Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh đã trò chuyện với phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử về những thước phim do nền điện ảnh Xô viết thực hiện đã ăn sâu vào tiềm thức của công chúng Việt Nam trong những năm thập niên 60, 70, 80 của thế kỷ trước.

Phóng viên (PV): Xin ông cho biết thời điểm các bộ phim của Liên Xô bắt đầu công chiếu tại Việt Nam?

NSND Đặng Nhật Minh: Điện ảnh Liên Xô đến với Việt Nam rất sớm, từ những năm 1950 đến 1952 đã có phim Liên Xô chiếu ở Việt Bắc. Hồi đó, hầu hết các cơ quan, đơn vị ở Việt Bắc đều có máy chiếu để phục vụ khán giả xem những tác phẩm điện ảnh của Liên Xô. Những bộ phim được chiếu nhiều lúc đó như: Anh hùng Matroxop, Hạnh phúc nông trường, Những người Kozak Kuban, Anh hùng Sapaev…

Ngày 15-3-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập doanh nghiệp quốc gia chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam và ngày đó trở thành ngày ra đời của điện ảnh Việt Nam. Khi bắt đầu thành lập, một trong những nhiệm vụ đầu tiên của ngành điện ảnh là giới thiệu đời sống, chiến đấu, thành tích của nước bạn Liên Xô.

Sau năm 1954, một nửa nước Việt Nam được giải phóng thì phim Liên Xô gần như độc tôn, mỗi năm có khoảng 60-70 phim Liên Xô chiếu ở Việt Nam.

leftcenterrightdel
NSND Đặng Nhật Minh. Ảnh: VOV. 
PV: Theo ông, điện ảnh Liên Xô có ảnh hưởng thế nào đến những người làm phim Việt Nam?

NSND Đặng Nhật Minh: Với thế hệ chúng tôi, điện ảnh Liên Xô ảnh hưởng nhiều nhất, đó là giai đoạn sau Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô lần thứ 20, những năm 1960-1970. Trong giai đoạn đó, điện ảnh Xô viết như được “cởi trói”, thoáng hơn, nên “nở rộ” một loạt phim ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng Việt Nam mà đến giờ vẫn không ai có thể quên như: Khi đàn sếu bay qua, Bài ca người lính, Người thứ 41… Đó là những bộ phim tạo ra một luồng gió mới, kích thích sự sáng tạo của những người làm nghệ thuật Việt Nam rất nhiều. Xem xong những tác phẩm điện ảnh này, nhiều đêm tôi mất ngủ bởi nội dung mang tính nhân văn sâu sắc và lối diễn xuất, dàn dựng rất chuyên nghiệp của ê kíp làm phim.

PV: Ông ấn tượng nhất với bộ phim nào của Liên Xô?

NSND Đặng Nhật Minh: Phim về đề tài chính trị của Liên Xô thời đó chủ yếu đi sâu vào nội tâm nhân vật, khắc họa số phận con người. Chẳng hạn như phim “Khi đàn sếu bay qua” tuy là bối cảnh chiến tranh nhưng lại nói về bi kịch của một cô gái sống ở hậu phương của Liên Xô.

Ấn tượng với tôi là những phim nói về số phận con người và những người lính Xô viết, trong đó có phim “Số phận con người”. Ngoài ra, còn có một số phim khắc họa hình tượng lãnh tụ Lê-nin và về Cách mạng tháng 10 như “Lê-nin ở Ba Lan”, “Lê-nin với Cách mạng tháng 10” để lại ấn tượng với người xem. Với điện ảnh Liên Xô thì mỗi bộ phim phải nói lên điều gì, để người xem hiểu thêm về cuộc sống và phải mang tính giáo dục con người có cuộc sống tốt đẹp hơn.

leftcenterrightdel
Lê-nin đọc diễn văn ở Quảng trường Cung điện tại cuộc mít tinh quốc tế nhân dịp khai mạc Đại hội II Quốc tế cộng sản Pê-tơ-rô-grát ngày 19-7-1920. Ảnh tư liệu.
PV: Ông đánh giá thế nào về nền điện ảnh Xô Viết?

NSND Đặng Nhật Minh: Lê-nin nói rằng, trong các môn nghệ thuật thì điện ảnh là quan trọng nhất. Vì thế nền điện ảnh Xô viết đến tận những năm 1986-1987 là Nhà nước bao cấp hoàn toàn. Ở Liên Xô lúc đó có Ủy ban điện ảnh quốc gia với chức năng chính là tổ chức sản xuất, thực hiện, dàn dựng…lĩnh vực điện ảnh. Toàn bộ các tác phẩm điện ảnh Xô viết là do Nhà nước bỏ tiền ra làm và các kỳ liên hoan phim cũng do nhà nước tổ chức.

Nói về nghề nghiệp thì những người làm điện ảnh Xô viết lúc đó rất giỏi. Họ được đào tạo ở Trường Đại học điện ảnh quốc gia Liên bang Nga (VGIK). Đây là trường đại học sân khấu và điện ảnh lớn nhất châu Âu và một trong những đại học sân khấu lớn nhất trên thế giới. VGIK là cái nôi quan trọng nhất để đào tạo những người làm phim, là nơi đào tạo nhiều ngôi sao điện ảnh. Ngôi trường này đã đào tạo nhiều nghệ sĩ điện ảnh Việt Nam, một số nghệ sĩ học đạo diễn, biên kịch, quay phim, khói lửa…tại ngôi trường này và khi trở về Việt Nam, họ trở thành những người cống hiến rất nhiều cho nền điện ảnh nước nhà.

Tôi nghĩ, phim Liên Xô trước đây vẫn luôn là niềm tự hào của người dân Nga hiện nay và những bộ phim này hiện vẫn được chiếu trên truyền hình và công chúng nước Nga vẫn tự hào về nền điện ảnh Xô viết đã từng chiếm lĩnh màn ảnh nhiều nước trên thế giới. Mặc dù điện ảnh Liên Xô giờ đây đã cổ phần hóa nhưng những bộ phim kinh điển vẫn sống mãi trong lòng người xem.

PV: Ấn tượng nhất của ông về những phim đề tài chính trị của Liên Xô là gì?

NSND Đặng Nhật Minh: Tôi thấy những phim phục vụ chính trị của Liên Xô được làm rất cẩn thận, không gây cảm giác nhàm chán, khô khan cho người xem. Phim về lãnh tụ Lê-nin và các diễn viên đóng vai Lê-nin thì có nhiều nhưng tôi ấn tượng nhất với diễn viên Straúc từng đóng một số phim như: Lê-nin ở Ba lan, Lê-nin trong Cách mạng Tháng Mười… Khi nhập vai Lê-nin, diễn viên này diễn xuất rất có hồn, tự nhiên và trường phái diễn xuất của anh rất thu hút người xem.

Với tôi, điện ảnh Xô viết xứng đáng để nhiều nền điện ảnh trên thế giới học tập. Các nghệ sĩ điện ảnh Liên Xô làm phim không vì mục đích kinh tế mà hướng đến tiêu chí nghệ thuật nên mỗi bộ phim đều cuốn hút người xem và những tác phẩm của họ để lại dấu ấn mãi trong lòng công chúng.

KHÁNH HUYỀN (thực hiện)