Trong cuộc đàm phán giữa đảng CDU của Thủ tướng Angela Merkel và đảng CSU nhằm giải quyết những bất đồng về chính sách nhập cư trước đó, Bộ trưởng Horst Seehofer đã tự áp đặt thời hạn cho mình vào ngày 1-7 để chấp nhận thỏa thuận của Thủ tướng Angela Merkel với các nước thành viên thuộc Liên minh châu Âu (EU) nhằm hạn chế và giảm lượng người nhập cư, nếu không sẽ gây sức ép với bà Angela Merkel bằng việc tiến hành các biện pháp kiểm soát biên giới và không tiếp nhận tại biên giới Đức những người tị nạn đã đăng ký nhập cảnh vào một nước khác trong EU. 

leftcenterrightdel
Bộ trưởng Nội vụ Horst Seehofer. Ảnh: DW

Tuy nhiên, ông Horst Seehofer vẫn quyết định từ chức vì không đồng ý với cách thức xử lý vấn đề người tị nạn của nữ thủ tướng, cho dù bà Merkel đã đạt được thỏa thuận với EU về vấn đề này tại Hội nghị thượng đỉnh EU cuối tuần qua. Theo ông, những đề xuất mà bà Merkel đưa ra được cho là vẫn chưa thể giúp tìm ra lời giải cho cuộc khủng hoảng tị nạn mà nước Đức đang phải đối mặt. Ngày 1-7, phát biểu với báo chí sau cuộc họp của đảng CSU, ông Horst Seehofer cho biết, cuộc gặp với bà Angela Merkel trước đó một ngày là “vô ích và vô tác dụng”. Trước cuộc gặp này, ông đã có nhiều tuần nỗ lực nhưng bất thành trong việc thuyết phục nữ thủ tướng thay đổi quyết định về chính sách nhập cư. 

Căng thẳng trong nội bộ liên minh cầm quyền CDU/CSU leo thang khi Bộ trưởng Nội vụ Đức đe dọa sẽ thực hiện “kế hoạch tổng thể di dân” của ông mà không cần sự chấp thuận của Thủ tướng Angela Merkel. Đáp lại, nữ thủ tướng cảnh báo sẽ sa thải ông Horst Seehofer nếu ông này có hành động thách thức.

Giải thích cho quyết định từ chức của Bộ trưởng Nội vụ Horst Seehofer, giới phân tích cho biết, CSU của ông cũng đang phải đối mặt với thách thức từ phía đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) trong cuộc bầu cử bang Bavaria vào tháng 10 tới. Do đó, một lập trường cứng rắn về vấn đề người nhập cư được xem là cách hiệu quả nhất để tránh những thách thức của các nhà dân túy.

Ngoài ra, ông Horst Seehofer cũng không bằng lòng với bà Angela Merkel vì đã không tìm được một thỏa thuận toàn diện với EU, nên không đáp ứng được yêu sách của CSU đưa ra trước đó. Thỏa thuận đạt được với EU bao gồm các giải pháp như xây dựng trung tâm tiếp nhận người tị nạn ngoài biên giới EU hay các trại khép kín trên lãnh thổ EU, nhưng chỉ mang tính “tự nguyện” mà không bắt buộc nên khó tránh việc nhiều nước sẽ từ chối thực hiện. CSU cho rằng, nội dung thỏa thuận mà châu Âu vừa đạt được quá thiếu ràng buộc về pháp lý và cũng không đưa ra các biện pháp cụ thể và ngay lập tức. Vì thế, CSU muốn có một chính sách cứng rắn hơn.

Đảng CSU đã đe dọa có thể sẽ chấm dứt liên minh với đảng CDU của bà Merkel nếu không đáp ứng các yêu sách và khi đó, chính phủ Đức sẽ sụp đổ. Trong bối cảnh đó, liên minh cầm quyền của nữ Thủ tướng Angela Merkel đang phải đối mặt với một tương lai bấp bênh. Ông Horst Seehofer ra đi, CSU có thể đề cử một nhân vật khác vào vị trí Bộ trưởng Nội vụ nhằm giữ quan hệ liên minh với CDU. Nhưng ở khả năng khác, CSU cũng có thể chọn chấm dứt quan hệ đối tác kéo dài nhiều thập kỷ giữa hai đảng, khiến bà Angela Merkel mất đi thế đa số trong quốc hội, đẩy nước Đức vào cuộc khủng hoảng chính trị chưa từng có. 

Để thoát khỏi tình trạng này, Thủ tướng Angela Merkel có thể thành lập chính phủ thiểu số thông qua việc liên minh với đảng Xanh hoặc đảng Tự do dân chủ, hoặc tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm tại quốc hội và tổ chức bầu cử mới. 

Cho đến nay, chưa có dấu hiệu nào cho thấy đảng CDU sẽ nhượng bộ trước CSU trong việc lựa chọn ủng hộ giải pháp của EU về giảm số người nhập cư hay tiến hành biện pháp đơn phương. Tổng thư ký CDU Annegret Kramp-Karrenbauer nêu rõ, các lãnh đạo đảng này đều nhất trí ủng hộ chính sách nhân đạo và hiệu quả với các đối tác EU.

XUÂN PHONG