Từ tháng 5-1975 đến 12-1978, Pol Pot liên tục gây ra các vụ xâm chiếm trên toàn tuyến biên giới Tây Nam và huy động nhiều sư đoàn chủ lực tiến công vào sâu lãnh thổ nước ta, gây ra nhiều tội ác đối với nhân dân ta.
Trước hành động gây chiến tranh xâm lược mới của tập đoàn Pol Pot-Ieng Sary, ngày 23-5-1977, Quân ủy Trung ương ra chỉ thị cho các lực lượng vũ trang (LLVT) ở phía Nam thực hiện quyền tự vệ chính đáng, kiên quyết chiến đấu ngăn chặn và đẩy lùi, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn xâm lược, kiên quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Thời gian đầu, “mặc dù triển khai một bộ phận lực lượng bảo vệ biên giới trên địa bàn các Quân khu 5, 7, 9, nhưng do nhận thức về âm mưu, thủ đoạn của tập đoàn Pol Pot-Ieng Sary chưa đầy đủ, có biểu hiện chủ quan, nên ở nhiều nơi ta chưa kịp thời tổ chức lại lực lượng”(1) dẫn đến tình trạng “để xảy ra những thiệt hại rất lớn về tính mạng và tài sản của nhân dân mà không đối phó được kịp thời, có hiệu quả”.(2)
 |
Bộ đội C5 lực lượng vũ trang tỉnh An Giang đánh trả quân Pol Pot xâm lược năm 1978. Ảnh tư liệu.
|
Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu tổ chức Hội nghị sơ kết tác chiến trên toàn tuyến biên giới Tây Nam (từ ngày 3 đến 5-11-1977). Sau khi phân tích cụ thể tình hình địch, đánh giá, chỉ rõ từng mặt ưu điểm và hạn chế của ta, hội nghị đề ra phương châm tác chiến: “Đánh có chuẩn bị tốt, nắm chắc địch, đánh chắc thắng, bất ngờ, chủ động linh hoạt”. Tiếp đó, Bộ Tổng Tham mưu tổ chức Hội nghị sơ kết tác chiến trên toàn tuyến biên giới Tây Nam lần thứ hai (từ 27-2 đến 1-3-1978). Lần này, hội nghị đánh giá: “Các đơn vị đã có nhiều tiến bộ và trưởng thành trên nhiều mặt, trong xây dựng và chiến đấu, cả bộ đội chủ lực của bộ, quân khu và dân quân, du kích địa phương”(3); đồng thời chỉ rõ một số mặt còn hạn chế và xác định: “Các đơn vị, địa phương phải chủ động đánh địch ngay khi địch mới bước chân sang đất ta và chủ động tích cực đánh địch ngay trên đất địch”.(4)
Sau hội nghị, các đơn vị trên toàn tuyến biên giới được lệnh rút bớt lực lượng từ các đơn vị phòng thủ để tổ chức đơn vị tác chiến cơ động và tăng cường các đơn vị từ phía sau lên sẵn sàng chuyển từ phòng thủ sang phản công trên các hướng nhằm khôi phục lại các địa bàn bị địch lấn chiếm trái phép. Thực hiện chủ trương đó, Quân khu 9 mở chiến dịch phản công từ ngày 5 đến 25-4-1978, khôi phục lại các địa bàn bị địch lấn chiếm. Trên hướng Quân khu 7, từ ngày 6 đến 9-4-1978, ta phản công đẩy địch ra khỏi khu vực Lộc Hòa và Đường 13B, sau đó phát triển chiến đấu đánh chiếm các điểm cao: 82, 102, 100, 94, 95, 107, 117. Trên hướng Quân đoàn 4, các đơn vị ta đánh địch bảo vệ địa bàn…
Căn cứ vào tình hình ta và địch, ngày 26-5-1978, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương họp quyết định kiên quyết phản công và tiến công địch một cách chủ động, liên tục bằng mọi lực lượng, cả trong và ngoài biên giới. Tiếp đó, đầu tháng 12-1978, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương thông qua quyết tâm mở cuộc tổng phản công và tiến công chiến lược tiêu diệt quân địch; đồng thời sẵn sàng hỗ trợ các LLVT cách mạng và nhân dân Campuchia nổi dậy.
Trước tình hình hậu phương chiến dịch bị uy hiếp, ngày 24-12-1978, Quân đoàn 4 (thiếu) và một bộ phận LLVT Quân khu 7 được lệnh phản công địch ở khu vực Bến Sỏi (Tây Ninh), mở đầu cuộc tổng phản công-tiến công trên toàn tuyến biên giới. Sau vài ngày chiến đấu, đến ngày 28-12-1978, ta mở đợt tiến công quyết định diệt và bắt toàn bộ quân địch. Trong khi đó, các LLVT Quân khu 9 phản công địch ở các khu vực Gò Rượi, Gò Viết Thuộc, Gò Châu Giang, Đứt Gò Suông, đuổi địch về bên kia biên giới; đồng thời, đẩy mạnh phản công, khôi phục toàn bộ các khu vực Rộc Xây, bắc Hà Tiên.
Trên hướng Quân khu 7, từ ngày 28 đến 30-12-1978, LLVT Quân khu 5 phối hợp với Quân đoàn 3 và Quân đoàn 4 cơ bản hoàn thành nhiệm vụ đánh địch lấn chiếm, thu hồi đất đai, gấp rút chuẩn bị chuyển sang truy kích địch theo yêu cầu của bạn. Ngày 31-12-1978, Quân đoàn 2 và LLVT Quân khu 9 nổ súng đánh địch ở khu vực kênh Vĩnh Tế, thu hồi phần đất cuối cùng của Tổ quốc bị địch lấn chiếm. Tiếp đó, các cánh quân của ta phối hợp với LLVT cách mạng và nhân dân Campuchia mở cuộc tiến công giải phóng thủ đô Phnom Penh (7-1-1979), kết thúc cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam.
Thắng lợi này đánh dấu bước chuyển hóa kịp thời, linh hoạt về nghệ thuật tác chiến của quân đội ta. Từ chỗ bị động ban đầu về đối tượng tác chiến, về xây dựng thế trận và bố trí lực lượng phòng thủ biên giới, ta đã kịp thời rút kinh nghiệm, chủ động, linh hoạt, nhanh chóng chuyển hóa từ tác chiến phòng thủ là chủ yếu, từng bước chuyển sang tác chiến phản công, tiến tới tổng phản công và tiến công chiến lược tiêu diệt lớn quân địch giành thắng lợi.
Đại tá, TS DƯƠNG ĐÌNH LẬP
----------------------------------------
(1), (2), (3), (4) Lịch sử quân sự Việt Nam, tập 13, Nxb CTQG-ST, H, 2014, các trang: 105, 109, 132.