Hỗ trợ căn cơ

Ở thị xã ven biển Vĩnh Châu (Sóc Trăng), việc Đồn BP Vĩnh Hải đứng ra xây dựng, phối hợp triển khai các dự án tín chấp vay vốn ngân hàng hỗ trợ hộ nghèo phát triển kinh tế không còn là chuyện lạ. Giờ đây, phần việc này còn được cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng địa phương hiểu rõ và hết lòng ủng hộ.

Địa bàn quản lý của Đồn BP Vĩnh Hải gồm hai xã Vĩnh Hải và Lạc Hòa (thị xã Vĩnh Châu), có gần 8.160 hộ dân thuộc ba dân tộc: Kinh, Khmer và Hoa, trong đó dân tộc Khmer chiếm hơn một nửa số dân. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn vẫn còn hơn 15% dân số. Phần lớn hộ nghèo đều thiếu vốn, thiếu đất sản xuất, sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp và làm thuê.

leftcenterrightdel
Mô hình chăn nuôi dê tập trung giúp hộ nghèo phát triển kinh tế của Đồn Biên phòng Vĩnh Hải.

Từ năm 2008, Đồn BP Vĩnh Hải thực hiện dự án tín chấp vay vốn ngân hàng cho dân. Đội Vận động quần chúng (VĐQC) được giao nhiệm vụ làm các thủ tục giúp dân vay vốn, định hướng, giúp đỡ người dân sử dụng vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả và trực tiếp thu tiền vốn, lãi giao nộp lại ngân hàng. Để dự án đạt kết quả đề ra, cán bộ BP chú trọng công tác khảo sát, sàng lọc đối tượng, xác định rõ mục tiêu, quy mô phát triển kinh tế phù hợp với từng hộ gia đình. Sau khi thông qua cấp ủy, chính quyền địa phương và Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã, dự án mới chính thức được triển khai. Thiếu tá Tăng Văn Hùng, Phó đội trưởng Đội VĐQC, Đồn BP Vĩnh Hải, cho biết: ''Đối với những hộ nghèo được vay vốn phát triển kinh tế, chúng tôi phối hợp với các ban, ngành địa phương tổ chức cho họ tham gia đầy đủ các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; tham quan học tập mô hình làm ăn hiệu quả. Đội VĐQC cũng thường xuyên bám sát địa bàn, sẵn sàng hỗ trợ người dân về khoa học kỹ thuật; theo dõi, định hướng cách làm để mô hình đạt hiệu quả tốt nhất''.

Theo lãnh đạo Đồn BP Vĩnh Hải, từ năm 2008 đến nay đã có 3 dự án được triển khai, mỗi dự án kéo dài 3 đến 5 năm với 37 hộ nghèo tham gia, phần lớn trong số đó đều đã thoát nghèo bền vững. Riêng dự án triển khai giai đoạn 2011-2015, có 9 hộ tham gia thì 5 hộ đã vươn lên làm giàu, 4 hộ được xếp loại khá so với mặt bằng chung của địa phương. Điều đáng phấn khởi là trong quá trình triển khai các dự án, hầu như chưa từng xảy ra trường hợp nào người dân khất hoặc trễ, quá hạn việc hoàn vốn cho ngân hàng.

Chủ động tìm hướng giúp dân

Khoảng cuối năm 2017, 10 hộ nghèo tham gia dự án chăn nuôi dê tập trung của Đồn BP Vĩnh Hải vô cùng phấn khởi đón nhận thành quả lao động đầu tiên của mình: Từ 20 con dê ban đầu, đàn dê đã phát triển lên 60 con. Tập thể quyết định xuất bán 14 con dê trưởng thành, số tiền được chia lại cho các hộ nghèo và trang trải một số chi phí; hỗ trợ 8 con dê cho 4 hộ thuộc đối tượng người có công với cách mạng có hoàn cảnh khó khăn để phát triển kinh tế gia đình. Hiện nay, trong số 38 con dê còn lại có 20 con sắp sinh sản, dự kiến đàn dê sẽ có thêm 40 dê con (mỗi dê mẹ đẻ 2-3 dê con). Dự án chăn nuôi dê tập trung được triển khai từ tháng 8-2015, thời gian triển khai không thời hạn, do UBND thị xã Vĩnh Châu hỗ trợ. Ông Lâm Hon ở ấp Trà Sết (Vĩnh Hải) vui vẻ cho biết: ''Nhờ cách làm chặt chẽ của Đồn BP Vĩnh Hải và sự hỗ trợ nhiệt tình của cán bộ BP mà dân nghèo quê tôi có thêm thu nhập, từng bước thoát nghèo''. 

 Nhằm giúp dân thoát nghèo bền vững, đồng thời giữ được vốn, Đảng ủy, chỉ huy Đồn BP Vĩnh Hải đã nghiên cứu, đề xuất thực hiện dự án với mô hình chăn nuôi dê tập trung do đơn vị đảm trách nhưng có sự tham gia của 10 hộ nghèo được lựa chọn. Nguồn vốn không phải vay ngân hàng mà lấy từ vốn xóa đói giảm nghèo của địa phương. Dự án được UBND thị xã Vĩnh Châu phê duyệt với nguồn vốn ban đầu 150 triệu đồng. Để mô hình chăn nuôi dê tập trung bảo đảm thành công, tất cả các khâu kỹ thuật, cách chăm sóc, chọn giống… Đồn BP Vĩnh Hải đều cử cán bộ đảm trách. Cán bộ thuộc Đội VĐQC cùng một số người dân tham gia dự án còn được cử đi học các lớp kỹ thuật chăn nuôi dê; hằng ngày, đàn dê được cán bộ đơn vị phân công 10 hộ dân chăm sóc. “Với cách làm này, đơn vị đã hạn chế tối đa tình trạng hộ nghèo tự ý bán vật nuôi để lấy tiền tiêu xài. Chúng tôi xác định sẽ tiếp tục phát triển đàn dê, giúp hộ nghèo tham gia dự án có cho thu nhập ổn định; đồng thời đây cũng là nguồn giống để hỗ trợ các hộ nghèo khác trên địa bàn”-Trung tá Trương Minh Hùng, Chính trị viên Đồn BP Vĩnh Hải nói.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Nhiên, Phó chủ tịch Thường trực UBND thị xã Vĩnh Châu cho rằng, mô hình chăn nuôi dê tập trung của Đồn BP Vĩnh Hải bước đầu đem lại thành công, chứng minh tính thiết thực, hiệu quả. Thời gian tới, UBND thị xã Vĩnh Châu chỉ đạo ngành chuyên môn và UBND các xã, phường kết hợp với các đơn vị BĐBP trên địa bàn tiếp tục nhân rộng mô hình nhằm giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững.

Bài và ảnh: HỒNG HIẾU