Tuy nhiên, để việc ứng dụng chữ ký số rộng rãi và hiệu quả hơn cần có những thay đổi đồng bộ từ nhận thức tới các quy định pháp luật, các quy chuẩn hành chính, kỹ thuật.
Hiệu quả từ sử dụng chữ ký số
Chữ ký số là một dạng chữ ký điện tử với việc sử dụng công nghệ mã khóa công khai, được dùng như một chữ ký cá nhân hoặc thay cho con dấu của tổ chức, công ty. Chính vì thế, chữ ký số được công nhận về mặt pháp lý. Chữ ký số có hai dạng, thứ nhất là chữ ký số công cộng (ứng dụng cho các doanh nghiệp và xã hội); thứ hai là chữ ký số hành chính (ứng dụng cho các cơ quan Nhà nước). Chữ ký số hành chính do Ban Cơ yếu Chính phủ cấp và xác thực, còn chữ ký số công cộng dùng trong doanh nghiệp, người dân… do các đơn vị phát hành chữ ký số cung cấp như Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT)…
 |
Làm thủ tục kiểm tra hải quan tại Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). Ảnh: TRƯỜNG GIANG
|
Theo đánh giá của Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin, Ban Cơ yếu Chính phủ, việc ứng dụng chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ cung cấp đã phát huy hiệu quả trong công tác điều hành tác nghiệp, trao đổi văn bản điện tử tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Tỷ lệ cơ quan áp dụng chữ ký số trong trao đổi văn bản điện tử là khá cao, nhiều nơi đạt hơn 95%, có thể kể đến như Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ… Một số địa phương cũng có tỷ lệ văn bản điện tử áp dụng chữ ký số trên tổng số văn bản điện tử trao đổi trên môi trường mạng khá cao, ví như: Đà Nẵng, Quảng Ninh, Thái Bình, Hà Tĩnh...
Nói về hiệu quả của việc sử dụng chữ ký số, bà Lê Ngọc Hân, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh cho biết, ước tính hằng năm, tỉnh Quảng Ninh tiết kiệm được gần 30 tỷ đồng cho việc in, ấn, gửi nhận văn bản nhờ sử dụng chữ ký số. Địa phương này bắt đầu triển khai trao đổi văn bản điện tử sử dụng chữ ký số từ ngày 1-6-2015 cho 100% các loại văn bản (trừ các văn bản mật) trên các hệ thống thông tin của tỉnh. Theo đó, 95% văn bản gửi, nhận của các cơ quan Nhà nước tỉnh sử dụng chữ ký số để trao đổi hoàn toàn trên hệ thống chính quyền tỉnh.
Theo Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin, tại Đà Nẵng, việc sử dụng chữ ký số và liên thông văn bản điện tử trong các cơ quan hành chính Nhà nước của TP Đà Nẵng ước tính đã tiết kiệm khoảng 1,5 tỷ đồng chi phí bưu điện, đặc biệt rút ngắn 850 ngày xử lý văn bản.
Cần thay đổi tư duy về chữ ký số
Tuy nhiên, trên thực tế, ngoài một số đơn vị nêu trên, sử dụng văn bản điện tử có chữ ký số còn chuyển biến chậm do nhiều cơ quan Nhà nước vẫn giữ thói quen làm việc chủ yếu dựa trên văn bản giấy, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng nhận định: Ngoài nguyên nhân là do thói quen thì việc thực hiện song hành vừa văn bản giấy, vừa văn bản điện tử cũng gây ra lúng túng trong quá trình triển khai chữ ký số.
Cùng với đó là một số rào cản liên quan đến vấn đề kỹ thuật cũng như thiếu một số văn bản hướng dẫn chi tiết về sử dụng chữ ký số. Theo khảo sát của Ban Cơ yếu Chính phủ, hiện nay, cơ quan Nhà nước chủ yếu xử lý và phát hành văn bản điện tử định dạng PDF, chữ ký số được hiển thị trong tài liệu PDF. Quy trình ký, kiểm tra chữ ký, vị trí ký số trên tài liệu PDF chưa thống nhất, do đó, vẫn cần phải có các văn bản hướng dẫn để triển khai chữ ký số cho văn bản điện tử. Bên cạnh đó, cũng thiếu các hướng dẫn về chữ ký số trên các định dạng dữ liệu như XML và dữ liệu với định dạng bất kỳ. Đặc biệt, hướng dẫn thực hiện liên thông giữa hai hệ thống chứng thực công cộng và chuyên dùng Chính phủ, hướng dẫn triển khai chữ ký số trên thiết bị di động vẫn còn thiếu.
Thời gian tới, cùng với việc đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, nhu cầu sử dụng chữ ký số trong các cơ quan Nhà nước sẽ tăng lên. Do đó, để triển khai và ứng dụng tốt chữ ký số, trước hết, cần phải thay đổi quan niệm chỉ có chữ ký “tươi” và con dấu đỏ trên văn bản giấy mới là minh chứng duy nhất khiến văn bản có hiệu lực. Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho biết, tính đến tháng 9-2018, Việt Nam đã có các quy định, quyết định về giá trị pháp lý của văn bản điện tử đã ký số được gửi qua hệ thống quản lý văn bản và điều hành có giá trị pháp lý tương đương văn bản giấy, thay cho việc gửi, nhận văn bản giấy.
Như thế có thể thấy, hệ thống văn bản pháp lý triển khai, ứng dụng chứng thực chữ ký số vẫn chưa hoàn thiện, cần tiếp tục điều chỉnh bổ sung cho phù hợp thực tế. Cũng phải tiếp tục chuẩn hóa thủ tục hành chính thì triển khai chữ ký số mới đạt hiệu quả, tránh tình trạng các doanh nghiệp viễn thông, các đơn vị lập trình gặp trở ngại trong quá trình xây dựng phần mềm bởi hệ thống thủ tục hành chính rườm rà. Các cơ quan, đơn vị cũng cần bảo đảm một số yếu tố để làm nền tảng ứng dụng chữ ký số như: Hạ tầng công nghệ thông tin và hệ thống mạng hoạt động ổn định; nguồn nhân lực cán bộ công nghệ thông tin có chuyên môn tốt, đủ khả năng hỗ trợ người dùng.
Giải quyết thủ tục hành chính ở Chi cục Hải quan Cà Mau. Ảnh: HOÀNG GIANG
TRÀ MY