Nhiều người biết tới họa sĩ Lê Lam với tấm lòng ông dành cho miền Nam. Nơi ấy, ông bỏ cả khóa học phó tiến sĩ ở Liên Xô để tận lòng với Tổ quốc. Nơi ấy, ông đã mãi mãi mất đi những đồng chí, đồng đội. Nơi ấy, cũng là nơi ông để lại cho đời những tác phẩm có giá trị về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước như: “Dừng lại”, “Đồng khởi Bến Tre”, “Đội quân tóc dài”, “Má Bến Tre”… Nhưng có một mảng đề tài của Lê Lam cũng hồn hậu, chân thật và đầy cảm xúc là mảng đề tài ông vẽ về nước Nga.
Họa sĩ Lê Lam trong phòng tranh tại gia đình.
Tại căn nhà nhỏ trên gác 3, Khu tập thể Thành Công (Hà Nội), họa sĩ Lê Lam treo nhiều tranh, nhiều bức đã đi liền với danh tiếng của ông và có cả những bức ông đang vẽ dở. Họa sĩ Lê Lam giờ đã 86 tuổi, nhưng khi nói về quãng thời gian ở Liên Xô, ký ức tuổi trẻ như sống lại trong con người ông, tiếp sức cho ông. Ông hào hứng nói về những điều kiện tốt nhất mà nước bạn dành cho sinh viên Việt Nam. Cậu học sinh Việt Nam nhỏ bé, đam mê hội họa, trong túi lúc nào cũng đem theo kính lúp như vật bất ly thân. Như người bị bỏ đói lâu ngày và bày ra trước mắt đủ các món ăn sơn hào hải vị, ông đi khắp các bảo tàng ở Liên Xô đến quên ăn, quên ngủ. Ở Liên Xô, ông học được tất cả tinh hoa hội họa của thế giới. Tự nhủ rằng Nhà nước đã cho đi học thì nghề phải thật giỏi, phải vững vàng và biết biến hóa nên ngoài những bài học của thầy cô, ông cố gắng đi xem thật nhiều những trưng bày của các quốc gia, như: Trung Quốc, Ấn Độ, Tây Ban Nha, Nhật Bản…
Con người, phong cảnh Liên Xô hiền hòa, tốt bụng, thanh bình và lãng mạn, ông cảm mến và trân trọng những người, những nơi mình đã gặp, đã đến. Là sinh viên quốc tế, ngày mới sang, ông xếp hàng liền 11 lần vào viếng Lăng V.I.Lênin để thỏa sức ngắm nghía hình hài vị lãnh tụ đáng kính của giai cấp công nhân thế giới. Cũng chính trên xứ sở Bạch dương, lần đầu tiên và cũng là duy nhất trong đời, ông được gặp Lãnh tụ Phidel Castro của Cuba. Ngày ấy, hình dáng của người anh hùng đẹp tựa cổ tích đã in sâu, ấn tượng mãi trong ông. Sau này, năm 2001, ông vẽ lại bức chân dung được Hội Hữu nghị Việt Nam-Cuba dùng tặng Chủ tịch Phidel Castro nhân ngày sinh lần thứ 75 của Người. Ông cũng nhớ tới thầy giáo Hiệu trưởng Trường Mỹ thuật Kiev, người đã khen tranh của ông, tiếp động lực cho ông vào tình yêu hội họa…
Đất nước Liên Xô vĩ đại với những mảnh ghép như thế, cả những chân dung người Nga bình dị và cuộc sống thường ngày đều trở thành đề tài cho tranh của ông. Giờ đây, họa sĩ Lê Lam đã có một gia tài hơn 400 bức tranh về nước Nga, với tâm tình và tình cảm mãnh liệt. Năm 2016, ông triển lãm 40 bức tranh-triển lãm về nước Nga đầu tiên ở Việt Nam do một họa sĩ Việt Nam thực hiện. Khi xem tranh, Nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi cho biết, họa sĩ Lê Lam có tài thổi hồn vào các bức tranh, nhìn tranh mà như thấy lại nước Nga, thấy những con người thật, cảnh vật mà mình từng biết. Ngài Konstantin Vnukov, Đại sứ Nga tại Việt Nam từng chia sẻ: “Họa sĩ Lê Lam là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ hôm nay. Ông đã 10 năm chiến đấu ở chiến trường và là biểu tượng của tình hữu nghị giữa hai nước Việt-Nga".
Bài và ảnh: LAN DỊU