Địa bàn chiến dịch diễn ra trên các tỉnh Phước Long, Bình Long, một phần phía bắc tỉnh Bình Dương, Lâm Đồng, Bình Tuy, Long Khánh, Biên Hòa và Bà Rịa. Địa hình khu vực này phần lớn là rừng núi, đồn điền cao su rậm rạp kín đáo, nhiều khe suối, có một số khu vực đồng ruộng xen kẽ các trảng trống, bưng sình, một số trục đường giao thông (13, 14, 1A, 309, 310) có tính chất độc đạo, cây cối kín đáo ra tận mép đường, tiện cho ta phục kích đánh giao thông. Hai tỉnh Phước Long và Bình Long lại giáp Cam-pu-chia dài và nối liền với Tây Nguyên nên tiện cho ta ém quân và cơ động lực lượng. Về địch, lực lượng tuy đông nhưng ở hai tỉnh Phước Long và Bình Long chúng bố trí dàn mỏng từng khu vực, đặc biệt ở Phước Long, chi khu quân sự Phước Bình thế đứng chân bị cô lập, nhiều sơ hở, sĩ quan và binh lính rất chủ quan vì chưa bị ta đánh bao giờ. Lực lượng ta sử dụng trên hướng chủ yếu của chiến dịch (Đồng Xoài - Phước Long) 3 trung đoàn chủ lực (l, 2, 3), 1 tiểu đoàn địa phương, các đơn vị hỏa lực của Miền cùng dân quân du kích; trên hướng thứ yếu (đường 20 - Long Khánh) ta dùng 1 Trung đoàn 4 và các đơn vị địa phương.

leftcenterrightdel
Cán bộ Bộ tư lệnh Chiến dịch Đồng Xoài di chuyển vào vị trí tập kết. Ảnh tư liệu 

Trên cơ sở phân tích địa hình, thế bố trí của địch và mục đích chiến dịch đề ra, Bộ chỉ huy chiến dịch thực hiện cách đánh “đánh điểm, diệt viện”, nhưng đánh điểm là chi khu quân sự địch để câu viện, với yêu cầu phải đánh tiêu diệt. Kế hoạch cụ thể là đánh tiêu diệt chi khu quân sự Phước Bình và đột nhập, trụ lại một phần thị xã Phước Long để diệt viện binh trên đường số 2 (đoạn từ Phước Bình lên Phước Long). Để tiêu diệt lực lượng viện binh hiệu quả, ta đã xây dựng thế trận bao vây, chia cắt, bố trí, triển khai lực lượng bí mật, cơ động thuận lợi, đánh vào bên sườn, phía sau đội hình địch ra giải tỏa bằng cả đường bộ và đường không, nhằm hạn chế khả năng cơ động và phi pháo của địch. Phương châm: Đánh có chuẩn bị, chắc thắng, tiêu diệt gọn; bảo đảm bí mật, bất ngờ, đánh nhanh, giải quyết nhanh; hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng, tiêu diệt địch ngoài công sự là chính, kết hợp với phục kích, tập kích, chống càn, kỳ tập, chắc thắng thì đánh cường tập.

Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương cục, đêm 10-5-1965, ta nổ súng mở đầu chiến dịch và nhanh chóng tiêu diệt chi khu Phước Bình và chiếm một góc thị xã Phước Long, trận mở đầu chiến dịch thắng lợi như dự kiến. Sáng 11-5, địch dùng máy bay lên thẳng đổ 1 tiểu đoàn xuống phía bắc thị xã Phước Long, đưa 2 tiểu đoàn xuống phía nam Phước Bình. Lực lượng ta rút khỏi chi khu Phước Bình để cho địch chiếm lại, nhưng ta vẫn duy trì áp lực ở thị xã Phước Long để nhử địch từ Phước Bình lên. Đúng dự kiến, chiều 11-5, địch dùng máy bay lên thẳng “bốc” 1 tiểu đoàn từ Phước Bình lên Phước Long và 1 tiểu đoàn tiến theo đường bộ đi lọt vào trận địa phục kích của ta; nhưng bộ đội ta bỏ lỡ thời cơ tiêu diệt chúng. Đợt 1, từ ngày 10 đến 31-5, ta tâ%3ḅp trung tiến công địch khu vực Phước Bình-Phước Long, đã thành công về nghệ thuật câu viện bằng đánh đòn tiêu diệt một mục tiêu quan trọng là chi khu quân sự địch, trụ bám một góc thị xã, sau đó lại rút bỏ, tạo cho quân viện chủ quan khi tiến quân giải tỏa thị xã. Đợt 2, từ ngày 9 đến 20-6-1965, Quân ủy và Bộ chỉ huy Miền xác định khu vực địch quyết giữ là Chơn Thành, Đồng Xoài, thị xã Phước Long, Bình Long (An Lộc) và Bù Đốp và quyết định chuyển hướng tiến công xuống khu vực Đồng Xoài, tạo lập thế trận, lấy tiêu diệt chi khu quân sự Đồng Xoài là chính. Đợt 3, từ ngày 24-6 đến 22-7-1965, ta phân tán lực lượng đánh địch trên đường 13, đồng thời sử dụng lực lượng lớn đánh điểm, diê%3ḅt viê%3ḅn ở Bù Đốp.

 Qua 3 đợt chiến dịch, ta tiêu diệt 3 tiểu đoàn bộ binh, tiểu đoàn dù 7 và 1 chi đội thiết giáp của địch (gồm 4.459 quân, phá hủy 60 xe quân sự, 34 máy bay trực thăng, 6 đầu máy và 12 toa xe lửa, 390 súng, pháo, thu 1.652 súng, giải phóng 56.000 dân). Thắng lợi của chiến dịch đánh dấu bước phát triển mới về nghệ thuật quân sự của ta ở chiến trường miền Đông Nam Bộ những năm 1964-1965. Khẳng định sự kế thừa và phát triển cách đánh của chiến dịch tiến công từ trong kháng chiến chống Pháp: Nghệ thuật mở đầu và câu viện đã được nâng cao và vận dụng sáng tạo hơn; quan hệ giữa đánh điểm với diệt viện; đánh địch trong công sự và ngoài công sự đã được nâng lên một trình độ mới; vai trò của đánh điểm được thể hiện hai chức năng vừa câu viện vừa tiêu diệt sinh lực địch trong công sự vững chắc. Thành công từ nghệ thuật thực hiện cách đánh Chiến dịch Đồng Xoài là cơ sở để ta tiếp tục phát triển và vận dụng sáng tạo vào các chiến dịch giai đoạn tiếp sau, góp phần đánh bại Chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh”, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ thắng lợi hoàn toàn.

ĐÀO VĂN ĐỆ