Theo đánh giá, trong số các nước Đông Nam Á, nếu xét về tỷ lệ trên GDP, nợ công của Malaysia hiện chỉ đứng sau Singapore. Giảm nợ công, vực dậy nền kinh tế đất nước đang trong thời kỳ khó khăn được xem là một trong những thách thức lớn của chính phủ do Thủ tướng Mahathir Mohamad đứng đầu.

Trước đó, theo thông báo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Malaysia Lim Guan Eng, tổng nợ chính phủ của Malaysia, bao gồm các nghĩa vụ nợ liên quan đến Quỹ Đầu tư quốc gia 1MDB, đã lên tới hơn 1,09 nghìn tỷ Ringgit, tương đương 80% GDP. Con số này bao gồm cả nợ trực tiếp và nợ gián tiếp. Giải thích về sự chênh lệch giữa con số của chính phủ và hãng Moody’s này, ông Lim Guan Eng cho biết, con số mà Moody’s đưa ra là nợ trực tiếp.

leftcenterrightdel
Bộ trưởng Tài chính Lim Guan Eng phát biểu trong một sự kiện tại Petaling Jaya. Ảnh: Bloomberg.

Bộ trưởng Tài chính Lim Guan Eng cho biết, nếu mỗi ngày trả 1 triệu Ringgit, Malaysia cần tới 2.739 năm mới trả hết nợ. Vì vậy, người đứng đầu ngành tài chính Malaysia bày tỏ mong muốn người dân cho chính phủ mới thêm thời gian để thực hiện cam kết tranh cử vì phải tập trung vào mục tiêu trước mắt là ổn định tài chính quốc gia. Tuy nhiên, cắt giảm nợ công vẫn được coi là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính phủ mới ở Malaysia.

Dù mức nợ công được đánh giá là cao, nhưng hiện nay tốc độ tăng trưởng kinh tế của Malaysia vẫn khả quan nên nợ công ở quốc gia này được cho là đang trong khả năng kiểm soát. Giới chuyên gia cho rằng, chỉ cần kinh tế duy trì mức tăng trưởng hơn 5% là Malaysia có khả năng trả nợ. Ngân hàng Thế giới mới đây đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Malaysia năm 2018 từ 5% (mức dự báo đưa ra tháng 10-2017) lên 5,4%. Còn theo tổ chức Kenanga Research tại Malaysia, tăng trưởng kinh tế nước này năm 2018 có thể đạt 5,5% thay vì mức 5,1% đưa ra trước đó.

Trong nỗ lực đẩy mạnh cuộc chiến cắt giảm nợ công, ngay sau khi chính phủ mới lên nhậm chức, Thủ tướng Mahathir đã công bố áp dụng một loạt biện pháp như tinh giản 17.000 công chức, cắt giảm chi tiêu trong các cơ quan chính phủ và giảm các khoản phụ cấp cho công chức. Một số cơ quan hoạt động kém hiệu quả và không quan trọng cũng sẽ bị cân nhắc giải thể. Ngoài ra, chính phủ cũng rà soát lại các dự án đầu tư lớn không hiệu quả do chính phủ tiền nhiệm phê duyệt. Trong số này bao gồm dự án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Singapore-Kuala Lumpur. Dự tính việc này sẽ giúp giảm gần 1/5 nợ công của Malaysia.

Đáng chú ý, nỗ lực cắt giảm nợ công của chính phủ Malaysia có sự chung tay góp sức của cả người dân và các quan chức nước này. Trong tháng trước, chỉ một ngày sau khi chính quyền mới triển khai Quỹ Hy vọng để tiếp nhận sự đóng góp của người dân nhằm mục đích xử lý vấn đề nợ công, quỹ đã nhận được số tiền quyên góp gần 2 triệu USD.

Bộ trưởng Lim Guan Eng ca ngợi đây là một kỳ tích. “Người Malaysia đã đưa tình yêu nước của mình lên một tầm cao mới, sẵn sàng đóng góp tiền lương và tiền tiết kiệm của mình để xây dựng đất nước mà tất cả chúng ta đều yêu quý”, ông nhấn mạnh.

Số tiền mà người dân ủng hộ cho Quỹ Hy vọng được cập nhật hằng ngày trên trang web của Bộ Tài chính và mạng xã hội nhằm bảo đảm tính minh bạch.

Việc thành lập Quỹ Hy vọng ở Malaysia được truyền cảm hứng từ sáng kiến của nhà hoạt động 27 tuổi, cô Shazarina Bakti, người khởi xướng việc gây dựng một quỹ cộng đồng tương tự trên mạng. Theo nhà hoạt động này, trong quá khứ từng có việc người dân Malaysia quyên góp trang sức, tiền, vàng để ủng hộ giành độc lập từ người Anh. Và hiện nay cũng vậy, người dân lại chung tay để bảo vệ đất nước Malaysia.

Bộ trưởng Lim Guan Eng tin rằng “tinh thần hy vọng và đoàn kết này sẽ thúc đẩy chính quyền hoàn thành những cam kết với người dân”.

Trong nỗ lực chung, Quốc vương Malaysia Sultan Muhammad V cũng đã tự nguyện cắt giảm 10% mức lương hiện nay để ủng hộ chính phủ. Mức cắt giảm này sẽ duy trì đến khi ông kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2021. Trước đó, các bộ trưởng trong nội các mới cùng nhiều nghị sĩ của Malaysia cũng hành động tương tự khi quyết định cắt giảm 10% lương của mình nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách.

MAI NGUYÊN