Tham dự và phát biểu tham luận tại tọa đàm có các đồng chí: Vũ Khoan, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ; PGS, TS Hồng Vinh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân dân; GS, TS Vũ Văn Hiền, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng giám đôc Đài Tiếng nói Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Thượng tướng Võ Văn Tuấn, nguyên Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; cùng nhiều học giả, chuyên gia, các nhà nghiên cứu, các tướng lĩnh, sĩ quan Quân đội nhân dân và Công an nhân dân. Tọa đàm cũng đã nhận được tham luận của các đồng chí: GS Nguyễn Đức Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Hồ Quang Lợi, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam...
Phát biểu đề dẫn, TS Phạm Tất Thắng, Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản đã khẳng định ý nghĩa lịch sử và thời đại của Cách mạng Tháng Mười đối với các dân tộc bị áp bức trên thế giới, phong trào cách mạng thế giới và con đường phát triển, đi lên CNXH. Đồng chí nhắc lại lời Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu từng nói: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu, hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế".
“Vạch sáng thời đại, vạch sáng tương lai”
Sự ra đời của Liên bang Xô Viết - con đẻ của Cách mạng Tháng Mười, cùng chế độ XHCN với những đóng góp to lớn vào những kỳ tích trong thế kỷ 20, được GS Vũ Văn Hiền và nhiều đại biểu nhắc tới như một giá trị không thể phủ nhận của cuộc Cách mạng vĩ đại này. Trong đó, giá trị nhân văn, nhân đạo được nhấn mạnh là một trong những giá trị đích thực của Cách mạng Tháng Mười - cuộc cách mạng có giá trị nhân văn nhất trong tất cả các cuộc cách mạng đã từng diễn ra trong lịch sử loài người, theo PGS. TS Hà Mỹ Hương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Trong tham luận gửi tới Tọa đàm, đồng chí Hồ Quang Lợi cũng nhấn mạnh: “Điều vĩ đại nhất, ý nghĩa xã hội và giá trị nhân văn sâu sắc nhất của Cách mạng Tháng Mười đó là với sự ra đời của CNXH đã cơ bản xóa bỏ nạn người bóc lột người, dân tộc lớn áp bức dân tộc nhỏ, tư liệu sản xuất, cơ sở vật chất để làm ra của cải xã hội không còn nằm trong tay giai cấp bóc lột mà đã thuộc về nhân dân lao động”.
Theo PGS, TS Phạm Hữu Tiến, nguyên Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: “Từ sự tồn tại và phát triển của Liên bang Xô viết, chúng ta có ''mảnh đất hiện thực'' để từ đó nhận thức được những giá trị cơ bản của Cách mạng Tháng Mười - những giá trị không chỉ biểu hiện tính ưu việt của Cách mạng Tháng Mười, mà còn là những động lực cho sự tồn tại và phát triển của nhân loại”. Ngày nay, Liên bang Xô Viết không còn tồn tại trên thực tế, song những giá trị cơ bản của Cách mạng Tháng Mười vẫn là những giá trị có ý nghĩa nhiều mặt đối với thời đại chúng ta.
PGS, TS Phạm Hữu Tiến phát biểu tại tọa đàm.
Một trong những giá trị mà Cách mạng Tháng Mười đưa lại đó chính là bài học về cách mạng tự bảo vệ. Cách mạng Tháng Mười đã chỉ rõ, để bảo vệ CNXH không chỉ dồn sức đánh bại các cuộc tấn công vũ trang của các lực lượng đế quốc thù địch từ bên ngoài, mà còn biết làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn thẩm thấu hòa bình nham hiểm của chúng từ bên trong. Mặt khác, cách mạng tự bảo vệ không chỉ bằng những công cụ, biện pháp của chuyên chính vô sản, mà cách tốt nhất là phải tăng cường sức mạnh nội sinh, luôn chủ động đổi mới một cách sáng tạo toàn diện cả trong tư duy lý luận lẫn hành động thực tiễn, tạo ra thế và lực đủ mạnh để tiến hành hiệu quả công cuộc xây dựng CNXH.
