Tồn tại thoi thóp 

Chợ Sắt được thực dân Pháp xây dựng từ cuối thế kỷ 19, nằm ở vị trí đắc địa bên sông Tam Bạc, tuyến đường thủy thông thương từ Cảng Hải Phòng đi các tỉnh: Nam Định, Quảng Ninh, Hải Dương..., trở thành trung tâm giao thương nhộn nhịp không kém chợ Đồng Xuân (Hà Nội), Đông Ba (Huế), Bến Thành (TP Hồ Chí Minh). Trong suốt nhiều thập kỷ, chợ Sắt không chỉ là trung tâm buôn bán mà còn là biểu tượng văn hóa, là niềm tự hào của người Hải Phòng.

Bà Hồ Lan Phương, tiểu thương bán hàng điện tử lâu năm ở chợ Sắt, nhớ lại “một thời vang bóng”: “Chợ Sắt hồi ấy bán đủ loại hàng, nổi trội là hàng điện tử. Thủy thủ tàu viễn dương mang về đủ các mặt hàng, chủ yếu là hàng second-hand, nhưng người dân các tỉnh, thành phố miền Bắc đều phải về đây mới sắm được các đồ điện tử như ti vi Hitachi, đài cassette Sharp... Thời ấy, bán nước chè trong chợ mỗi tháng cũng được cả chỉ vàng”.

Ngày thường ở chợ Sắt Hải Phòng, gần như không có khách hỏi mua hàng. 

Thế nhưng, do không theo kịp với sự phát triển nhanh chóng của kinh tế thị trường, chợ Sắt ngày càng tụt hậu. Trong khoảng 3-4 năm trở lại đây, những ki-ốt trước đó từng đáng giá cả một căn nhà thì đến giờ cửa đóng then cài, không còn cảnh đông đúc, tấp nập người bán, kẻ mua. Thời điểm chúng tôi vào chợ là giữa buổi sáng nhưng chỉ thấy các gian hàng ế ẩm, vắng khách, các tiểu thương ngồi tán gẫu, nằm ngủ hoặc chơi điện thoại vì chẳng ai hỏi mua hàng.

Những mặt hàng điện tử, đồ gia dụng, loa, đài một thời được săn đón bây giờ nằm im lìm, bám bụi, tồn từ năm này sang năm khác. Lâu lâu vẫn có khách đến hỏi mua các mặt hàng cho tàu bè, tuy nhiên khá thưa thớt. Bà Nguyễn Thị Hồng, tiểu thương đã bán hàng tại chợ từ năm 1992, cho hay: “Ngày xưa còn làm ăn được, bây giờ cứ ăn cụt vào vốn. Vài ba hôm mới bán được một thứ, chẳng đủ ăn. Nhiều người từng bán nhà bán cửa để bám vào chợ Sắt, nay chỉ biết dựa vào thu nhập của chồng con để tồn tại. Giờ người ta chỉ thích mua hàng trên mạng thôi nên thành ra ở đây ế ẩm lắm”. 

Ông Trần Khánh Ni, người từng bán hàng 40 năm tại chợ Sắt, hồ hởi khi thấy khách đến hỏi mua điều khiển từ xa, nhưng rồi sau đó khách hàng lại lắc đầu, nhanh chóng rời đi sau một hồi nâng lên đặt xuống bởi nhận thấy giá trên sàn thương mại điện tử rẻ hơn. Ông Ni thở dài, bảo: “Trước đây, khách hàng đến mua nhiều và có vẻ xởi lởi, còn bây giờ khách mua ít, lại còn chi li, mặc cả từng đồng. Tiểu thương ở đây còn thua người bán rau ở chợ cóc, bởi ít ra mỗi ngày người bán rau cũng có vài trăm nghìn”. Vì buôn bán thua lỗ, lại còn phải gánh chi phí mặt bằng, điện nước, không ít tiểu thương đành rời bỏ chợ, dù có người đã gắn bó mấy chục năm.

Giải pháp nào để duy trì chợ truyền thống?

