Văn kiện lịch sử đặc biệt, di sản vô giá, bảo vật quốc gia

Trong số rất nhiều tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì điều đặc biệt là Di chúc được Người viết lâu nhất. Trong 4 năm, khởi thảo ngày 10-5-1965, khi Người tròn 75 tuổi và Người xem lại lần cuối vào lúc 9 giờ đến 10 giờ, ngày 20- 5-1969, đúng vào dịp kỷ niệm lần thứ 79 ngày sinh của Người. Quá trình đó thể hiện tâm nguyện, tình cảm, cẩn trọng, trách nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Tổ quốc, nhân dân và sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn mang nét độc đáo riêng, cho dù bút tích Người ghi rõ “Tuyệt đối bí mật”, nhưng đây là tài liệu được công bố rộng rãi nhất ngay từ lần đầu tiên trong dịp Lễ Quốc tang Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả ở trong nước và nước ngoài. Nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời và kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người, Bộ Chính trị đã cho phép công bố toàn văn.

Mặc dù, Người khiêm nhường viết: “Tôi để lại mấy lời này cho đồng bào, đồng chí”, nhưng Di chúc là văn kiện lịch sử đặc biệt. Tư tưởng chủ đạo và bao trùm trong Di chúc là: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, hòa bình, thống nhất, dân chủ và dân giàu, nước mạnh; tất cả vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người, vì hạnh phúc của con người. Di chúc của Người dù chỉ vỏn vẹn 1000 từ, nhưng chứa đựng nội dung của một đại tổng kết lý luận và thực tiễn về sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc, về Đảng, về dân, về nước, về quốc tế, về việc riêng của Người. Đồng thời, là một thiết kế lý luận về đổi mới và phát triển, định hướng cho bước đường phát triển của cách mạng Việt Nam trong tương lai, mà mục tiêu cao nhất là hướng tới quyền làm chủ và hạnh phúc của nhân dân.

leftcenterrightdel
Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu.

Chính sự cẩn trọng, sửa chữa, bổ sung nhiều lần và với tư tưởng chủ đạo, bao trùm bởi những nội dung cơ bản toàn diện thể hiện một đại tổng kết lý luận và thực tiễn về sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc, về Đảng, về dân, về nước, về quốc tế, về riêng mình và là một thiết kế lý luận về đổi mới và phát triển của đất nước trong tương lai. Di chúc của Người thực sự là một văn kiện lịch sử đặc biệt, di sản vô giá; được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là “Bảo vật quốc gia” ngay từ đợt 1, vào tháng 10-2012.

Văn kiện lịch sử có giá trị lý luận sâu sắc

Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà chiến lược thiên tài, nhà tổ chức cách mạng vĩ đại, là hiện thân của tinh hoa văn hoá Việt Nam, danh nhân văn hoá kiệt xuất, là vĩ nhân đã in đậm dấu ấn trong lịch sử dân tộc và lịch sử nhân loại trong thế kỷ XX. Di chúc - lời căn dặn cuối cùng của Người, là văn kiện lịch sử đặc biệt có giá trị lý luận sâu sắc.

Trước hết, Di chúc là sự tổng kết lý luận về chiến tranh cách mạng chính nghĩa của một dân tộc dù nhỏ, nhưng nhất định sẽ giành thắng lợi trước thế lực xâm lược to lớn, bạo tàn và phi nghĩa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Di chúc trong những năm cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đang diễn ra hết sức quyết liệt, khi đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân viễn chinh xâm lược miền Nam và dùng không quân, hải quân đánh phá ác liệt miền Bắc. Cả dân tộc và thế giới đều lo lắng, nhưng với tầm nhìn xa, trông rộng, Người đã khẳng định: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”. Điều này củng cố thêm niềm tin sắt đá và sự kiên trì vượt qua ác liệt, hy sinh, gian khổ cho nhân dân Việt Nam để đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn. Tổng kết lý luận về chiến tranh và dự đoán khoa học của Người đã được thực tiễn kiểm nghiệm hoàn toàn đúng với việc quân Mỹ phải rút khỏi Việt Nam, đất nước thống nhất, Nam - Bắc sum họp một nhà vào 30-4- 1975.

