Nhiều rào cản, thiếu sản phẩm du lịch đặc trưng

Một ngày đầu tháng ba, khi đang cùng đoàn du khách tham quan Dinh Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh), chúng tôi được hướng dẫn viên phụ trách đoàn thông báo: “Quý khách lưu ý, thời gian quý khách có mặt tại sân bay trước 180 phút để làm thủ tục. Do tình trạng ùn tắc giao thông, đề nghị quý khách chuẩn bị ra xe sau 15 phút nữa”. Nghe xong thông báo, một số du khách lắc đầu chán nản. Có người thắc mắc: “Ra sân bay trước cả 3 tiếng đồng hồ thì còn thời gian đâu mà tham quan. Lại chuyện tắc đường, kẹt xe…”. Đây không phải là lần đầu tiên du khách phàn nàn về tình trạng này. Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Công ty Vietravel cho biết: Nhiều du khách than phiền với chúng tôi, giao thông hiện đang là mối lo lớn nhất, bởi họ ngại tình trạng tắc đường dẫn đến trễ giờ, ảnh hưởng trực tiếp tới hành trình du lịch. Ngoài ra, một vấn đề cũng cần xem lại, đó là tình trạng thiếu thông tin về điểm tham quan và một số cảnh sát giao thông không biết ngoại ngữ. Du khách quốc tế lạ nước lạ cái, nhưng khi hỏi thăm công an thì không nhận được câu trả lời, hoặc lảng tránh vì không biết ngoại ngữ. Đây có thể coi là những rào cản làm cho du lịch TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh miền Đông Nam Bộ phát triển chưa xứng tầm.

Thực tế cho thấy, tại các khu vui chơi, tham quan, giải trí cần phải có sản phẩm du lịch và các dịch vụ đáp ứng nhu cầu của du khách để trong lúc chờ đợi họ có thể tranh thủ mua sắm, tìm hiểu thêm những thông tin về văn hóa đặc trưng của địa phương. Nhưng hiện nay, khá nhiều địa điểm du lịch trên tại Bình Thuận, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh… chưa có trung tâm mua sắm, hoặc nếu có cũng rất nghèo nàn. Ông Daniel Hauer, quốc tịch Mỹ, từng vài lần đến Việt Nam chia sẻ: "Nếu chỉ chú trọng tổ chức sự kiện du lịch mà không biết rằng du khách rất quan tâm tới sản phẩm du lịch thì thật đáng tiếc. Thương hiệu và sản phẩm du lịch mới thực sự thu hút khách tham quan. Nhìn lại các tỉnh, thành phố miền Đông Nam Bộ, chẳng có mấy điểm đến thú vị do thiếu nét đặc trưng. Nhất là TP Hồ Chí Minh đang dần mất đi sự cổ kính của thành phố hơn 300 năm, giờ chẳng khác gì “mega city”-siêu đô thị, toàn nhà cao tầng thì ở đâu chẳng có".

Cùng với đó là thủ tục hành chính phức tạp, thanh tra, kiểm tra nhiều cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch. Theo ông Scott Hodgetts, Tổng giám đốc khách sạn Sheraton Saigon, năm 2016, khách sạn ông đón 13 đợt thanh tra, kiểm tra từ các sở, ban, ngành thành phố, bình quân mỗi tháng hơn 1 đợt kiểm tra khiến chính quyền sở tại không khỏi chạnh lòng… Những hạn chế này đòi hỏi các tỉnh, thành phố có tiềm năng về du lịch phải sớm khắc phục để đưa ngành “công nghiệp không khói” ngoạn mục bứt phá.

leftcenterrightdel
Địa đạo Củ Chi luôn là địa chỉ thu hút du khách, mang lại lợi nhuận cao cho ngành du lịch TP Hồ Chí Minh.  

Cộng hưởng trách nhiệm, phát triển du lịch bền vững

Khảo sát thực tế tại huyện Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh), huyện Dầu Tiếng (tỉnh Bình Dương) và huyện Châu Đức (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu)…, các điểm du lịch ở đây thưa thớt khách tham quan. Chỉ tính riêng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, nếu so sánh giữa Cần Giờ và Củ Chi thì hầu như du khách đăng ký đến Củ Chi để tham quan, chứ ít người chọn Cần Giờ. Đó là bởi thương hiệu và đường đi Củ Chi thuận tiện hơn Cần Giờ. Theo ông Võ Anh Tài, Phó tổng giám đốc Công ty Du lịch Sài Gòn, muốn thuyết phục du khách chọn TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu hay Bình Thuận, cần tháo gỡ những rào cản về thủ tục hành chính, hạ tầng giao thông và những yếu tố phục vụ nhu cầu của du khách.

Hiện nay, Bà Rịa-Vũng Tàu đang thay đổi tư duy vì lợi ích của du khách, huy động các lực lượng liên quan cùng chung tay phát triển du lịch biển để làm giàu từ biển mà trước hết là củng cố hạ tầng, điều kiện đi lại, ăn ở, sinh hoạt cho du khách. Do vậy, với tính chất giao thông như ở huyện Cần Giờ, khoảng cách từ trung tâm TP Hồ Chí Minh đến các khu du lịch chỉ chừng 60km nhưng thời gian đi phải mất tới gần 2 giờ, thậm chí lâu hơn nếu bị kẹt xe, lỡ phà; cho nên, tiềm năng của khu vực này rất lớn nhưng mức độ khai thác chưa như mong muốn. Đây không chỉ là trách nhiệm của ngành du lịch thành phố mà cần sự vào cuộc của các sở, ngành liên quan. Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho rằng: “Để Cần Giờ phát triển du lịch phải đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, mở mang dịch vụ, phối hợp với doanh nghiệp, công ty lữ hành kéo du khách về với Cần Giờ. Đây cũng là hướng phát triển du lịch bền vững nhằm giúp người dân địa phương thoát nghèo".

Ở khu vực miền Đông Nam Bộ, không phải tỉnh nào cũng chọn du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Song, khi đã xác định du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì một trong những mục tiêu quan trọng là phải cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Vì vậy, vấn đề gắn kết giữa doanh nghiệp du lịch với địa phương để bảo đảm thu nhập của người dân làm du lịch phải được coi trọng; phát triển du lịch theo hướng bền vững vì sự phát triển chung, trong đó du lịch phải gắn với truyền thống lịch sử văn hóa của địa phương, với môi trường và có trách nhiệm với cộng đồng. Không thể phát triển du lịch bằng mọi giá mà phải tạo dựng thương hiệu, uy tín bằng chính nội lực, tiềm năng sẵn có. Trong đó, mỗi công dân phải là một đại sứ du lịch để quảng bá những giá trị đặc sắc của địa phương mình đến mọi nơi và bạn bè quốc tế.

Để giải quyết những vướng mắc tạo đà cho du lịch phát triển, theo lãnh đạo Tổng cục Du lịch, các tỉnh, thành phố miền Đông Nam Bộ cần tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp về du lịch, lữ hành kết nối với các doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ, các siêu thị, trung tâm thương mại để thuận tiện phục vụ du khách; đồng thời đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ ngành du lịch; tăng cường cải thiện tình trạng giao thông và quản lý chất lượng dịch vụ, giữ gìn an toàn cho du khách… Những giải pháp này sẽ góp phần phát triển du lịch bền vững, thực sự đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết của Bộ Chính trị đề ra.

Bài và ảnh: HOÀNG THÀNH