Những bài học quý báu cho Việt Nam
Các đại biểu tại tọa đàm đều có đánh giá chung: Đối với Việt Nam, Cách mạng Tháng Mười có ảnh hưởng trực tiếp, nhiều mặt đến việc ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam; đến hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ; sự nghiệp giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước và đi lên CNXH. Cách mạng Tháng Mười trước tiên đã ảnh hưởng sâu sắc tới Nguyễn Ái Quốc để từ đó tạo nên lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam, của dân tộc và nhân dân Việt Nam là Chủ tịch Hồ Chí Minh. PGS, TS Nguyễn Mạnh Hưởng, nguyên trưởng Ban Nghiên cứu, Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự, Bộ Quốc phòng nêu rõ, trong quá trình đi tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy ở chủ nghĩa Mác-Lenin con đường cứu nước duy nhất đúng cho dân tộc mình. Cách mạng Tháng Mười đã có ảnh hưởng quyết định đến Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc lựa chọn con đường giải phóng dân tộc, con đường cách mạng vô sản, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
PGS, TS Nguyễn Mạnh Hưởng phát biểu tại tọa đàm.
Trong tham luận gửi tới tọa đàm, GS Nguyễn Đức Bình nêu rõ, thắng lợi của cách mạng Việt Nam trước hết là thắng lợi của Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc vận dụng một cách sáng tạo thực chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác-Lenin, những kinh nghiệm mang tính phổ biến của Cách mạng Tháng Mười, những kinh nghiệm phong phú của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế vào những điều kiện cụ thể của đất nước, để vạch ra đường lối chính trị và phương pháp cách mạng đúng đắn nhằm giải quyết những vấn đề của thực tiễn cách mạng Việt Nam. Tất cả những đặc điểm ở Lenin, đó là: Sáng suốt một cách lạ thường trong việc dự đoán mọi tình huống, quyết đoán một cách nhanh chóng và hết sức đúng đắn trong những trường hợp cấp bách và hiểm nghèo; Rắn như thép và nguyên tắc nhưng hết sức uyển chuyển về sách lược, tất cả những đặc điểm ấy ở Lênin, đặc biệt là trong thời kỳ Cách mạng Tháng Mười, là những bài học vô cùng quý báu đối với Đảng Cộng sản Việt Nam về phương diện chỉ đạo chiến lược, sách lược và phương pháp cách mạng.
Đồng chí Vũ Khoan, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ tại buổi tọa đàm.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã phân tích những bài học kinh nghiệm trong xây dựng và phát triển CNXH ở Liên Xô về kinh tế, chính trị cũng như nguyên nhân tan rã của Liên bang Xô Viết. Qua đó, rút ra những bài học kinh nghiệm đối với thực tiễn cách mạng và con đường phát triển đi lên CNXH ngày nay ở Việt Nam, như: Cần có tư duy linh hoạt phù hợp qua từng giai đoạn, luôn lấy lợi ích nhân dân làm gốc, đảm bảo dân chủ thực sự, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, xác định công tác xây dựng Đảng và cán bộ có ý nghĩa then chốt, đạt được sự công bằng thực sự về lợi ích trong quan hệ quốc tế...
Chia sẻ quan điểm trên, tham luận của PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc cho rằng, công cuộc cải tổ ở Liên Xô và các nước Đông Âu không thành công cùng với sự sụp đổ của chế độ XHCN ở những nước đó là tổn thất lớn đối với phong trào cách mạng thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam là một trong số những nước theo con đường xã hội chủ nghĩa vẫn kiên định mục tiêu, lý tưởng, tiến hành cải cách, đổi mới, giành được những thành tựu to lớn, tiếp tục phát triển. Việt Nam có được thành tựu đó là nhờ đã vận dụng sáng tạo và phát triển lý luận của chủ nghĩa Mác-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội và quá độ lên chủ nghĩa xã hội vào tình hình thực tiễn đất nước.
Cách mạng Tháng Mười - cội nguồn của mối quan hệ gắn bó mật thiết Việt-Xô
Cùng với những bài học và kinh nghiệm quý báu cho cách mạng Việt Nam, Cách mạng Tháng Mười đã đem đến người bạn chí tình sát cánh cùng Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và công cuộc xây dựng, phát triển đi lên XHCN sau này, đó chính là Liên bang Xô Viết. Biết bao thế hệ người Việt Nam đã coi Liên Xô là đất mẹ thứ hai của mình với nhiều tình cảm tri ân, trìu mến.
