leftcenterrightdel
Thượng tá Nguyễn Mạnh Hùng. 

Phóng viên (PV): Ra đời năm 1986, đúng vào thời điểm đất nước bước vào thời kỳ đổi mới với nhiều khó khăn, thách thức. Để trở thành một thương hiệu của ngành than hôm nay, Công ty 86 hẳn phải có “bí quyết” để đứng vững, phát triển?

Thượng tá Nguyễn Mạnh Hùng: Đơn vị ra đời ngày 10-11-1986 đúng thời điểm kinh tế đất nước cực kỳ khó khăn, mọi sự đầu tư ban đầu rất hạn chế. Công ty chỉ có gần 100 cán bộ, chiến sĩ còn thiếu kinh nghiệm khai thác mỏ. Quy mô lúc đó chỉ là xí nghiệp, thiếu cán bộ kỹ thuật, trang thiết bị; chưa kể mỏ đơn vị được cấp phép khai thác lại nằm ở vùng đồi núi heo hút, tài liệu mỏ cũng chưa đầy đủ… Tuy nhiên, với truyền thống “khó khăn nào cũng vượt qua” của Bộ đội Cụ Hồ, công ty đã biến khó khăn thành cơ hội. Trong lúc nhiều doanh nghiệp vốn quen với cơ chế bao cấp chật vật khi chuyển sang cơ chế mới thì công ty xác định được ngay từ đầu nhiệm vụ của mình trong thời kỳ mới của đất nước nên bắt nhịp tương đối tốt. Ngay sau đó, những tấn than đầu tiên được khai thác, sàng tuyển, chế biến, đưa vào thị trường...

PV: Những thành tích đó chắc chắn đã khích lệ rất lớn tinh thần cán bộ, chiến sĩ khi ấy, góp phần làm nên những thành quả của Công ty 86 sau này?

Thượng tá Nguyễn Mạnh Hùng: Từ những ngày đầu gian khó ấy, công ty đã vững vàng phát triển, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước, của vùng mỏ anh hùng. 5 năm đầu tiên, công ty sản xuất được 200.000 tấn than, doanh thu đạt hơn 50 tỷ đồng, lợi nhuận đạt hơn 1 tỷ đồng; 5 năm tiếp theo đạt 320.000 tấn than, doanh thu đạt hơn 80 tỷ đồng, lợi nhuận đạt hơn 4 tỷ đồng. Tại thời điểm sáp nhập về Tổng công ty Đông Bắc, Công ty 86 là một trong những đơn vị có tài sản và vốn lớn nhất. Tiếp tục chuỗi tăng trưởng không ngừng, giai đoạn 2011-2015, công ty đạt sản lượng 2.786.000 tấn than, doanh thu đạt 2.649 tỷ đồng (gần gấp 3 lần so với 5 năm trước đó), lợi nhuận đạt 31,9 tỷ đồng (gấp gần 3,7 lần so với 5 năm trước đó), nộp ngân sách Nhà nước đạt 387,9 tỷ đồng (gấp 6,5 lần so với 5 năm trước đó). Sản lượng khai thác hằng năm của công ty đều chiếm 12-15% sản lượng khai thác của toàn Tổng công ty Đông Bắc. 

leftcenterrightdel
Kiểm tra cột chống trong khai thác hầm lò của công ty tại mỏ Nam Khe Tam. 

PV: Để đạt được kết quả như vậy, ngoài yếu tố con người không thể thiếu yếu tố công nghệ?

Thượng tá Nguyễn Mạnh Hùng: Từ năm 1994, lãnh đạo, chỉ huy công ty đã sớm nhận thức trữ lượng khai thác than lộ thiên sẽ vơi dần nên chủ động “đón đầu” công nghệ khai thác than hầm lò và cử cán bộ đi học công nghệ khai thác mới. Nhờ vậy, từ năm 1994, công ty chuyển sang khai thác than hầm lò, đến năm 2016 sản lượng khai thác hầm lò là 100%. Công ty 86 chính là đơn vị đầu tiên của Tổng công ty Đông Bắc đưa công nghệ khai thác than hầm lò bằng lò chợ cột chống thủy lực đơn thay thế công nghệ khấu buồng, chống bằng cột gỗ năm 2003. Năm 2005, công ty đầu tư máy đào lò AM50Z, máy khoan Tamdok, máy xúc lật hông, khai thác lò chợ bằng giá ZH, GK. Đặc biệt, năm 2007, đơn vị được Tổng công ty Đông Bắc phê duyệt dự án mở rộng “Nâng công suất mỏ Nam Khe Tam” với dự toán đầu tư 1.100 tỷ đồng. Khi triển khai thực hiện, công ty tiết kiệm được 300 tỷ đồng so với dự toán cho Nhà nước. Từ dự án này, nhiều công nghệ mới được công ty đưa vào khai thác, đạt công suất thiết kế 500.000-600.000 tấn/năm. Năm 2015, công ty tiếp tục đầu tư công nghệ khai thác than hầm lò mới bằng giá di động XDY thay thế các công nghệ trước, đưa năng suất lao động khai thác than hầm lò tăng từ 3,5 tấn/người/ca lên 6,2 tấn/người/ca. Vận tải than trong lò cũng được chuyển sang sử dụng hệ thống máng cào, băng tải. Công ty cũng đồng bộ hóa toàn bộ hệ thống sàng, tuyển, rửa để chế biến sâu sau sản xuất, nâng cao chất lượng, góp phần giảm chi phí, tăng giá trị sản phẩm than.

PV: Công ty phát triển từ “thuở ban đầu” còn khiêm tốn trở thành một thương hiệu uy tín của ngành than Việt Nam. Bước vào thời kỳ hội nhập sâu rộng hiện nay, Công ty 86 đã chuẩn bị cho mình những gì để không bị “hụt hơi” trong hội nhập với kinh tế thế giới?

Thượng tá Nguyễn Mạnh Hùng: Cùng với việc triển khai và thực hiện nghiêm các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội XII, Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ X..., công ty sẽ tập trung phát huy mọi tiềm năng, lợi thế; ưu tiên đầu tư phát triển kiến thức, kỹ năng chuyên môn cho cán bộ, chiến sĩ, công nhân; chú trọng đầu tư ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại, đồng bộ vào sản xuất để nâng cao năng suất lao động, tạo giá trị sản phẩm cao, giúp doanh thu, lợi nhuận của công ty luôn đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Công ty cũng sẽ đổi mới cơ chế quản lý cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ; thực hiện công tác khoán quản trị chi phí giá thành theo từng công đoạn đến các công trường, phân xưởng có sự điều tiết tập trung của công ty để giúp công ty phát triển bền vững, hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, huấn luyện quân sự mà Tổng công ty Đông Bắc, Bộ Quốc phòng giao.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

CHIẾN THẮNG (thực hiện)