Là lớp người ngay từ buổi đầu được hưởng nền giáo dục của chế độ mới, chúng tôi càng nhận rõ hơn mối liên hệ máu thịt giữa cuộc Cách mạng Tháng Mười và cuộc Cách mạng Tháng Tám; sự trùng hợp tưởng như ngẫu nhiên giữa tư tưởng của V.I.Lênin trong "Luận cương về dân tộc và thuộc địa" với tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh được hình thành trong quá trình bôn ba khắp năm châu tìm con đường cứu dân, cứu nước. Trang sách nhà trường và thực tiễn tham gia công cuộc vừa kháng chiến, vừa kiến quốc trong 7 thập niên qua, thế hệ chúng tôi thấm thía một sự thật mà không dễ gì một lúc nhận ra: Đó là, nếu không có Cách mạng Tháng Mười năm 1917 ở nước Nga thì không thể có Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam! Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười; những thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở 7 thập niên đầu của Nhà nước Xô viết và thắng lợi của cuộc Chiến tranh Vệ quốc của Liên Xô trong những năm 1941-1945, cũng như thắng lợi của các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và phát triển đất nước ở Việt Nam là thắng lợi của Chủ nghĩa Mác-Lênin dưới sự lãnh đạo trực tiếp của một đảng mác-xít chân chính biết vận dụng sáng tạo, phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn của nước mình. Chúng tôi thấm sâu lời Bác Hồ kính yêu nói trong dịp kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng Mười: “Trong cao trào chống Mỹ, cứu nước, với quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội trên đất nước mình, nhân dân Việt Nam nhiệt liệt hướng về Liên Xô, quê hương của Lênin vĩ đại và của Cách mạng Tháng Mười vẻ vang, đầy lòng biết ơn và tin tưởng”. Trong nhiều hội nghị, khi đề cập cách học và cách vận dụng Chủ nghĩa Mác-Lênin vào cuộc sống, Bác nói bình dị, dễ hiểu, dễ làm: Học Chủ nghĩa Mác-Lênin để con người sống có tình, có nghĩa hơn; học Chủ nghĩa Mác-Lênin là học cách phân tích biện chứng để nhận thức đúng bản chất thực tiễn cách mạng; là học phương pháp luận khoa học và cách thức vận dụng sáng tạo vào công tác của từng người, từng đơn vị để đạt hiệu quả cao… Lời dạy đó đến hôm nay vẫn nguyên giá trị thời sự, được Trung ương Đảng ta cụ thể hóa trong các nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI và khóa XII, mà một số quyết định quan trọng cùng những việc làm trọng tâm của Trung ương Đảng và Bộ Chính trị từ sau Đại hội XII đến nay, đã và đang được các tầng lớp nhân dân ta ở trong nước và ở nước ngoài đồng tình ủng hộ, tăng thêm niềm tin vào sự lãnh đạo của một đảng mác-xít kiên cường và dạn dày kinh nghiệm, luôn trung thành lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, làm kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng ta và nhân dân ta.
