leftcenterrightdel
Các diễn giả phát biểu, trao đổi ý kiến tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, PGS, TS Trần Thị Vân Hoa, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định: Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sự kết hợp chặt chẽ của hệ thống kết nối số hóa-vật lý-sinh học với sự đột phá của internet kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo, Blockchain và điện toán đám mây… đã và đang có tác động mạnh mẽ đến các quốc gia trên tất cả các lĩnh vực. Cùng với đó là sự ra đời của hàng loạt công nghệ mới ứng dụng trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng (Fintech) đã và đang đem lại nhiều cơ hội cũng như thách thức cho hệ thống ngân hàng nước ta trong thời kỳ hội nhập. Việt Nam có những điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận với cách mạng công nghiệp 4.0 do cơ cấu dân số trẻ, trình độ học vấn và khả năng tiếp cận các dịch vụ công nghệ mới của người dân nước ta đạt mức khá so với các nước trên thế giới.

Thời gian qua, nhiều ngân hàng Việt Nam đã bước đầu ứng dụng những ưu việt của công nghệ 4.0 để tạo nên các sản phẩm dịch vụ vượt trội như: Dịch vụ ngân hàng tự động LiveBank của Ngân hàng TMCP Tiên Phong. Dịch vụ này giúp mở tài khoản chỉ cần lấy dấu vân tay với công nghệ sinh trắc học nhằm tăng cường tính bảo mật và quy trình vận hành tự động cùng công nghệ OCR (nhận dạng ký tự quang học). Ngoài ra có thể kể đến Ngân hàng số Timo ứng dụng công nghệ Chat Bot mới nhất từ mạng xã hội Facebook vào dịch vụ chăm sóc khách hàng hay các ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phục vụ người dùng trong lĩnh vực ngân hàng số như T’Aio trên Facebook Fanpage…

Tuy nhiên, việc phát triển lĩnh vực ngân hàng số ở nước ta vẫn còn tồn tại nhiều bất cập: Quy định pháp lý và sự điều chỉnh của cơ quan quản lý không theo kịp công nghệ mới nên làm chậm phát triển ứng dụng công nghệ cao và dịch vụ ngân hàng số; có thể gây nên rủi ro pháp lý cho các ngân hàng hoặc Fintech khi triển khai các ứng dụng công nghệ mới; chi phí đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ ngân hàng số rất lớn… Nhằm phát huy lợi thế và hạn chế những bất lợi mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại cho lĩnh vực tài chính-ngân hàng trong thời gian tới, các chuyên gia đưa ra những khuyến nghị với các ngân hàng thương mại như: Lựa chọn các cách thức hợp tác phù hợp và tận dụng lợi thế của Fintech; sử dụng Fintech để tập trung vào thị trường khách hàng bán lẻ và thử nghiệm trong các lĩnh vực khó hơn như tài trợ thương mại quốc tế; đảm bảo chất lượng dịch vụ cao, an toàn, chi phí hợp lý, xây dựng niềm tin với khách hàng…

Tin, ảnh: NGUYỄN ANH VIỆT