Tại buổi tọa đàm, Tiến sĩ Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam cho biết: ĐBSCL là một khu vực trù phú, giàu tiềm năng và là trọng điểm kinh tế của đất nước. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ĐBSCL có nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng đang đối mặt với nhiều thách thức do đây là vùng đất mẫn cảm với thay đổi của tự nhiên. “Buổi tọa đàm hướng tới mục tiêu nhận diện những thách thức, cơ hội và giải pháp đối với phát triển bền vững nguồn nước và năng lượng ở ĐBSCL trong bối cảnh BĐKH”, Tiến sĩ Phạm Văn Tân nhấn mạnh.

Toàn cảnh tọa đàm. 

Thông tin tại tọa đàm cho biết, theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia tới năm 2030, dự kiến xây dựng 14 nhà máy nhiệt điện than ở các vùng ven sông và ven biển ĐBSCL sẽ tác động mạnh mẽ đến vấn đề BĐKH tại vùng đồng bằng này theo chiều hướng tiêu cực nếu không có giải pháp hữu hiệu. Các chuyên gia chỉ ra những thử thách đối với nguồn nước ở ĐBSCL hiện nay đang phải đối mặt là: BĐKH và nước biển dâng, phát triển chuỗi đập thủy điện ở thượng nguồn, gia tăng dân số và di dân, khai thác tài nguyên quá mức, thay đổi sử dụng đất, suy giảm chất lượng môi trường đất-nước.

Tiến sĩ Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam phát biểu tại tọa đàm. 

Trước các thách thức đó, PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ kiến nghị, cần áp dụng tiếp cận tổng thể trong quy hoạch tích hợp nước – lương thực – năng lượng nhằm tránh xung đột giữa các ngành; điều chỉnh quy hoạch năng lượng của ĐBSCL trong quy hoạch tổng thể với quy hoạch nước và lương thực. Chính phủ cần xem xét lại quy hoạch điện, giảm thiểu tỷ trọng nhiệt điện than, trước hết là ngừng xây dựng thêm các nhà máy nhiệt điện than mới, cần ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo để đáp ứng nhu cầu năng lượng đồng thời không tác động tiêu cực tới an ninh nguồn nước…

Tin, ảnh: LA DUY