Nhấn mạnh Cách mạng Tháng Mười chính là cội nguồn của mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa nhân dân Việt Nam với các dân tộc trong Liên bang Xô Viết trước đây, đồng chí Vũ Khoan chia sẻ rằng, mặc dù điều kiện còn vô vàn khó khăn vào đầu những năm 1950 của thế kỷ trước, nhưng các bạn Liên Xô đã thực sự “nhường cơm, sẻ áo”, dành những điều kiện học tập và sinh hoạt tốt nhất có thể cho các nam, nữ thanh niên Việt Nam được cử sang học tập. Đồng chí Vũ Khoan cho biết viện trợ vật chất như các khí tài quân sự, vũ khí của Liên Xô đối với Việt Nam là rất lớn lao. Sự giúp đỡ của Liên Xô trong công cuộc xây dựng kinh tế-xã hội ở Việt Nam là vô vùng quý báu. Đằng sau những công trình xây dựng mà nước bạn giúp đỡ Việt Nam là mồ hôi, là trí tuệ và cả tấm lòng của người dân Xô Viết đối với Việt Nam. Đồng chí Vũ Khoan kể trong những năm tháng công tác tại Đại sứ quán Việt Nam ở Moscow, đồng chí đã được tiếp nhiều cựu chiến binh Liên Xô tới xin làm quân tình nguyện sang Việt Nam sát cánh với quân, dân Việt Nam chiến đấu chống ngoại xâm...
“Với truyền thống “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, nhân dân ta mãi mãi khắc ghi những phẩm chất cao quý ấy của dân tộc Nga và các dân tộc trong Liên bang Xô Viết cũ”, đồng chí Vũ Khoan nhấn mạnh.
Thượng tướng Võ Văn Tuấn phát biểu tại tọa đàm.
Từng có nhiều năm học tập tại nước bạn, Thượng tướng Võ Văn Tuấn, nguyên Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam đã khẳng định sự giúp đỡ của Liên Xô và các nước XHCN là một trong những nhân tố quan trọng góp phần vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Thượng tướng nhấn mạnh lòng biết ơn đối với sự giúp đỡ hết sức vô tư trong sáng của Liên Xô trước đây dành cho Việt Nam, mong muốn tình cảm tốt đẹp giữa những người anh em chí nghĩa chí tình sẽ tiếp tục sống mãi với thời gian. Bằng những lời tâm huyết và câu chuyện của chính bản thân mình, nhà thơ Hồng Thanh Quang, Tổng biên tập Báo Đại đoàn kết; Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) đã khiến các đại biểu hết sức xúc động bởi những câu chuyện về tác động của nền văn học Xô Viết với người Việt Nam và tình cảm sâu nặng nghĩa tình giữa những người bạn Liên Xô - Việt Nam đã từng có nhiều năm sống chiến đấu, lao động và học tập bên nhau.
Còn mãi giá trị thời đại
Đã một thế kỷ đã trôi qua, nhưng tinh hoa, giá trị thời đại của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn tỏa sáng; là một nguồn động lực lớn thôi thúc và khơi dậy tinh thần cách mạng của nhân dân tiến bộ toàn thế giới, trong đó có nhân dân Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam trên con đường đổi mới đất nước, đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế. Tham luận tại tọa đàm, đồng chí Nguyễn Hồng Vinh nhấn mạnh những dấu ấn trường tồn và thành quả tốt đẹp của Cách mạng Tháng Mười vẫn còn hiển hiện trên các đường phố, trong đời sống chính trị, xã hội của một số nước Đông Âu mà đồng chí có dịp tới thăm như Bungari, Rumani... Đó là những cơ sở vật chất, là giá trị căn cốt của chủ nghĩa hiện thực XHCN mà Cách mạng Tháng Mười và Liên bang Xô Viết mang lại. Đồng chí cũng thông tin nhiều vấn đề liên quan đến mối quan hệ tốt đẹp giữa Liên bang Nga và Việt Nam hiện nay cũng như trong tương lai, mà đồng chí nắm được từ việc tham dự các chuyến thăm của lãnh đạo hai nước.
Đồng chí Nguyễn Hồng Vinh phát biểu tại tọa đàm.
Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng biên tập Tạp chí Quốc phòng toàn dân cho rằng: Cách mạng Tháng Mười đã để lại cho Việt Nam nhiều bài học có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, trong đó có những vấn đề chiến lược về bảo vệ Tổ quốc XHCN. Tư tưởng quân sự của Cách mạng Tháng Mười có giá trị vận dụng trong xây dựng quân đội và bảo vệ Tổ quốc trước đây cũng như hiện nay.
Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại tọa đàm.
