Yêu âm nhạc nhưng...
TS Nguyễn Trọng Bình chia sẻ, năm 17 tuổi, ông tốt nghiệp cấp 3 (nay là THPT) với số điểm xuất sắc và được chọn đi du học tại Nhật Bản. “Hồi đó, tôi say mê âm nhạc. Cứ rảnh lúc nào là lại bật nhạc lên nghe và tôi cũng tìm hiểu tất cả thể loại nhạc với mong muốn theo đuổi ngành âm nhạc. Thế nhưng gia đình lại muốn tôi tìm một nghề thực tế hơn. Sau khi vượt qua kỳ thi phân loại sinh viên, tôi được nhận vào học ở Đại học Tokyo. Lăn tăn rất nhiều khi phải chọn ngành học nào, cuối cùng tôi chọn ngành nông hóa với hy vọng những kiến thức mà mình tiếp thu được sẽ giúp hiện đại hóa ngành nông nghiệp nước nhà, giúp người dân cải thiện cuộc sống”-TS Bình chia sẻ.
Theo TS Nguyễn Trọng Bình, Việt Nam đã cho ông nền móng kiến thức, còn Nhật Bản là nơi phát triển tri thức. 13 năm học ở Nhật Bản, ông hoàn thành luận án tiến sĩ bằng nghiên cứu về hoạt chất thiên nhiên sinh ra bởi chủng vi sinh Pseudomonas hydrogenovora có tính kháng virus và tế bào ung thư. Nhờ kết quả nghiên cứu đó, năm 1981, ông Bình được một thầy giáo giới thiệu sang đại học chuyên về y dược UCSF của Mỹ nhận học bổng nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ. Thời điểm đó, Mỹ cũng mới bắt đầu phát triển ngành công nghệ sinh học như chuyển gene vi sinh, sản xuất hormon, protein của người. Tại UCSF, TS Nguyễn Trọng Bình bắt đầu nghiên cứu để tìm ra các loại hóa dược mới chống lại virus và ung thư. Những nghiên cứu của ông cùng các đồng nghiệp góp phần không nhỏ vào sự phát triển của ngành y ở Mỹ khi đưa ra được phác đồ chữa bệnh mới cho bệnh nhân ung thư. Đó là cấy tế bào chuyển gene GmCSF tăng tính miễn dịch vào cơ thể bệnh nhân, giúp hệ thống miễn dịch của bệnh nhân tăng lên và đủ sức tự tiêu diệt các tế bào ung thư. Đây là phương pháp được Bộ Y tế Mỹ công nhận và đưa vào áp dụng tại các bệnh viện.
 |
TS Nguyễn Trọng Bình trước hành trình thăm Trường Sa năm 2014. Ảnh do nhân vật cung cấp. |
Sau bốn năm miệt mài tại UCSF, TS Nguyễn Trọng Bình lần lượt “đầu quân” cho hai tập đoàn lớn về dược của Mỹ là Roche và Pfizer. Ngoài việc tìm ra các loại thuốc điều trị ung thư, ông cũng nghiên cứu ra những loại thuốc dành cho người già. Cho đến nay, TS Nguyễn Trọng Bình đang sở hữu 4 bản quyền về thuốc.
Tình yêu Hà Nội luôn nóng hổi trong tim
Sinh năm 1949 tại phố Hòa Mã, Hà Nội, năm ba tuổi, Nguyễn Trọng Bình theo gia đình chuyển vào TP Hồ Chí Minh nên ký ức tuổi thơ của ông ở Thủ đô nghìn năm văn hiến không nhiều, chỉ là những lần theo anh trai đến Trường Tiểu học Ngô Sĩ Liên. Thế nhưng ấn tượng về Hà Nội đối với ông Bình lại rất đậm đà thông qua những câu chuyện của mẹ-một người phụ nữ gốc Hà Nội. Vì thế, dù vào TP Hồ Chí Minh từ bé song đến giờ, ông Bình vẫn giữ giọng Hà Nội, biết cách làm những món ăn đặc sản ngoài Bắc như bún ốc, bún thang, bún riêu... và đặc biệt là món giò thủ. Sau này, những “tuyệt chiêu” nấu nướng mà mẹ truyền lại đã theo ông Bình đi khắp nơi trên thế giới. Ông Bình cho biết, cứ mỗi dịp Tết đến, xuân về, ông lại tự tay làm món giò thủ để mời bạn bè cùng thưởng thức.
Có lẽ cũng vì tình yêu với Hà Nội nên năm 1991, khi quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam được cải thiện, TS Nguyễn Trọng Bình trở về Việt Nam và tham gia giảng dạy ở một số trường đại học hay viện nghiên cứu. Ông chia sẻ: “Tôi nghĩ mình đã đi dạy ở nhiều nước khác thì tại sao không dạy được ở Việt Nam. Vì lẽ đó, khi được GS Nguyễn Văn Uyển, Phó viện trưởng Viện Sinh học nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, mời về dạy, tôi nhận lời ngay...".
Nói về sự phát triển của ngành công nghệ sinh học ở Việt Nam, TS Nguyễn Trọng Bình cho rằng, do ngành này còn khá mới ở nước ta nên trước tiên phải đi vào khoa học, rồi mới đến công nghệ. “Chúng ta không nên sao chép lại các sản phẩm mà các nước đã sản xuất vì thiết bị để sản xuất các sản phẩm này rất đắt tiền, sản phẩm mình làm ra sẽ không thể cạnh tranh về giá với những quốc gia đã sản xuất đại trà. Vì thế, chúng ta phải đi sâu về khoa học trước để nghiên cứu ra những công nghệ mới. Quan trọng là phải “đi tắt đón đầu” để bắt kịp cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0”-TS Bình khẳng định. Ông cũng hy vọng, với vai trò là thành viên Ban biên tập Tạp chí Nghiên cứu Y học (Trường Đại học Y Hà Nội), ông sẽ tiếp tục đóng góp một phần kiến thức nhỏ bé của mình cho ngành y nước nhà.
KIM OANH