Tham dự buổi gặp mặt báo chí có các đồng chí: Phạm Văn Linh, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, đồng Trưởng Ban chỉ đạo cuộc thi, Chủ tịch Hội đồng chấm chung khảo; Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Ủy viên Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân, đồng Trưởng Ban tổ chức cuộc thi; Nguyễn Văn Hùng, hàm Vụ trưởng Vụ Báo chí Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương, đồng Trưởng Ban tổ chức cuộc thi; Đại tá Kiều Bách Tuấn, Tổng biên tập, Giám đốc Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, đồng Trưởng Ban tổ chức cuộc thi; đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí của Trung ương và Hà Nội.

Mở đầu chương trình, đồng chí Phạm Văn Linh đã công bố 21 tác phẩm đoạt giải trong Cuộc thi lần thứ 9. Nhiều tác phẩm tham gia cuộc thi đã phát hiện, tôn vinh những cựu chiến binh, cán bộ, chiến sĩ Quân đội, luôn gương mẫu, tiên phong trên các lĩnh vực công tác, như: Huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, nghiên cứu khoa học, công tác dân vận, giúp địa phương xây dựng cơ sở chính trị, xóa đói giảm nghèo...

leftcenterrightdel
Thiếu tướng Phạm Văn Huấn phát biểu tại buổi gặp mặt báo chí. Ảnh: KHÁNH HUYỀN.

Thay mặt Ban tổ chức cuộc thi, Thiếu tướng Phạm Văn Huấn giới thiệu nội dung kỷ niệm 10 năm phát động Cuộc thi và Chương trình giao lưu- nghệ thuật với chủ đề “Khắc sâu lời Bác dạy” và phát động Cuộc thi viết "Những tấm gương bình dị mà cao quý" lần thứ 10 và Lễ trao giải Cuộc thi lần thứ 9.

Thiếu tướng Phạm Văn Huấn khẳng định, so với những năm trước, số lượng tác giả, tác phẩm gửi tham dự cuộc thi năm nay nhiều hơn. Các bài viết được đăng tải trên tất cả các ấn phẩm của Báo QĐND. Các tác phẩm đã đi sâu vào tình hình thực tế của xã hội để phản ánh những tấm gương bình dị mà cao quý. Trong đó có tác phẩm “Ba cô giáo trên đỉnh Lùng Cúng” của nhà báo, Thiếu tá Đặng Thu Hà (tác giả Đặng Thu Hà). Tác phẩm này đạt giải Nhất Cuộc thi viết "Những tấm gương bình dị mà cao quý" lần thứ 9. Tác giả đã phải mất nhiều ngày lặn lội đến vùng “4 không” (không điện, không nước sạch, không sóng điện thoại, không trạm y tế), đó là bản Lùng Cúng (xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái) để thực hiện bài viết.

Nói về nét mới của cuộc thi, Thiếu tướng Phạm Văn Huấn cho biết, Cuộc thi viết "Những tấm gương bình dị mà cao quý" lần thứ 9 đã tăng thêm số lượng giải và giá trị của giải thưởng. Trong Cuộc thi lần thứ 10, Ban tổ chức định hướng tăng cường các nội dung, bài viết. Nhân vật xuất hiện trong các tác phẩm tham dự cuộc thi sẽ đa dạng hơn, trong đó có các nhà nghiên cứu khoa học, những nhân vật đang đảm nhận những vị trí quan trọng trong các lĩnh vực... Ban tổ chức quyết định thực hiện Chương trình giao lưu- nghệ thuật “Khắc sâu lời Bác dạy”. Chương trình sẽ giới thiệu 10 năm Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý”, trong đó có các phóng sự, các bài hát quen thuộc của các tập thể, cá nhân đồng hành cùng Báo QĐND. Ban tổ chức sẽ tri ân một số cơ quan, đơn vị, cá nhân đã đồng hành cùng Báo QĐND, như: Đài Truyền hình Việt Nam, Nhà hát Lớn Hà Nội, Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt Xô, Nhà hát Âu Cơ, các nghệ sĩ, ca sĩ... đã tham gia chương trình. Các nhân vật giao lưu trong chương trình sẽ kể lại những việc làm bình dị mà cao quý của họ. Dự kiến, Ban tổ chức sẽ mời các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự chương trình. 70 đại biểu đồng hành với Báo Quân đội nhân dân trong 10 năm qua cũng sẽ có mặt trong chương trình. Ngoài ra, các nhà báo: Hà Đăng, Phan Quang... sẽ tham gia giao lưu trong chương trình.