Tình trạng đìu hiu ở chợ Sắt là hệ quả tất yếu của việc thay đổi hành vi tiêu dùng và sự thiếu thích ứng của tiểu thương trước làn sóng chuyển đổi số. Xu hướng mua sắm hiện đại ngày càng chiếm ưu thế với sự phát triển mạnh mẽ của các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, đặc biệt là các kênh bán hàng thẳng từ nhà sản xuất tới người tiêu dùng, không qua trung gian, trong khi phần lớn tiểu thương ở chợ Sắt vẫn giữ lối kinh doanh cũ, chậm thích nghi với thời cuộc.

“Cô già rồi, không biết bán hàng online, không có vốn liếng thay đổi mặt hàng. Các bạn trẻ mới đủ khả năng thay đổi được. Ở chợ này nhiều người cũng đã thay đổi, họ bỏ chợ để làm việc khác, già như cô thì thôi, bán được đồng nào thì bán, không bán được thì về nghỉ”, bà Lý Thị Hoài buồn bã nói.

Những người lớn tuổi, không quen với công nghệ, không biết hoặc không muốn bán hàng qua mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử, dù biết rõ mô hình kinh doanh truyền thống đang ngày càng khó khăn. “Hàng trên mạng thì rẻ thật, nhưng chất lượng sao kiểm chứng được? Ở chợ chúng tôi, khách được sờ tận tay, xem tận mắt, không vừa ý còn đổi được. Bán online vừa mất thời gian, vừa lằng nhằng, tôi quen bán thế này mấy chục năm, giờ bảo thay đổi cũng ngại lắm”, ông Trần Khánh Ni cho biết.

Bên cạnh đó, thái độ phục vụ của một bộ phận tiểu thương tại chợ truyền thống cũng khiến khách hàng dần quay lưng. Trong khi đó, người tiêu dùng hiện đại lại ưu tiên những nơi mua sắm chuyên nghiệp, tiện lợi, minh bạch về giá và chất lượng sản phẩm.

Có lẽ, để phát huy vai trò của chợ truyền thống, cần sự hỗ trợ của chính quyền, các bộ, ngành chuyên môn, chuyên gia kinh tế, sự nỗ lực của cả ban quản lý lẫn tiểu thương. Phải có giải pháp đầu tư, cải tạo chợ hợp lý, thu hút người dân vào chợ, tổ chức nguồn hàng có truy xuất nguồn gốc, xây dựng văn minh thương mại và quan trọng nhất là phải có chính sách hợp lý. Cụ thể, Ban Quản lý chợ cần triển khai những gian hàng trực tuyến để hỗ trợ cho các tiểu thương trong việc bán hàng, bố trí nhân lực, phương tiện để hỗ trợ về công nghệ cho tiểu thương.

Thạc sĩ Trần Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng và Đổi mới sáng tạo doanh nghiệp, cho rằng, bức tranh tương lai của các chợ truyền thống là kết hợp cả 2 phương thức offline và online. Offline là để tiếp thị khách hàng, còn online là để duy trì quan hệ và tiếp tục phát triển khách hàng. Tiểu thương phải sử dụng các công cụ mới, các mô hình kinh doanh mới. Bên cạnh đó, Ban Quản lý chợ nên thường xuyên tổ chức những chương trình offline hấp dẫn như các sự kiện khuyến mãi, kết hợp mua sắm, vui chơi... để kéo khách hàng từ online xuống offline. Có như vậy, sức hấp dẫn của các chợ truyền thống như chợ Sắt mới tăng lên. Trước đó, chợ Bến Thành đã tổ chức thành công chương trình livestream bán hàng, mang lại doanh thu kỷ lục cho các tiểu thương.

Thiết nghĩ, để duy trì sức hút thì ngoài chức năng cung cấp hàng hóa, các chợ truyền thống cần nghiên cứu để chợ trở thành điểm du lịch, phục vụ khách nội địa và khách quốc tế, giúp du khách có thêm trải nghiệm về văn hóa, đời sống của người dân địa phương.

Bài và ảnh: TRƯƠNG QUỲNH ANH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.