Tiếp tục Kỳ họp thứ chín, chiều 10-5, Quốc hội thảo luận tại Tổ về 3 dự án Luật. Cụ thể gồm: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Thảo luận tại Tổ 13 (gồm Đoàn Bắc Ninh, Hậu Giang, Đắk Lắk và Lào Cai), Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tán thành sự cần thiết, ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch.
 |
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tán thành sự cần thiết, ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch. Ảnh: TRỌNG HẢI |
Chủ tịch Quốc hội nhất trí với ý kiến của các đại biểu Quốc hội về việc pháp luật về quy hoạch hiện nay rất phức tạp, Quốc hội Khóa XIV đã ban hành Luật Quy hoạch, Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành nhiều Nghị định, thông tư hướng dẫn nhưng đến nay có nhiều vấn đề ách tắc.
"Lần này, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch là làm sao để hoàn thiện hệ thống quy hoạch tích hợp và đồng bộ, bảo đảm liên kết giữa quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh, tránh chồng chéo, mâu thuẫn".
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: Quy hoạch phải công khai, minh bạch, đồng bộ. Cần có cơ chế phối hợp rõ giữa các bộ, ngành và địa phương trong lập, thẩm định, phê duyệt. Bên cạnh đó, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, thích ứng biến đổi khí hậu cũng cần được tích hợp vào quy hoạch để nâng cao hiệu quả phát triển bền vững.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đặc biệt lưu ý, phải quy định công khai thông tin quy hoạch, lấy ý kiến nhân dân, đặc biệt là lấy ý kiến đối với nhóm chịu ảnh hưởng trực tiếp trong quy hoạch; thiết lập cơ chế giám sát độc lập để bảo đảm quy hoạch không bị điều chỉnh tùy tiện vì lợi ích cục bộ.
"Nếu không công khai, minh bạch thì quy hoạch sẽ liên tục thay đổi. Đây là vấn đề chúng ta phải tính toán kỹ”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cảnh báo.
Nhấn mạnh quy hoạch là lĩnh vực rộng, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, việc sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch cần được xem xét trong tương quan với các luật khác như: Luật Đất đai, Luật Điện lực, Luật Bảo vệ Môi trường, Luật Biển Việt Nam... để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.
 |
Quang cảnh thảo luận tại Tổ 13. Ảnh: TRỌNG HẢI |
Về phân cấp thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch thực hiện quy hoạch, theo Chủ tịch Quốc hội, luật lần này phải đổi mới mạnh mẽ việc phân cấp, phân quyền theo chủ trương của Đảng.
Theo đó, phân cấp thẩm quyền của Quốc hội cho Chính phủ trong việc xác định các vùng cần lập quy hoạch vùng và quyết định quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia.
Phân cấp thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ cho Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định danh mục các dự án ưu tiên đầu tư trong kế hoạch thực hiện quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh.
Phân cấp thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ cho Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh đối với quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 để đáp ứng yêu cầu về sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phải đánh giá kỹ những vướng mắc trong thực tiễn, giao Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội phải phối hợp với Bộ Tài chính để rà soát những vướng mắc ở cả quá khứ, hiện tại và dự báo trong tương lai để tháo gỡ.
Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: “Sửa gì thì sửa, nhưng phải bảo đảm không vi hiến, tuân thủ Hiến pháp”. Các điều chỉnh quy hoạch có tác động lớn như thay đổi định hướng, mục tiêu sử dụng đất phải cân nhắc đánh giá môi trường chiến lược, tránh gây rủi ro cho phát triển bền vững.
VŨ DUNG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.