Phó thủ tướng mong muốn, với chủ đề của hội chợ là “Du lịch trực tuyến-Du lịch Việt Nam hướng tới công nghiệp 4.0”, các đơn vị, doanh nghiệp sẽ sử dụng lợi thế của công nghệ thông tin (CNTT) để kết nối ở mọi tầng nấc, giữa chính phủ với chính phủ, chính phủ với các tổ chức, doanh nghiệp và giữa mọi người với nhau một cách hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển của du lịch. 

Hội chợ… trực tuyến

Một hình ảnh khá quen thuộc tại Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam-VITM 2018 là hình vuông với mã có tên gọi QR được dùng để thanh toán trực tuyến dành cho du khách. Mã vuông QR cùng với chiếc điện thoại di động thông minh được đón nhận và hưởng ứng khá nhiệt tình, thậm chí cả với một số người lớn tuổi. Tò mò tìm hiểu công nghệ sử dụng mã vuông QR để đặt vé máy bay, bà Nguyễn Thanh Quý (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: "Trước đây khi biết có vé máy bay giá rẻ, tôi thường phải nhờ con cháu tìm vì qua nhiều bước phức tạp, không ngờ khi được hướng dẫn cách dùng điện thoại di động đặt mã vuông lại dễ dàng đến vậy". Ông Nguyễn Công Hoan, Phó tổng giám đốc Công ty Hanoi Redtours, cho biết: "Tại VITM 2018, lần đầu tiên gian hàng của Hanoi Redtours đã ra mắt việc đăng ký và thanh toán tour trực tuyến thông qua mã QR. Tất cả khách đăng ký mua tour qua mã này được công ty tặng 200.000 đồng. Du khách đến gian hàng khá hào hứng tìm hiểu việc sử dụng CNTT. Tôi tin rằng, thời gian tới, lượng khách sử dụng du lịch trực tuyến của công ty sẽ tăng lên".

leftcenterrightdel
Hướng dẫn khách hàng sử dụng dịch vụ bằng điện thoại di động tại gian hàng Hàn Quốc trong Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam-VITM 2018.

VITM 2018 chọn chủ đề là “du lịch trực tuyến” nhằm thúc đẩy mạnh hơn việc ứng dụng CNTT trong kinh doanh của các doanh nghiệp du lịch (DNDL). Nhiều quầy giao dịch tại hội chợ có mã QR để du khách có thể đến, chọn tour, đăng ký trực tuyến bằng điện thoại thông minh mà không phải mang theo giấy tờ như trước. Trong khuôn khổ hội chợ, Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử xây dựng khu vực hội chợ gồm hơn 40 gian hàng dành riêng cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trực tuyến, các đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ cho du lịch; tổ chức hội thảo về phát triển thương mại điện tử trong du lịch... 

Doanh nghiệp cần chủ động ứng dụng CNTT

Với việc tập trung mạnh mẽ vào sử dụng CNTT trong phát triển du lịch, cơ quan đại diện cho các DNDL Việt Nam đã cho thấy sự thay đổi nhận thức cần thiết để phù hợp với xu thế người tiêu dùng. CNTT trở thành phương tiện giúp doanh nghiệp “đi tắt đón đầu”, góp phần dẫn đến sự tăng trưởng đột phá. Con số thống kê cho thấy, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam năm 2017 đạt hơn 25%. Đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng của du lịch trực tuyến lên lới 50%, gấp đôi tốc độ tăng trưởng chung của thương mại điện tử. Hơn nữa, các tỷ lệ này còn được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Dưới góc độ doanh nghiệp, có thể thấy, Việt Nam cũng đã có những thành công đáng ghi nhận. Một công ty điển hình trong lĩnh vực du lịch trực tuyến là Công ty Du lịch Tugo. Dù mới được thành lập từ năm 2015 nhưng ngay từ những ngày đầu đã xác định đầu tư công nghệ thông minh, đến nay, công ty đã mở 4 chi nhánh tại TP Hồ Chí Minh, 1 chi nhánh tại Hà Nội. Ông Nguyễn Duy Vỹ, Giám đốc truyền thông của công ty, chia sẻ: "Sau ba năm, nhờ áp dụng CNTT, Tugo đã đạt doanh thu gần 400 tỷ đồng". Là các đơn vị kinh doanh du lịch nhận thức rõ xu thế của du lịch trực tuyến, theo ông Võ Anh Tài, Giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist: Từ năm 2004, Saigontourist đã nhận thức hiệu quả và vai trò của ứng dụng CNTT để nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng kinh doanh. Saigontourist đã đẩy mạnh xây dựng trang web du lịch trong nước, theo mùa, xây dựng các trang web với nhiều ngôn ngữ. Trong 10 tháng năm 2017, doanh thu du lịch trực tuyến của công ty đạt hơn 129 tỷ đồng… Với Hanoi Redtours, ông Nguyễn Công Hoan cũng cho biết, không phải bây giờ mà trước đó, tổng công ty đã rất quan tâm đầu tư CNTT vào hoạt động kinh doanh; có cả một trung tâm CNTT với 60 kỹ sư chuyên phục vụ các ứng dụng CNTT. Tổng công ty còn mời một phó tổng giám đốc của một đơn vị CNTT có tiếng về để phát triển CNTT. Riêng website của Hanoi Redtours hiện nay được xây dựng không chỉ dừng ở việc giới thiệu, quảng bá mà là các trang bán hàng theo từng thị trường, có hoạt động tương tác giữa người mua và người bán…

Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp như Tugo, Saigontourist hay Hanoi Redtours… chưa nhiều. Thống kê cho thấy, hiện cả nước có khoảng 30.000 DNDL, 100% DNDL đã quan tâm sử dụng internet trong hoạt động quảng cáo và kinh doanh. Tuy nhiên, việc đầu tư mới chỉ nửa vời, tốc độ kết nối kém, thông tin nghèo nàn và chưa theo kịp nhu cầu của khách hàng. Hiện cả nước mới có khoảng 50 doanh nghiệp áp dụng bán hàng online và 10 sàn giao dịch điện tử. Những sàn giao dịch điện tử này mới thực hiện khoảng 20% giao dịch các dịch vụ du lịch, còn lại 80% thị phần cho các sàn giao dịch nước ngoài. Các chuyên gia cho rằng, theo kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới, để không thua thiệt, việc phát triển du lịch trực tuyến ở nước ta cần có sự vào cuộc đồng bộ không chỉ của các cơ quan quản lý, chính quyền các cấp, mà đặc biệt cần sự thay đổi, chủ động và dấn thân hơn nữa của đội ngũ DNDL… Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nhấn mạnh: “Để du lịch trở thành ngành kinh tế ứng dụng nhanh và thành công khi phát triển trực tuyến, sự thay đổi này không chỉ là phương thức kinh doanh mà là tư duy, phương thức làm việc. Thời gian tới, Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ tiến hành khảo sát các DNDL hội viên trên phạm vi cả nước nhằm đánh giá một cách toàn diện hiện trạng ứng dụng CNTT tại các doanh nghiệp và đề xuất các giải pháp thích hợp, nhằm phát triển nhanh thương mại điện tử trong ngành du lịch; phối hợp với Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Thương mại điện tử triển khai một số chương trình hỗ trợ doanh nghiệp".

Bài và ảnh: HUY AN