Tại buổi gặp mặt báo chí, Đại tá Kiều Bách Tuấn đã giới thiệu 14 tập sách viết về “Những tấm gương bình dị mà cao quý”. Cuộc thi này có sức lan tỏa rộng, khẳng định sự nỗ lực và sáng tạo trước hết khởi đầu từ Báo QĐND. Nhà xuất bản QĐND đã tuyển chọn những bài viết tiêu biểu để in thành sách “Những tấm gương bình dị mà cao quý”. Tập 14 “Những tấm gương bình dị mà cao quý’’ bao gồm 25 bài viết với những tấm gương mới, việc làm cao quý mới góp thêm vào 13 tập sách trước đó. Qua 14 tập sách, những tấm gương trên báo đã đi vào tủ sách của mỗi nhà, của cộng đồng để vinh dự của mỗi tấm gương không chỉ dừng lại ở mỗi bài báo mà được lưu giữ trong mỗi trang sách, góp phần động viên họ tiếp tục phấn đấu.

leftcenterrightdel
Đại tá Kiều Bách Tuấn giới thiệu 14 tập sách viết về “Những tấm gương bình dị mà cao quý” . Ảnh: Trọng Hải

leftcenterrightdel
Đại tá Kiều Bách Tuấn trao tặng sách cho Ban tổ chức. Ảnh: Trọng Hải

Trong 10 năm từ khi phát động cuộc thi viết lần thứ nhất (tháng 4-2008), đến nay, Ban tổ chức cuộc thi đã nhận được gần 4.000 tác phẩm của các tác giả chuyên nghiệp và không chuyên trong cả nước; đã lựa chọn đăng tải gần 1.500 tác phẩm trên các ấn phẩm của Báo QĐND, tạo được sức lan tỏa và ảnh hưởng trong xã hội.

Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 9 (2017-2018), do Báo QĐND, Vụ Báo chí-Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương), Nhà xuất bản QĐND và Tổng công ty Cổ phần dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC) phối hợp tổ chức. Ban Tổ chức đã nhận được gần 200 tác phẩm, phản ánh, tôn vinh các tập thể, cá nhân tiêu biểu; những tấm gương người tốt, việc tốt, bình dị mà cao quý, có sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội, tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ban tổ chức đã lựa chọn, đăng tải 149 tác phẩm trên các ấn phẩm của Báo QĐND. Hội đồng chấm chung khảo, trong đó có các nhà báo có uy tín như: Hà Đăng, Hồng Vinh…đã lựa chọn 21 tác phẩm xuất sắc nhất để Ban tổ chức cuộc thi quyết định trao giải, gồm: 1 giải Nhất; 2 giải Nhì; 3 giải Ba và 15 giải Khuyến khích. Nhà xuất bản QĐND đã lựa chọn các tác phẩm tham gia cuộc thi lần thứ 9, xuất bản tập sách thứ 14 “Những tấm gương bình dị mà cao quý”, thuộc tủ sách “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Chương trình giao lưu- nghệ thuật “Khắc sâu lời Bác dạy” và Lễ trao giải Cuộc thi lần thứ 9 là dịp gặp gỡ, tôn vinh các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải; các tấm gương, điển hình tiêu biểu được phát hiện, phản ánh qua 9 cuộc thi; các tập thể, cá nhân đã đồng hành, đóng góp tích cực vào thành công của cuộc thi viết trong 10 năm qua. Đó là các đồng chí trong ban tổ chức, ban giám khảo; đại diện lãnh đạo các đơn vị truyền thông, nghệ thuật…; các nghệ sĩ, ca sĩ đã nhiều năm tham gia biểu diễn tại lễ tổng kết, trao giải cuộc thi viết và chương trình giao lưu-nghệ thuật... Cùng với tôn vinh các tác giả, tấm gương bình dị mà cao quý, chương trình có các phóng sự sinh động, các tác phẩm nghệ thuật đặc sắc ca ngợi Đảng, Bác Hồ, đất nước và Quân đội anh hùng…với sự biểu diễn của các nghệ sĩ, ca sĩ: NSND Quang Thọ, NSND Thu Hiền, NSƯT Hồng Hạnh, ca sĩ Anh Thơ… và Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội.

