Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã trao đổi với ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) để hiểu rõ hơn về đề án này.       

Phóng viên (PV): Thưa ông, nguyên nhân do đâu mà Bộ Y tế triển khai gấp rút việc ứng dụng CNTT, kết nối mạng tại các nhà thuốc kiểm soát kê đơn và bán thuốc kê đơn?

leftcenterrightdel
Ông Vũ Tuấn Cường.

Ông Vũ Tuấn Cường: Tại Việt Nam, nhằm tăng cường giám sát hoạt động kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản quy định hoạt động này. Hiện nay, hầu hết các bệnh viện đã áp dụng và việc kê đơn điện tử giảm được nhiều sai sót trong kê đơn thuốc cho bệnh nhân ngoại trú. Tuy nhiên, tình hình kê đơn và sử dụng thuốc ở Việt Nam cũng đang đối mặt với một số khó khăn chung giống như các nước trên thế giới, đó là tình trạng lạm dụng kháng sinh, kê nhiều thuốc chưa hợp lý cho một đơn thuốc... Theo một số kết quả khảo sát về việc bán thuốc kháng sinh ở những cơ sở bán lẻ thuốc tại các tỉnh phía Bắc cho thấy, nhận thức về kháng sinh và kháng thuốc kháng sinh của người bán thuốc và người dân chưa cao, đặc biệt là vùng nông thôn. Xuất phát từ thực tiễn đó, Bộ Y tế xây dựng Đề án “Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020”.

Thực hiện đề án này nhằm bảo đảm có thể truy xuất nguồn gốc thuốc, kiểm soát được thuốc kém chất lượng, giá thuốc không hợp lý, chấn chỉnh tình trạng bán thuốc không theo đơn tại nhà thuốc. Để làm được như vậy thì quy định bắt buộc các nhà thuốc phải có thiết bị và triển khai ứng dụng CNTT, thực hiện kết nối mạng. Bộ Y tế đã pháp quy hóa một cách cụ thể và có lộ trình thực hiện.

leftcenterrightdel
Nhà thuốc của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ.

PV: Hiện, có chế tài nào để buộc các nhà thuốc nhỏ lẻ phải thực hiện ứng dụng CNTT trong việc bán thuốc, thưa ông?

Ông Vũ Tuấn Cường: Hiện nay, Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đang được sửa đổi. Theo đó, Bộ Y tế sẽ rà soát, đề nghị bổ sung những hành vi vi phạm việc không chấp hành triển khai ứng dụng CNTT, không thực hiện kết nối mạng, với mức phạt đủ sức răn đe. Ngoài hình thức xử phạt bằng tiền, còn có hình thức xử phạt bổ sung, như: Tước giấy chứng nhận điều kiện kinh doanh dược, tước chứng chỉ hành nghề dược... Các nhà thuốc trong quá trình hoạt động, ngoài việc định kỳ phải kiểm tra thẩm định việc đáp ứng thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc 3 năm/lần, còn phải chịu sự kiểm tra đột xuất, hoặc kiểm tra theo kế hoạch của các cơ quan chức năng. Vì vậy, nếu cơ sở nào vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.

PV: Thưa ông, cả nước có hàng vạn nhà thuốc, vậy mục tiêu mà Bộ Y tế đề ra là hết năm 2018 phải kết nối mạng tất cả nhà thuốc trên toàn quốc liệu có hoàn thành không?

Ông Vũ Tuấn Cường: Hiện trên toàn quốc có 12.734 nhà thuốc tư nhân; 1.200 nhà thuốc trong các cơ sở khám chữa bệnh. Để triển khai thành công CNTT đối với những nhà thuốc, rất cần có sự hỗ trợ, hợp tác, phối hợp chặt chẽ của các bên liên quan, sự chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo, đặc biệt là lãnh đạo các tỉnh, thành phố và sự hỗ trợ tối đa trong quá trình triển khai thực hiện đề án của Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel). Bước đầu triển khai dự án cần tạo điều kiện để các cơ sở bán buôn, bán lẻ thuốc yên tâm, tạo tâm lý hợp tác và phối hợp thực hiện. Việc thực hiện sẽ có lộ trình và tiến dần đến tính công khai, minh bạch toàn bộ quá trình kinh doanh của đơn vị. Do vậy, các cơ quan, ban, ngành liên quan của mỗi địa phương nên tạo điều kiện để các đơn vị triển khai, không bị xáo trộn trong hoạt động kinh doanh của các cơ sở. Với quyết tâm của Chính phủ, của Bộ Y tế và sự ủng hộ của các cơ quan liên quan, dự án kết nối mạng tất cả nhà thuốc trên toàn quốc chắc chắn sẽ hoàn thành trong năm 2018.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

THU HƯƠNG (thực hiện)