Giải pháp chi phí thấp

Cuối thập niên 1950, công ty Northrop (nay là Northrop-Grumman) thiết kế ra một mẫu tiêm kích hạng nhẹ để giảm một phần chi phí duy trì các phi đội của không quân Mỹ và hướng đến thị trường xuất khẩu ở các nước Đông Nam Á, châu Phi và Mỹ Latinh.

Máy bay có định danh F-5, bắt đầu được không quân Mỹ đặt mua vào năm 1962. Năm 1965, 12 chiếc F-5 có mặt tại miền Nam Việt Nam để thực hiện các phi vụ ném bom miền Bắc và Lào.

Việc đưa F-5 vào tham chiến là động thái nhằm thúc đẩy Quốc hội Mỹ bán loại máy bay này cho các đồng minh và viện trợ cho chư hầu. F-5 có kích thước nhỏ, tầm bay ngắn, không phù hợp với học thuyết tác chiến sử dụng máy bay tầm xa của Mỹ khi đó, nhưng lại có giá thành rẻ và chi phí vận hành thấp hơn.

Trong hai năm 1969 và 1970, nhiều quốc gia đã nhanh chóng đưa F-5 vào biên chế không quân như Na Uy, Ethiopia, Iran, Philippines… Chính quyền Sài Gòn sử dụng nhiều nhất với 114 máy bay. Những chiếc F-5 này chỉ có nhiệm vụ ném bom mặt đất. Trong đó, có một phi vụ thành công xuất sắc khi đã ném bom vào giữa Sài Gòn. Ngày 8-4-1975, một chiếc F-5 với cờ hiệu Không lực Việt Nam cộng hòa ném bom trúng dinh Độc Lập, sau đó bắn tiếp một loạt đạn 20mm vào kho xăng Nhà Bè. Phi công lái chiếc máy bay đó là Nguyễn Thành Trung, người đảng viên hoạt động trong lòng địch. Ông hạ cánh xuống sân bay dã chiến Phước Long, bật dù hãm để giảm quãng đường hạ cánh xuống còn 1.000m thay vì 3.000m như yêu cầu tối thiểu.

Chính quyền Sài Gòn rúng động, hoang mang khi bị không kích bởi chính máy bay của mình và sự kiện này đã góp phần khiến Tổng thống ngụy Nguyễn Văn Thiệu quyết định chạy trốn đêm 25-4, chỉ 4 ngày sau khi tuyên bố “kề bên chiến đấu cùng anh em chiến sĩ”.

Khi chậm hơn lại tốt hơn

Địa hình rừng rậm và đồi núi ở Việt Nam khiến đa số hỏa lực chi viện bằng không quân của Mỹ rơi chệch mục tiêu hoặc rơi vào khu vực có dân thường. Khi đó, các máy bay có tốc độ bay chậm, độ cao thấp lại tỏ ra hiệu quả hơn do có thể cắt bom, phóng rocket chính xác hơn.

Nhắm tới nhiệm vụ trấn áp các lực lượng du kích chống Mỹ ở Việt Nam và Mỹ Latinh, vào năm 1962, Trung tâm Tác chiến đường không đặc biệt của Mỹ mua 2 máy bay huấn luyện T-37 để hoán cải thành cường kích hạng nhẹ. Để cải thiện tốc độ, tầm bay và tải trọng vũ khí, hai động cơ phản lực tương tự như trên tiêm kích F-5 được sử dụng, cánh máy bay được gia cố, có thêm bình xăng phụ ở hai đầu mút cánh.

Kết quả thử nghiệm cho thấy máy bay có thể mang 1,2 tấn vũ khí, dễ điều khiển và vận động tốt trong động tác bổ nhào tấn công. Ưu điểm lớn nhất của máy bay là tổ lái ngồi cạnh nhau, có thể cùng thao tác một bảng điều khiển và khi cần một phi công sẽ được thay bằng trinh sát viên cho nhiệm vụ do thám.

Phiên bản cường kích có định danh mới là A-37, được đưa đến Việt Nam vào năm 1967. A-37 nhanh chóng thể hiện là một máy bay rẻ, bền bỉ với đặc thù khí hậu Việt Nam. Chính quyền Sài Gòn nhận được 254 trên tổng số 577 máy bay A-37 các phiên bản. Trong đó, 5 chiếc đã trở thành “cánh quân thứ sáu” của Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Ngày 28-4-1975, biên đội A-37 cất cánh từ sân bay Thành Sơn (Phan Rang). Mỗi máy bay mang 4 quả bom 250 cân Anh (120kg) và 4 thùng dầu phụ, bay thẳng vào không phận Sài Gòn. Sân bay Tân Sơn Nhất của địch náo loạn khi hàng loạt vụ nổ liên tiếp xảy ra và trên bầu trời xuất hiện bóng dáng máy bay Mỹ. Đòn đánh là hiệu lệnh tiến công giải phóng Sài Gòn, đồng thời vô hiệu hóa hàng chục máy bay địch, làm tê liệt sân bay, chặn đứng khả năng sử dụng không quân của quân ngụy. Toàn bộ 5 chiếc A-37 sau đó quay trở lại sân bay Thành Sơn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

ĐĂNG SƠN