Lễ tổng kết, trao giải Cuộc thi viết lần thứ 9 và Chương trình giao lưu-nghệ thuật với chủ đề “Khắc sâu lời Bác dạy” được tổ chức vào 20 giờ 30 phút, ngày 8-6, tại Nhà hát Lớn, Hà Nội, được truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam; ghi hình và phát trên chương trình video của Báo QĐND điện tử. Tại lễ trao giải, Ban tổ chức tiếp tục phát động Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 10 (2018-2019). 

leftcenterrightdel
Đại tá Đỗ Phú Thọ, Phó Tổng biên tập Báo QĐND thay mặt Ban tổ chức cuộc thi tiếp nhận sự hỗ trợ từ PGS.TS Trần Ngọc Lương, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương, để xây nhà tình nghĩa tặng người nghèo. Ảnh: Trọng Hải

21 tác phẩm đoạt giải Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 9 (2017-2018)

Sau hai vòng chấm sơ khảo và chung khảo, Hội đồng giám khảo đã lựa chọn 21 tác phẩm xuất sắc nhất để Ban Tổ chức trao giải, gồm: 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba, 15 giải khuyến khích.

Giải nhất được trao cho tác phẩm: “Ba cô giáo trên đỉnh Lùng Cúng” (tác giả Đặng Thu Hà); 2 giải nhì gồm: “Tiếng gọi từ trái tim người mẹ” (tác giả Nguyễn Thu Hoài); “Nữ "thuyền trưởng" giỏi ở xã điển hình nông thôn mới” (tác giả Hà Anh-Thanh Năm); 3 giải ba gồm: “Dấu ấn anh Bộ đội Cụ Hồ ở Trung Phi” (tác giả Phạm Kiên-Hoàng Linh); “Kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp mang tên “Dr Trần Ngọc Lương” (tác giả Việt Phương-Lê Hiền); “Nhân nghĩa và khát vọng giúp nông dân thoát nghèo” (tác giả Nguyễn Minh Hiếu-Nguyễn Kiên Thái); 15 giải khuyến khích gồm: “Chàng học sinh nghèo và 2 tấm Huy chương Vàng Olympic” (tác giả Trần Văn Bình); “Website Lietsi.com và ước mơ của Lê Công Thành” (tác giả Hoàng Liên Việt); "Người thầy nơi thâm sơn cùng cốc" (tác giả Nguyễn Viết Lam); “Kỹ sư" Mao của đồng bào Khơ Mú” (tác giả Hoàng Khánh Trình); “Hơn cả một giáo viên, cô là niềm cảm hứng…” (tác giả Huy An-Phương Linh); "Bà giáo hết lòng “gieo chữ” cho trẻ thiểu năng” (tác giả Thúy An); “Người xây những cây cầu yêu thương” (tác giả Lê Hữu Trưởng); “Nghị lực của nữ thủ khoa hai lần giành học bổng Kova” (tác giả Nguyễn Văn Công); “Thầy giáo thương binh “trồng người” bằng tay trái” (tác giả Hương Dịu); “Tấm lòng nhân ái thắp lửa yêu thương” (tác giả Vũ Duy); “Nhà khoa học của nhà nông” (tác giả Đoàn Văn Nam); “Khởi nghiệp từ tình yêu với con gái nhỏ” (tác giả Hoàng Trường Giang); “Ông chủ của “sân khấu tình thương” (tác giả Phan Thu Sa); “Người bác sĩ trọn đời vì dân bản” (tác giả Ngọc Thịnh); “Ông "thần nông" ở Hồng Quang” (tác giả Tô Văn Binh). Ban Tổ chức cuộc thi viết tặng giấy khen cho 1 tác giả.

