Thiếu tướng Phạm Lâm Hồng, Cục trưởng Cục Khoa học quân sự chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo có các đồng chí: Chuẩn Đô đốc Phạm Hoài Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân chủng Hải quân; Thiếu tướng Đoàn Hoài Trung, Chính ủy Quân chủng Hải quân; các đại biểu tướng lĩnh, nhà khoa học và nhân chứng...

Mục đích của hội thảo, đánh giá toàn diện hoạt động tác chiến của Quân chủng Hải quân trên vùng biển, ven biển Cam-pu-chia trong giai đoạn 1978-1979; tập trung làm rõ hoạt động tác chiến đổ bộ đường biển Tà Lơn năm 1979; từ đó đề xuất hướng nghiên cứu, phát triển lý luận về chiến dịch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

leftcenterrightdel
Quang cảnh hội thảo.

Các ý kiến tham luận tại hội thảo đã tập trung làm rõ những hoạt động tác chiến, thành tích, chiến công của Quân chủng Hải quân trong giai đoạn 1978-1979 trên vùng biển, ven biển Cam-pu-chia. Đặc biệt làm rõ những yếu tố đặc trưng của nghệ thuật chiến dịch Việt Nam thể hiện trong hoạt động đổ bộ Tà Lơn. Đồng thời thông qua đó đề xuất hướng nghiên cứu, phát triển nghệ thuật chiến dịch đổ bộ đường biển nói riêng và nghệ thuật chiến dịch của Hải quân nói chung đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.

Tại hội thảo với nhiều góc nhìn khác nhau, các tham luận đều tập trung nghiên cứu, luận giải những vấn đề khác nhau về nghệ thuật quân sự, công tác bảo đảm, các mặt thể hiện trong hoạt động tác chiến của Quân chủng Hải quân, trên vùng biển, ven biển Campuchia, giai đoạn 1978-1979. Đặc biệt những vấn đề về nghệ thuật chiến dịch đổ bộ đường biển, những vấn đề về phát triển nghệ thuật quân sự, bảo đảm tác chiến của Quân chủng Hải quân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ SSCĐ và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trên hướng biển hiện nay.

Phát biểu kết luận hội thảo, Thiếu tướng Phạm Lâm Hồng khẳng đinh, kết quả của hội thảo có giá trị lớn về mặt khoa học, góp phần bổ sung, làm rõ các vấn đề về nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến tranh; đánh giá, nhìn nhận một cách khách quan sự kiện đã diễn ra cách đây 40 năm đúng với tầm vóc và ý nghĩa lịch sử, là cơ sở để tiếp tục giáo dục truyền thống vẻ vang của Quân đội ta nói chung. Hoạt động tác chiến giai đoạn này của Quân chủng Hải quân ghi một dấu mốc lịch sử trong sự phát triển của nghệ thuật quân sự nói chung, nghệ thuật chiến dịch Việt Nam nói riêng. Đó là, cùng với các loại hình chiến dịch binh chủng hợp thành của lục quân, chiến dịch phòng không, Quân đội ta đã tiến hành một chiến dịch đổ bộ đường biển, do hải quân làm nòng cốt trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam năm 1979. Đây chính là cơ sở thực tiễn để tiếp tục đề xuất hướng nghiên cứu bổ sung, phát triển lý luận nghệ thuật chiến dịch. Đặc biệt là phát triển lý luận nghệ thuật tác chiến của các lực lượng thuộc Quân chủng Hải quân trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Hội thảo tiếp tục ghi nhận những chiến công của quân đội, của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã chiến đấu, hy sinh, giúp nhân dân Cam-pu-chia giải phóng đất nước.

Tin, ảnh: DUY ĐÔNG