Nhân ngày lễ trọng đại này, thay mặt Hội Hữu nghị Việt-Nga và những người từng được học tập, công tác ở Liên Xô trước đây cũng như ở Liên bang Nga ngày nay, tôi bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc về sự quan tâm đích thực của Đảng, Nhà nước Việt Nam, ngay trong những năm tháng cam go của cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược, với tầm nhìn chiến lược đã lần lượt cử hàng nghìn, hàng vạn người sang học ở Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực có tri thức, có tay nghề cao để phục vụ công cuộc xây dựng đất nước sau chiến tranh. Với sự giúp đỡ hết lòng bằng tình cảm quý mến, trân trọng của nhân dân Liên Xô và nhân dân Nga dành cho Việt Nam, mỗi sinh viên, thực tập sinh, nghiên cứu sinh… đã tiếp nhận được khối lượng lớn tri thức tiên tiến và kỹ năng thao tác nghề nghiệp trong mọi lĩnh vực, từ khoa học tự nhiên, khoa học xã hội đến an ninh, quốc phòng, v.v.. Điều đáng mừng và cũng là niềm tự hào là trong số hàng nghìn, hàng vạn con người được tiếp nhận tri thức và tình cảm ấy, có nhiều người đã trở thành cán bộ lãnh đạo và quản lý chủ chốt của đất nước; hàng trăm giáo sư, tiến sĩ đã và đang đảm nhiệm những vị trí quan trọng trong các ngành khoa học mũi nhọn của quốc gia…
Trở thành một công dân có ích cho Tổ quốc, mỗi chúng tôi luôn khắc ghi trong ký ức đời mình những tình cảm sâu nặng của các cô giáo, thầy giáo Liên Xô đã coi chúng tôi như những đứa con, đứa cháu thân thiết trong gia đình, nhường cơm sẻ áo, chăm lo cả về vật chất và tinh thần, làm tất cả những gì có thể vì học sinh Việt Nam thân yêu. Chúng tôi tâm đắc câu ngạn ngữ sâu sắc của người Nga: Trong hoạn nạn, khổ đau, con người càng hiểu nhau và thương nhau hết thảy! Cách đây 10 năm, đúng dịp kỷ niệm 90 năm Cách mạng Tháng Mười, tại Hà Nội đã diễn ra cuộc gặp mặt vô cùng xúc động với chủ đề “Thầy trò Xô-Việt” làm nhiều người rơi lệ, nhất là khi nghe lời tâm sự của một giáo sư vào tuổi 80 đã ngồi gần 4 tiếng đồng hồ chứng kiến những câu chuyện nghĩa tình giữa thầy trò hai nước; sau đó phát biểu rằng: “Không có một đất nước nào trên thế giới có được những cuộc gặp mặt cảm động như thế này! Không ở đâu có tình nghĩa thầy trò sâu nặng như thầy trò Xô-Việt”… Một câu chuyện cảm động mới diễn ra cách đây mươi hôm, đó là chuyến “về nguồn” của một số sinh viên cũ của Trường Đại học Tổng hợp quốc gia mang tên Lomonosov. Họ đã đến thăm trường và thầy giáo cũ ở tuổi 90. Hai chân không còn đứng vững, nhưng trí tuệ thầy vẫn minh mẫn dặn lại học trò của mình rằng: “Có lẽ đây là lần gặp cuối cùng của thầy với sinh viên Việt Nam mà thầy đã dạy 40 năm trước. Thầy chỉ muốn nhấn mạnh một điều: Thầy rất vui khi biết các em đang là những cán bộ nòng cốt, tích cực đóng góp cho sự nghiệp đổi mới đáng tự hào của Việt Nam trong hơn 30 năm qua; mong các em sẽ mãi là nhịp cầu hữu nghị nối dài tình cảm cao đẹp vốn có giữa hai dân tộc Việt-Nga".
Dù thế giới đang có nhiều đổi thay, nhưng trong ký ức và tình cảm của chúng tôi, vẫn vẹn nguyên tình yêu Cách mạng Tháng Mười, tình yêu đất nước của V.I.Lênin vĩ đại, nơi có bao sự kiện lịch sử hào hùng, có đêm trắng kỳ diệu trên sông Neva thơ mộng, có những giai điệu Nga trữ tình và đằm thắm đã từng vang vang trong tâm hồn những người lính Cụ Hồ vượt Trường Sơn vào trận năm nào để làm nên một “dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ!”. Và hôm nay, còn rất nhiều lớp người, trong đó có không ít bạn trẻ dù chưa có điều kiện đến thăm nước Nga, vẫn đắm say hát vang những bài ca tràn đầy tình yêu và sự sống, như: Thời thanh niên sôi nổi, Cây thùy dương, Đôi bờ, Cachiusa, Chiều Moscow, Triệu bông hồng… Chúng tôi coi đó là một trong những động lực tinh thần quý báu để nuôi dưỡng lý tưởng Cách mạng Tháng Mười, bồi đắp tình yêu nước Nga và nhân dân Nga dù đang gặp muôn vàn gian khó vẫn dành sự giúp đỡ lớn lao cho Việt Nam. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, thế hệ chúng tôi và các thế hệ tiếp sau nguyện góp sức tích cực cùng toàn Đảng, toàn dân vun đắp cây hữu nghị Việt-Xô, Việt-Nga xanh tươi, bền gốc, đồng lòng chung sức thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt-Nga lên tầm cao mới.
PGS,TS NGUYỄN HỒNG VINH, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Hội Hữu nghị Việt-Nga