Đây là ý kiến rất đáng lưu tâm, bởi vấn đề lâu nay vẫn được dư luận nhắc tới nhiều là sự chưa phân tách rõ ràng giữa trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm tập thể trong cơ chế hoạt động của UBND các cấp. Điều này dẫn tới 2 khuynh hướng cực đoan. Một là khuynh hướng độc đoán, chuyên quyền. Hai là khuynh hướng đổ lỗi, quy trách nhiệm cho tập thể, nhất là khi có thành tích thì coi đó là thành tích cá nhân, nhưng khi gặp việc khó, việc có thể dẫn tới phải chịu trách nhiệm chính trị, trách nhiệm pháp lý khi không hoàn thành hoặc có sai phạm thì đùn đẩy cho tập thể quyết định. Thậm chí là cá nhân quyết định nhưng người đứng đầu sử dụng các thủ thuật để chuyển thành trách nhiệm tập thể khi xảy ra hậu quả không mong muốn, có thể bị truy cứu trách nhiệm.

Ảnh minh họa: dantri.com.vn 

Do vậy, xây dựng cơ chế kiểm soát, đánh giá hiệu quả công vụ của cá nhân người đứng đầu là hết sức cần thiết và quan trọng. Gần đây, cả trên các diễn đàn nghị trường, trong các cuộc họp chính thức của cơ quan có thẩm quyền, hay trong dư luận xã hội đều đang nhắc nhiều tới việc xây dựng và áp dụng bộ chỉ số đánh giá cán bộ, công chức, viên chức (tương tự bộ chỉ số KPI trong doanh nghiệp) để chuẩn hóa việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức.

Hy vọng rằng, bộ công cụ đánh giá này sẽ sớm được nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện, để từng vị trí việc làm, trong đó có vị trí người đứng đầu chính quyền địa phương các cấp, sẽ được đánh giá một cách khách quan, công bằng, tránh được tình trạng “tranh công, đổ lỗi”. Đó là việc rất cần thiết phải đẩy nhanh trong bối cảnh người đứng đầu chính quyền địa phương các cấp sẽ được trao thêm rất nhiều quyền hạn khi thực hiện sắp xếp lại đơn vị hành chính và tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp sắp tới.

CHIẾN THẮNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.