Theo thống kê của Tổng cục Khí tượng Thủy văn, lượng mưa trong 3 ngày (từ 23 đến 26-6) tại khu vực miền núi phía Bắc phổ biến từ 100mm đến 150mm, gây ra tình trạng lũ ống, lũ quét và sạt lở đất tại nhiều địa phương, như: Mường Tè, Nậm Nhùn, Sìn Hồ (Lai Châu), Sa Pa (Lào Cai), Quản Bạ (Hà Giang)... Mưa lũ trên các tỉnh Tây Bắc đã làm 23 người chết, 10 người mất tích và 16 người bị thương; làm 160 ngôi nhà bị sập đổ, gần 1.000 nhà bị hư hỏng, khoảng 1.600ha lúa, hoa màu bị thiệt hại, hàng chục nghìn gia súc, gia cầm bị chết, nhiều héc-ta nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, nhiều đoạn quốc lộ, tỉnh lộ bị hư hỏng... Tổng thiệt hại của đợt mưa lũ vừa qua ước tính gần 460 tỷ đồng.

Quá trình tìm hiểu tại tỉnh Lai Châu, chúng tôi được biết: Hằng năm, địa phương đều có kế hoạch phòng, chống lũ quét, sạt lở đất trên toàn tỉnh; phổ biến, cảnh báo người dân trên địa bàn nhằm hạn chế thiệt hại từ thiên tai. Cùng với đó, các cơ quan chức năng của tỉnh đã có dự báo, cảnh báo nguy cơ mưa to và vùng sạt lở. Tuy nhiên, do đặc thù địa hình, người dân thường canh tác thâm canh theo mùa ở địa bàn vùng sâu nên công tác tuyên truyền gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, do phong tục, tập quán nên nhiều bản làng được xây dựng ven các dòng suối và đồng bào còn chủ quan khi có mưa lũ. Thậm chí, có những thôn, bản chính quyền địa phương đã xây dựng kế hoạch, phương án di dời các hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn, nhưng vì nhiều lý do, chính các hộ dân lại không muốn di chuyển. Theo khảo sát thực tế của các cơ quan chức năng, trên khu vực Tây Bắc hiện nay, hiện tượng sạt lở đất không chỉ xảy ra tại những vùng có người dân sinh sống, canh tác mà cả những khu vực rừng nguyên sinh. Thời gian tới, Tổng cục PCTT cảnh báo: Mưa trái mùa có thể diễn ra trên diện rộng, tần suất lớn và kéo dài nguy cơ gây ra lũ quét, sạt lở đất ở phạm vi rộng là rất lớn, đặc biệt ở một số khu vực của tỉnh Lai Châu... 

Theo Đại tá Hà Thọ Khương, Trưởng phòng Cứu hộ-Cứu nạn, Bộ Tham mưu Quân khu 2: Để phòng, chống lũ quét, sạt lở đất hiệu quả, giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, các tỉnh cần có kế hoạch sắp xếp, di dời dân cư ra khỏi những vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao kỹ năng ứng phó cho người dân, ứng dụng khoa học vào công tác cảnh báo, như lắp đặt thiết bị cảnh báo sớm tại những vùng có nguy cơ hoặc thường xuyên có sạt lở, lũ quét; xây dựng các công trình phòng, chống lũ…

Các địa phương cần xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể để di dời các hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn; khảo sát, kiểm tra, đánh giá và dự báo khả năng gây ngập lụt của nhà máy thủy điện, khu vực đập nước, ao hồ; tăng cường kiểm tra, đánh giá đúng các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ lụt, sạt lở, nhận định đúng nguyên nhân gây ngập úng cục bộ tại những địa bàn trọng điểm hay xảy ra mưa, lũ, nhất là những tuyến quốc lộ để chuẩn bị giải pháp xử lý. Về lâu dài, các cơ quan chức năng cần phối hợp với các địa phương tổ chức rà soát kỹ những khu vực dân cư, đánh giá sự tác động, ảnh hưởng của mưa lũ tới khu vực dân cư đang sinh sống, để xây dựng kế hoạch tổng thể về bố trí dân cư, bảo đảm vừa có tính dự báo về nhu cầu phát triển, vừa bảo đảm độ an toàn trên thực địa, mục đích là sắp xếp, bố trí lại dân cư theo hướng thuận lợi, an toàn, bền vững...

HÀ KHÁNH