Hai là, Di chúc là công trình lý luận về xây dựng đảng cầm quyền. Trong Di chúc, Hồ Chí Minh viết: “TRƯỚC HẾT NÓI VỀ ĐẢNG”. Người nhấn mạnh: “Việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng” (1), công tác chỉnh đốn đảng là nhiệm vụ chiến lược, là công việc thường xuyên để giữ vững vai trò lãnh đạo và cầm quyền của Đảng. Người khẳng định “Đảng ta là một Đảng cầm quyền” (2). Vì thế, để đáp ứng được nhiệm vụ lãnh đạo xã hội, Đảng phải luôn vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và gắn bó máu thịt với nhân dân, không ngừng nâng cao bản chất giai cấp công nhân, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ Nam cho mọi hoạt động của mình. Di chúc đã tập trung nêu những vấn đề cốt yếu của công tác xây dựng đảng, đó là: “...cần phải giữ sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình” (3). Trong Đảng phải “thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình” (4) để “củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phảỉ có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”, hết lòng phục vụ nhân dân.

Tiến hành cách mạng Việt Nam là thực hiện một sự nghiệp bền bỉ, dài lâu, đòi hỏi tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác. Do vậy, Đảng cầm quyền phải chăm lo phát triển lực lượng cho hiện tại và chuẩn bị cho tương lai một thế hệ trẻ “vừa hồng, vừa chuyên”. Trong Di chúc, Người căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”, đó là phải thực hiện công việc bồi dưỡng lý tưởng cộng sản, giáo dục truyền thống yêu nước, ý thức rèn luyện đạo đức cách mạng, đào tạo nguồn nhân lực kế tục sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Cách mạng Việt Nam là một bộ phận không thể tách rời cách mạng thế giới. Sự vững mạnh của Đảng còn được khẳng định trong mối quan hệ đoàn kết chặt chẽ với các đảng cộng sản và bè bạn quốc tế. Người căn dặn trong Di chúc “về phong trào cộng sản thế giới” chính là những chỉ dẫn định hướng quan trọng cho hoạt động đối ngoại của Đảng, mà trong đó nguyên tắc đoàn kết quốc tế phải dựa trên “nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý có tình”.

Ba là, Di chúc là tác phẩm bàn về xây dựng xã hội - xã hội chủ nghĩa và phác thảo lý luận đổi mới ở Việt Nam. Nội dung Di chúc là sự kết tinh tư tưởng của Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; về vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn Việt Nam; về mối quan hệ giữa công bằng và tiến bộ xã hội; về mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hoá trong xây dựng xã hội mới; về sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và sức mạnh thời đại; về động lực lợi ích và chăm lo chu đáo tới cuộc sống con người; về tư tưởng trọng dân, coi dân là gốc, là chủ thể của sự nghiệp xây dựng và đổi mới đất nước.

Di chúc như một bản kế hoạch, một chương trình hành động của toàn Đảng, toàn dân về công cuộc xây dựng đất nước sau chiến tranh với những chỉ dẫn về quản lý xã hội như: Đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội; sửa đổi chế độ giáo dục cho phù hợp hoàn cảnh mới; khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế; phát triển công tác vệ sinh, y tế; chính sách miễn thuế nông nghiệp cho nông dân; chính sách xã hội, công bằng xã hội...

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chứa đựng những vấn đề cốt yếu về xây dựng văn hoá mới trong xã hội xã hội chủ nghĩa. Trong đó, Người chỉ dẫn con đường, mục tiêu phát triển của nền văn hoá Việt Nam; trù tính, dự liệu về những cuộc vận động lớn giáo dục văn hoá trong toàn dân, toàn xã hội. Qua lời dặn dò về việc riêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đề cập đến việc xây dựng một đời sống văn hoá mới; một lối sống tiết kiệm, tránh lãng phí; về mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, môi trường sinh thái.