TS Trương Thị Bích Hạnh, Khoa Lịch sử cận hiện đại, Trường Đại học Khoa học-Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã cung cấp những thông tin đáng chú ý về mức độ hiểu biết của thế hệ trẻ Việt Nam, cụ thể là đối tượng học sinh và sinh viên về Cách mạng Tháng Mười. Kết quả một cuộc khảo sát quy mô nhỏ cho thấy: Nhìn chung, hiểu biết cơ bản của cả hai đối tượng này về Cách mạng Tháng Mười đều ở mức khá; nhiều học sinh, sinh viên có nhu cầu và mong muốn được tìm hiểu, nghiên cứu, học tập về Cách mạng Tháng Mười, về Liên Xô và về CNXH.
TS Trương Thị Bích Hạnh phát biểu tại tọa đàm.
Tuy nhiên, trước ảnh hưởng và những giá trị xuyên thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga, theo TS Cao Đức Thái, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Đại tá, PGS, TS Đinh Ngọc Hoa, Phó giám đốc Học viện Chính trị Công an nhân dân, ngày nay các thế lực thù địch vẫn đang ra sức phủ nhận thành quả của Cách mạng Tháng Mười, ra sức chống phá phong trào cách mạng trên thế giới và ở Việt Nam. Vì vậy, toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta cần nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, làm thất bại chiến lược "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch, vận dụng tinh thần cách mạng sáng tạo của Cách mạng Tháng Mười Nga trong điều kiện cụ thể của nước ta để xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Vì thế, theo Thiếu tướng Nguyễn Bá Dương, Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội nhân văn quân sự, Bộ Quốc phòng, cần phải tăng cường phổ biến, tuyên truyền, giáo dục và bảo vệ Chủ nghĩa Mác-Lenin, giá trị của Cách mạng Tháng Mười trong tình hình mới. Vì tình hình thế giới, khu vực và trong nước hiện nay đã có nhiều thay đổi, đặc biệt là toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đang tác động trực tiếp đến nhận thức tư tưởng, tình cảm và niềm tin của người dân Việt Nam trong đó không ít người đã nhận thức không đầy đủ bản chất khoa học, cách mạng giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại của Chủ nghĩa Mác-Lenin, của Cách mạng Tháng Mười.
Thiếu tướng Nguyễn Bá Dương phát biểu tại tọa đàm.
Phát biểu kết thúc tọa đàm, Thiếu tướng Phạm Văn Huấn khẳng định: Sau hơn 3 giờ đồng hồ thảo luận, trao đổi, cuộc tọa đàm đã đạt mục đích đề ra. Với nội dung phong phú, phương pháp khoa học và sinh động, với nhiều ý kiến mang tính chất nghiên cứu, khoa học, liên hệ thực tiễn và những câu chuyện cảm động của các đại biểu đã giúp cho buổi tọa đàm thành công tốt đẹp.
Thiếu tướng Phạm Văn Huấn phát biểu kết luận tọa đàm.
Các ý kiến đã tập trung làm rõ giá trị lịch sử, lý luận, thực tiễn và thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga, khẳng định: Chủ nghĩa Mác Lenin với thắng lợi trong thực tiễn là Cách mạng Tháng Mười Nga là hệ tư tưởng khoa học tiên tiến có giá trị dẫn dắt đối với nhân loại. Đây là cuộc cách mạng đã đưa đến sự xuất hiện của Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa. Những mục tiêu tốt đẹp của Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn tiếp tục là mục tiêu mà loài người hướng tới. Những tư tưởng, giá trị của Cách mạng Tháng Mười Nga mãi mãi ảnh hưởng sâu sắc tới các vấn đề của thời đại, bởi đây là cuộc cách mạng có giá trị nhân văn sâu sắc.
Với cách mạng Việt Nam, Cách mạng Tháng Mười có ý nghĩa hết sức to lớn, toàn diện và sâu sắc về nhiều mặt, trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Chính vì thế, chúng ta phải kiên trì, nỗ lực tiếp tục tuyên truyền, giáo dục để mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu thêm về giá trị của Cách mạng Tháng Mười Nga. Những bài học kinh nghiệm từ Cách mạng Tháng Mười Nga, từ Liên Xô cần tiếp tục được nghiên cứu và vận dụng vào thực tiễn cách mạng Việt Nam trên con đường xây dựng đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Bài và ảnh: MỸ HẠNH - TRỌNG HẢI