Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết: Để cải thiện việc tiếp cận giao thông đối với NKT, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật, ngành GTVT và các địa phương đã và đang thực hiện chính sách miễn, giảm giá vé cho NKT khi tham gia vận tải hành khách công cộng. Các địa phương vẫn duy trì tốt các tuyến vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng sàn thấp và cầu nâng phục vụ NKT. Tại các ga đường sắt có đông hành khách đều bố trí cửa vé ưu tiên phục vụ NKT. Hành khách là NKT khi lên, xuống tàu đều được nhân viên trên, dưới ga trợ giúp, sắp xếp hành lý, chỗ ngồi thuận lợi... Tất cả các hãng hàng không đã thực hiện giảm giá vé 15% cho NKT. Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã trang bị bổ sung thêm 20 xe hỗ trợ NKT.

leftcenterrightdel
Người khuyết tật cần được tạo điều kiện trong tiếp cận, sử dụng phương tiện giao thông. 

Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Dũng nhận định, hiện nay cơ chế, chính sách trợ giúp NKT vẫn chủ yếu tập trung vào việc miễn giảm giá vé cho NKT, chưa chú trọng đến nội dung đào tạo, tập huấn kỹ năng cho những người trực tiếp hỗ trợ NKT, như nhân viên lái xe, nhân viên bán vé xe buýt, nhân viên tại các nhà ga, tiếp viên hàng không...  Ông Đinh Việt Anh, đại diện Hội Người mù Việt Nam cho biết, đối với người mù do khó xác định xe buýt nào đang đến nên khó lên được đúng chuyến xe mình cần. Việc nhờ người xung quanh đôi lúc bị mất thời gian dẫn đến không lên kịp, nhiều khi không có người xung quanh để hỏi. Ngoài ra, người khiếm thị thường đi chậm hơn nên đôi khi chưa kịp lên thì xe buýt đã đi mất hoặc bị chen lấn, xô đẩy...

Còn theo ông Phạm Hoài Chung, Giám đốc Trung tâm Phát triển giao thông đô thị và nông thôn (Viện Chiến lược và Phát triển GTVT), hạ tầng giao thông đường bộ tiếp cận cho NKT của các quốc gia phát triển trên thế giới rất hiện đại, tiện nghi. Những tiêu chuẩn, quy chuẩn về xây dựng các công trình công cộng như đường phố, vỉa hè, hầm, cầu, bến xe buýt… được tuân thủ chặt chẽ trong quá trình xây dựng và sau khi đưa vào sử dụng. Đây là những bài học kinh nghiệm quý trong quá trình từng bước nâng cao khả năng tiếp cận của NKT với hạ tầng GTVT nói chung và hạ tầng giao thông đường bộ nói riêng ở Việt Nam.

Việt Nam đặt mục tiêu từ nay đến năm 2020, tất cả các công trình công cộng, bao gồm trụ sở làm việc của cơ quan hành chính Nhà nước, trường học, bệnh viện, nhà ga, bến tàu, nơi vui chơi giải trí… phải bảo đảm để NKT có thể tiếp cận được. Tuy nhiên, để NKT hòa nhập được cuộc sống cộng đồng, sử dụng được các phương tiện giao thông công cộng thì cần có các quy định ưu tiên cụ thể và đổi mới thiết kế phương tiện cho phù hợp.

Bài và ảnh: DIỆP CHÂU