồi được chị Hương trồng cỏ voi xanh tốt rộng ngút tầm mắt, chuồng trại chăn nuôi trâu được xây dựng hợp lý, kiên cố; diện tích rừng trồng đang phát triển.

  Chị Triệu Thị Hương chăm sóc đàn trâu của gia đình.

Tranh thủ lúc lấy cỏ cho trâu, chị Hương chia sẻ với chúng tôi về lý do đầu tư nuôi trâu vỗ béo: “Trước đây gia đình tôi nuôi trâu theo phương thức bán chăn thả, do không có điều kiện nên nuôi nhiều lắm chỉ được 3 con như một hình thức tiết kiệm, khi có việc thì bán đi lấy tiền chi tiêu. Sau một thời gian tìm hiểu, đầu năm 2020, tôi quyết định thực hiện mô hình nuôi trâu vỗ béo. Với số tiền tích cóp, tôi mua 3 con trâu, nuôi gần 5 tháng thì bán được hơn 100 triệu đồng, trừ chi phí, mỗi con lãi từ 5 đến 6 triệu đồng”. 

Nhận thấy việc nuôi trâu vỗ béo phù hợp với điều kiện của gia đình khi quỹ đất rộng có thể trồng cỏ, chuối làm thức ăn; tận dụng phân chuồng để bón cây ăn quả... năm 2021, vợ chồng chị Hương mạnh dạn vay 100 triệu đồng từ ngân hàng chính sách xã hội, cùng với số tiền tích lũy để đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố trên diện tích hơn 2.000m2 để nuôi nhốt trâu và làm chuồng gà. Hiện nay, gia đình chị Triệu Thị Hương đang nuôi vỗ béo 13 con trâu, hơn 100 con gà đang độ xuất chuồng, trồng 1ha các loại cây như trám đen, cây hồi, cây mận...

Theo ông Lý Quốc Văn, chị Triệu Thị Hương là một nông dân có nghị lực, mạnh dạn trong phát triển kinh tế để thoát nghèo. "Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng gia đình chị Hương đã nỗ lực khắc phục, vượt qua, từ đó xây dựng được mô hình phát triển kinh tế phù hợp. Tinh thần mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm của chị Triệu Thị Hương là tấm gương cho chị em phụ nữ người dân tộc thiểu số ở địa phương học tập, phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ổn định, ấm no”, ông Lý Quốc Văn bày tỏ.

Bài và ảnh: LINH HÀ