Buổi đối thoại diễn ra khá cởi mở, dân chủ. Cách làm tuy không mới nhưng mang lại hiệu quả thiết thực đối với công tác đào tạo của nhà trường.

Lắng nghe và tiếp thu ý kiến đóng góp của sinh viên

Làm thế nào để lắng nghe được ý kiến và giải quyết những thắc mắc của sinh viên để góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo là mong muốn của nhiều cơ sở giáo dục đại học. Viện Đại học Mở Hà Nội cũng không nằm ngoài sự băn khoăn về những câu hỏi đó. Ngay từ những năm đầu thành lập, cách đây 25 năm, lãnh đạo viện đã tìm ra bài lời giải cho bài toán này.

leftcenterrightdel
Ban lãnh đạo Viện Đại học Mở Hà Nội trực tiếp lắng nghe, đối thoại với Sinh viên.

Thế nhưng, ban đầu chủ trương xây dựng các buổi đối thoại dân chủ của Viện Đại học Mở Hà Nội không nhận được sự đồng tình của một bộ phận giảng viên. Có người phản đối việc tổ chức đối thoại với sinh viên khi cho rằng: Sinh viên được công khai chất vấn giảng viên trước ban lãnh đạo viện là đi ngược lại với truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Tuy nhiên, theo TS Trương Tiến Tùng, Viện trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội, đây không phải là vấn đề khó nhất. Bởi cho đến thời điểm hiện tại, vấn đề này đã được tháo gỡ. Giảng viên trong viện đều xác định đây là kênh thông tin quan trọng để lắng nghe và hoàn thiện hơn công tác giảng dạy của mình.

Qua nhiều năm tổ chức, các vấn đề cũng dần được xử lý và tìm ra hướng đi cho mình. Không chỉ tổ chức đối thoại tập trung mà viện còn tiến hành thường xuyên với nhiều hình thức, cấp độ cả trực tiếp, trực tuyến, tin nhắn...

leftcenterrightdel
Sinh viên Viện Đại học Mở Hà Nội tham gia buổi đối thoại dân chủ với lãnh đạo Viện.

Kết quả giải quyết các vấn đề mà sinh viên đề cập trong năm học 2016-2017 được báo cáo công khai tại buổi đối thoại năm 2018 vừa diễn ra cho thấy hiệu quả của hoạt động này. Hầu hết các ý kiến của sinh viên đều được giải quyết. Ví như, việc đề xuất đi thực tế trong quá trình học tập, đầu tư trang thiết bị dạy học, kết nối với các cơ sở, doanh nghiệp để sinh viên có điều kiện thực hành… đều được viện đáp ứng. Trong năm học qua, từ những kênh khác nhau, các cấp tổ chức đối thoại đã có 7.528 lượt sinh viên tham gia ý kiến qua cả kênh trực tiếp và trực tuyến. Các ý kiến đều được phân loại, có hồi đáp hoặc chuyển tiếp lên cấp cao hơn để giải quyết.

Chia sẻ trách nhiệm giữa người dạy và người học

“Trách nhiệm thuộc về ai?” là câu hỏi mà không phải sinh viên nào cũng dám trực tiếp công khai nêu lên với giảng viên của mình hay với lãnh đạo của nhà trường. Thế nhưng, điều này lại có ở buổi đối thoại dân chủ trong sinh viên của Viện Đại học Mở Hà Nội. Ngoài những câu hỏi liên quan trực tiếp đến quyền lợi của sinh viên, quá trình học tập trong nhà trường, chương trình đào tạo… thì những câu hỏi khó cũng nhận được cái nhìn cởi mở và chia sẻ của lãnh đạo nhà trường.

Chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, TS Trương Tiến Tùng cho biết: “Những câu hỏi của sinh viên không chỉ là kênh để nắm bắt thông tin, mà qua các buổi đối thoại này còn rèn cho các em phương pháp phát biểu, thể hiện những đòi hỏi chính đáng của mình một cách dân chủ. Các buổi đối thoại dân chủ giữa lãnh đạo nhà trường với sinh viên ở Viện Đại học Mở Hà Nội trở thành hoạt động thường niên. Không chỉ lắng nghe, tiếp nhận tâm tư, nguyện vọng của các em mà lãnh nhà trường sẽ có ngay những phản hồi và thực hiện những đề nghị chính đáng của sinh viên”.

Các buổi đối thoại được tổ chức thường xuyên, liên tục theo mô hình chuỗi tăng cấp. Đầu tiên là ở cấp lớp, sau đó đến cấp khoa và cuối cùng là cấp trường. Các ý kiến ở cấp nào sẽ được cấp đó tiếp thu và giải quyết triệt để. Những ý kiến còn tồn đọng sẽ được chuyển lên cấp cao hơn để giải quyết. Ngoài đối thoại trực tiếp, các kênh thông tin của nhà trường và hệ thống ứng dụng trên điện thoại thông minh cũng được mở cả năm để tiếp nhận thông tin của sinh viên. Chính điều này đã tạo ra không khí dân chủ, cởi mở trong công tác đào tạo của toàn viện, đồng thời nêu cao trách nhiệm của cả lãnh đạo, giảng viên và sinh viên trong hoạt động đào tạo.

Sinh viên Nguyễn Thị Quyên, lớp K22-B5, Khoa tiếng Trung Quốc cho biết: “Tại các buổi đối thoại dân chủ này, chúng em được trực tiếp nêu lên các ý kiến đề xuất của mình với lãnh đạo cao nhất của nhà trường và được lãnh đạo lắng nghe, tiếp thu, giải đáp kịp thời, thỏa đáng. Vì vậy chúng em càng nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình trong học tập, rèn luyện và xây dựng nhà trường".

Bài và ảnh: DUY VĂN