 

Thể lệ Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 10 (2018-2019)

Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 10 (2018-2019), do Báo Quân đội nhân dân (QĐND), Vụ Báo chí-Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương), Nhà xuất bản QĐND và Tổng công ty Cổ phần dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC), thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam phối hợp tổ chức.

Ban tổ chức Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” trân trọng kính mời các cơ quan báo chí, các phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên… trong và ngoài quân đội hưởng ứng, tham gia cuộc thi, gửi tác phẩm gửi về Ban tổ chức để đăng tải và tham dự chấm giải.

Đối tượng dự thi: Công dân Việt Nam đang sinh sống làm việc trong và ngoài nước, các tác giả chuyên nghiệp và không chuyên trên mọi miền đất nước. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều bài dự thi; khuyến khích các tác giả ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Thể loại tác phẩm dự thi: Bút ký, phóng sự, phóng sự điều tra, bài phản ánh, ghi chép. Mỗi tác phẩm không quá 2.500 chữ và phải có ảnh đi kèm.

Nhân vật trong bài viết phải là người thật, việc thật, có địa chỉ cụ thể. Bài viết chưa được đăng tải hoặc phát sóng trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các loại ấn phẩm. Những tấm gương được phản ánh thuộc thời kỳ đổi mới (từ năm 1986 đến nay).

Các tác phẩm có chất lượng được Ban tổ chức lựa chọn đăng trên các ấn phẩm của Báo Quân đội nhân dân để đưa vào chấm giải, xét trao giải và được lựa chọn in trong bộ sách “Những tấm gương bình dị mà cao quý”.   

Thời hạn nhận tác phẩm: Từ ngày 1-3-2018 đến hết tháng 2-2019 (theo dấu bưu điện hoặc ngày chuyển email). Nhuận bút trả theo quy định hiện hành.

Giải thưởng: Có 21 giải thưởng, gồm: 1 giải nhất (tiền thưởng 30.000.000 đồng); 2 giải nhì (tiền thưởng mỗi giải 20.000.000 đồng); 3 giải ba (tiền thưởng mỗi giải 15.000.000 đồng); 15 giải khuyến khích (tiền thưởng mỗi giải 3.000.000 đồng).

Tác phẩm tham gia cuộc thi xin gửi về: Tòa soạn Báo Quân đội nhân dân; địa chỉ: Số 7 Phan Đình Phùng, Hà Nội; điện thoại quân sự: (069). 696.526; điện thoại dân sự: (043)7471029; email: tktshanoi@gmail.com; fax: (043) 7474913, hoặc gửi trực tiếp đến: Phòng Biên tập Công tác Đảng, công tác chính trị, Báo Quân đội nhân dân; điện thoại quân sự: (069). 696.514; điện thoại dân sự: (043)7478610; email: chinhtriqdnd@yahoo.com.vn; Báo Quân đội nhân dân Điện tử; điện thoại 0437.471.748; email: dientubqd@gmail.com.

Tác giả có tác phẩm dự thi đề nghị ghi rõ họ, tên, địa chỉ nơi cư trú, số điện thoại hoặc email (nếu có). Bài viết gửi qua đường bưu điện, ngoài phong bì ghi rõ: Bài dự thi Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý”.

KHÁNH HUYỀN