Di chúc còn phác thảo những vấn đề quan trọng của sự nghiệp đổi mới đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm, đổi mới là một tất yếu để phát triển; đổi mới là một cuộc đấu tranh bền bỉ, một quá trình xây dựng gian khổ, “là một công việc cực kỳ to lớn, nặng nề và phức tạp”, là “cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”. Người yêu cầu, Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, xây dựng chủ nghĩa xã hội trong hoàn cảnh, điều kiện nước ta phải đặc biệt chú trọng phát huy khả năng sáng tạo của dân, “động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”.

Cùng với những phương hướng và giải pháp về xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa và sự phác thảo ban đầu về lý luận đổi mới ở Việt Nam, những lời cuối cùng trong Di chúc của Người đã khẳng định một cách cô đọng mục tiêu chủ nghĩa xã hội mà nước ta hướng tới: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Đây cũng chính là đặc trưng tổng quát về xã hội xã hội chủ nghĩa mà Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội của Đảng (bổ sung, phát triển năm 2011), xác định: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Văn kiện lịch sử có giá trị thực tiễn lớn lao

Di chúc là sự kết tinh những tư tưởng và tình cảm lớn, những điều hạnh phúc và nỗi day dứt lớn, những mong muốn và kỳ vọng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước những vấn đề lớn của Đảng, của dân tộc và của nhân loại. Vì thế, nửa thế kỷ đã qua từ khi được công bố cho đến nay, Di chúc của Người đã, đang và vẫn sẽ mãi mãi là văn kiện lịch sử đặc biệt, một “quốc bảo” và “pháp bảo”, có giá trị hiện thực to lớn soi đường, dẫn lối cho cách mạng Việt Nam phát triển, thể hiện ở những nội dung sau:

Di chúc tiếp tục củng cố, tăng cường niềm tin sắt đá và định hướng cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quyết tâm vượt mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh ác liệt nhất, để giành thắng lợi trọn vẹn vào đầu năm 1975.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với hệ thống tư tưởng của Người là kim chỉ nam để cách mạng Việt Nam kiên định thực hiện độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vững bước trên con đường xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, theo ước nguyện của Người: “Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!”.

Di chúc định hướng cụ thể, toàn diện cho công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng trong tình hình mới. Làm theo Di chúc của Người, Đảng ta  tăng cường xây dựng sự đoàn kết, thống nhất, để tiếp tục giữ vững, phát huy truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng, bảo đảm sức mạnh toàn diện về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức của Đảng cầm quyền trong điều kiện mới. Thường xuyên chỉnh đốn, làm cho Đảng mạnh mẽ, trong sạch, kiểu mẫu, xứng đáng là người lãnh đạo, người đày tớ thật trung thành của nhân dân, đồng thời quan tâm chăm lo giáo dục, đào tạo thanh niên, thiếu niên, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau.

Di chúc soi sáng cho sự nghiệp chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của con người và thực hiện an sinh xã hội bền vững; thực hiện trọn vẹn ước nguyện của Người: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.

Dưới ánh sáng soi đường của quan điểm “cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới” trong Di chúc, Đảng ta đã xây dựng đường lối đối ngoại rộng mở, phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, thu được những thắng lợi to lớn, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong bối cảnh và tình hình mới, Đảng đã vận dụng sáng tạo tư tưởng trong Di chúc của Người về đoàn kết quốc tế, xây dựng đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, hợp tác, hội nhập và đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh có sức sống mãnh liệt và giá trị trường tồn. Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là dịp để chúng ta tiếp tục đọc lại và suy ngẫm những lời tâm huyết cuối cùng của Người trước lúc đi xa. Với tất cả tình cảm, lòng kính yêu vô hạn và niềm tin tuyệt đối vào lý tưởng, hoài bão của Người, cả dân tộc ta đồng lòng quyết tâm thực hiện thắng lợi Di chúc thiêng liêng và sự nghiệp cách mạng do Người khởi xướng, xây dựng thành công một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Thiếu tướng, PGS, TS NGUYỄN VĂN BẠO, Giám đốc Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, Tập 15, tr. 616.

(2) Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, Tập 15, tr. 622.

(3) Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, Tập 15, tr. 611.

(4) Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, Tập 15, tr. 611.