Theo thống kê, trên địa bàn TP Hà Nội thường xuyên có hơn 6 triệu xe máy; gần 800 nghìn ô tô sử dụng động cơ đốt trong, thải ra hàng tấn khí CO2, NO2, SO2 và bụi mịn mỗi ngày khiến chất lượng không khí tại Thủ đô giảm sút, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.

Trước tình hình này, những năm qua, TP Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm làm giảm ô nhiễm không khí. Trong đó chú trọng phát triển giao thông xanh. Cụ thể, Hà Nội đã đưa vào vận hành các tuyến xe buýt điện và tàu điện, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng thân thiện với môi trường. Ngoài ra, thành phố cũng thông qua đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng. 

Xe máy ken đặc lối lên cầu Long Biên (Hà Nội) vào giờ đi làm.

Thực tế cho thấy, không ít người dân Thủ đô đã bắt đầu chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng thuần điện. Chị Mai Thu Hoàng, giáo viên tiểu học ở quận Hai Bà Trưng chia sẻ: “Trước đây, tôi chủ yếu di chuyển bằng xe máy, nhưng từ khi biết đến sự kết nối giữa tàu điện trên cao và các phương tiện sử dụng điện khác như taxi Xanh SM hay xe máy điện, tôi thấy việc đi lại trở nên dễ dàng hơn, nhất là khi sử dụng xe điện sẽ giúp ích cho việc bảo vệ môi trường”.

Bạn Tạ Trung Kiên, sinh viên Đại học Kinh tế quốc dân cho hay: “Tôi cùng nhiều bạn trong trường thường xuyên sử dụng tàu điện và xe buýt để đi học. Ứng dụng đặt xe tích hợp giúp tôi có thể di chuyển liền mạch mà không mất quá nhiều thời gian. Việc có thêm các ưu đãi khi sử dụng những phương tiện này cũng là một điểm cộng lớn”.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, có 3 nguồn chính gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội gồm giao thông, cơ sở sản xuất công nghiệp, nguồn điện. Trong đó, giao thông chủ yếu phát thải các chất ô nhiễm như NO2, CO, SO2, NMVOC, CH4 và đặc biệt là bụi mịn PM2.5. Từ thực trạng nêu trên, việc phát triển và khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, nhất là các phương tiện sử dụng năng lượng sạch như xe buýt điện, sẽ góp phần đáng kể trong việc làm giảm lượng khí thải độc hại, cải thiện chất lượng không khí và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Ngoài ra, để đạt được hiệu quả cao trong giảm ô nhiễm không khí, cần sự vào cuộc có trách nhiệm và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng trong xây dựng cũng như thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển giao thông xanh, đồng thời nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Để giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm không khí, thành phố cần tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng giao thông công cộng, mở rộng mạng lưới xe buýt điện và tàu điện, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút người dân. Việc xây dựng các vùng phát thải thấp, hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm cũng là một bước đi cần thiết. Chỉ khi người dân thay đổi dần thói quen di chuyển, ưu tiên sử dụng phương tiện công cộng, kết hợp với chính sách hỗ trợ từ chính quyền, Hà Nội mới có thể từng bước cải thiện chất lượng không khí, hướng tới một đô thị xanh, sạch và bền vững.

Bài và ảnh: HỒNG SÁNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.