Tại đài tưởng niệm Căng đồn Nghĩa Lộ có ghi danh 9 liệt sĩ đã hy sinh trong sự kiện nổi dậy phá Căng đồn Nghĩa Lộ ngày 17-3-1945, gồm các liệt sĩ: Ngô Gia Bảy; Nguyễn Doãn Duyệt; Nguyễn Văn Hiếu; Nguyễn Văn Hương; Nguyễn Đăng Kim; Đinh Văn Nhu; Nguyễn Văn Phùng; Phạm Quang Thẩm; Phạm Văn Vy.
Trong 9 liệt sĩ trên chỉ duy nhất có đồng chí Phạm Quang Thẩm là có ảnh. Liệt sĩ Phạm Quang Thẩm sinh ngày 17-9-1905, quê ở làng Tân Chi Phong, xã Hồng Phong, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Ông là nhà hoạt động cách mạng nổi tiếng ở vùng Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình-là tiền bối cách mạng, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, có nhiều công lao với quê hương, đất nước.
 |
Liệt sĩ Phạm Quang Thẩm. |
Mặc dù gia đình giàu có và có thế lực trong vùng nhưng ngay từ nhỏ ông đã có chí hướng tự lập và là người gần gũi dân nghèo. Trong thời gian học tại Hà Nội, Tuyên Quang, Nam Định ông đã đọc nhiều sách báo tiến bộ, tham gia vào các phong trào có xu hướng cấp tiến. Tháng 9-1929, Phạm Quang Thẩm được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng. Ông thường đến hiệu sách “Hội Ký” ở Nam Định - là cơ sở liên lạc của đồng chí Đặng Xuân Khu (tức Trường Chinh) để nắm tình hình và nhận chỉ thị của Đảng để hoạt động.
Tháng 3-1930, Phạm Quang Thẩm sang làm giáo học ở làng Trung Trữ (nay thuộc xã Ninh Giang, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình). Cuối năm 1931, khi có sự chỉ đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ, Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương tại làng Trung Trữ được thành lập do Phạm Quang Thẩm làm Bí thư. Tháng 3-1931, do có kẻ phản bội, xưng khai, địch về làng Trung Trữ bắt Phạm Quang Thẩm. Hai tháng sau, chúng kết án ông 5 năm tù và 20 năm quản thúc. Năm 1936, ông ra tù, mặc dù bị quản thúc chặt chẽ, ông vẫn tiếp tục hoạt động hợp pháp ở quê. Cuối năm 1937, Hội nghị Đảng bộ tỉnh Thái Bình đã họp và thành lập Ban tỉnh ủy gồm 7 người. Ông Thẩm là tỉnh ủy viên, trực tiếp phụ trách huyện Vũ Tiên, Thư Trì.
Theo lịch sử Đảng bộ xã Hồng Phong: “Tháng 9-1939, đồng chí Đặng Xuân Khu (tức Trường Chinh) gửi thư về cho đồng chí Thẩm, quyết định cử đồng chí Thẩm lên nhận công tác tại Xứ ủy Bắc Kỳ càng sớm càng tốt. Đồng chí Thẩm chưa kịp đi thì mật thám Pháp về Chi Phong bắt đồng chí rồi giam ở nhiều nhà tù: Bá Vân, Bắc Mễ, Phấn Mễ, Chợ Chu, Sơn La cùng các đồng chí Vương Thừa Vũ, Trần Huy Liệu, Trịnh Tam Tỉnh, Hồ Quý Kết…”.
Mùa hè năm 1944, thực dân Pháp xây dựng Căng Nghĩa Lộ để giam cầm các chiến sĩ cách mạng Việt Nam. Tháng 2 năm 1945, địch chuyển gần 100 chiến sĩ cách mạng từ Căng Bá Vân (Thái Nguyên) đến giam cầm ở Căng Nghĩa Lộ. Trong lao tù, các đồng chí: Trần Huy Liệu, Phạm Quang Thẩm, Nguyễn Sỹ Nghiêm, Vương Thừa Vũ, Trần Đức Sắc đã thành lập chi bộ Cộng sản và Ủy ban lãnh đạo tối cao (gọi là Ủy ban nhà tù) và cho ra đời Báo “Đường Nghĩa” để tuyên truyền đường lối, chính sách đấu tranh cách mạng giành độc lập dân tộc của mặt trận Việt Minh.
 |
Các đại biểu thắp hương mộ các liệt sĩ đã hy sinh ngày 17-3-1945 tại Đài tưởng niệm Căng đồn Nghĩa Lộ. |
Ngày 17-3-1945, các chiến sĩ cách mạng đã tổ chức nổi dậy phá căng vượt ngục nhưng bị địch đàn áp dã man. Phạm Quang Thẩm cùng 8 đồng chí đã anh dũng hy sinh, số còn lại được nhân dân giúp đỡ, nhanh chóng trở về các địa phương tham gia tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công.
Đồng chí Phạm Quang Thẩm hy sinh ở tuổi 40, nhưng phẩm chất cao đẹp của người chiến sĩ cách mạng, cùng tấm gương chiến đấu ngoan cường, bất khuất và sự hy sinh anh dũng vì đất nước, dân tộc còn được nhắc mãi. Hiện tại, tên của người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất Phạm Quang Thẩm được đặt cho một con đường đẹp nhất thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái.
VŨ HỒNG NGỌC