Để GMS không phải là “một phép cộng cơ học”

Là khu vực rộng lớn, với số dân 340 triệu người, bao gồm 5 quốc gia: Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và hai tỉnh: Vân Nam, Quảng Tây của Trung Quốc, nếu tính tổng quy mô kinh tế của tất cả, thì GMS là một “nền kinh tế” có quy mô GDP lên đến hơn 1.300 tỷ USD. Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, điều này cho thấy nếu các quốc gia, các đối tác dù nhỏ, tiềm lực hạn chế khi liên kết, hợp tác chặt chẽ với nhau trong khuôn khổ chung GMS sẽ tạo ra một khu vực kinh tế chung, một thị trường chung, mang lại sức mạnh cộng hưởng to lớn, mở ra rất nhiều cơ hội cho phát triển kinh tế.

leftcenterrightdel
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Phiên toàn thể. Ảnh: TRỌNG HẢI.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, khu vực GMS đang trỗi dậy với tất cả quyết tâm, tiềm năng và sức mạnh của mình, góp phần tăng thêm gam màu tươi sáng của bức tranh phát triển cả châu lục, đang trở thành một động lực tăng trưởng quan trọng của toàn cầu trong thế kỷ 21. Vì vậy, một tầm nhìn mới cho hợp tác GMS trong tương lai sau năm 2022, đó là một tiểu vùng Mê Công kết nối, hội nhập, phát triển bền vững, thịnh vượng và hài hòa cần được định hình ngay từ lúc này. “Để hiện thực hóa tầm nhìn và để GMS không phải là một phép cộng cơ học của các nền kinh tế thành viên, chúng ta cần tập trung cải cách thể chế pháp luật, phát triển hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực, phát triển thị trường nội địa; thúc đẩy các hoạt động thương mại xuyên biên giới; tiếp tục đẩy mạnh việc tham gia vào những nấc giá trị cao hơn trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu thông qua các khuôn khổ hợp tác kinh tế và thương mại tự do. Bên cạnh đó, ngoài vai trò kiến tạo phát triển của các chính phủ, chính quyền các cấp, vai trò chất xúc tác và hỗ trợ của các định chế quốc tế như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB) thì nhóm hành động không ai khác hơn chính là cộng đồng doanh nghiệp”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới và môi trường phát triển đang có chuyển đổi sâu sắc, GMS phải có những động lực mới cạnh tranh mạnh mẽ hơn cho sự phát triển của mình. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, GMS cần tiếp tục giữ được bản sắc riêng, một cơ chế hiệu quả nhằm cộng hưởng được sự quyết tâm và nỗ lực từ tất cả các bên để tạo nên nguồn lực mới giải quyết các khác biệt. Mỗi nền kinh tế thành viên cần tạo dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi, để giải phóng mọi nguồn lực tiềm năng, sức sáng tạo của các doanh nghiệp, người dân. “Phải chăng đó chính là nguồn lực mới và cũng là nền tảng cho thành công của hội nhập, liên kết kinh tế quốc tế khu vực, thu hút sự hỗ trợ của các đối tác phát triển quốc tế và các nguồn lực từ bên ngoài khác dành cho khu vực GMS và Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam (CLV) của chúng ta?”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu vấn đề.

Mô hình không còn là “lợi thế so sánh”

Trong phát biểu của mình, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha và Phó tổng thống Myanmar U Henry Van Thio cùng chia sẻ quan điểm cho rằng, mô hình phát triển kinh tế dựa vào tài nguyên thiên nhiên và lao động giá rẻ đã không còn là “lợi thế so sánh” đối với các nước thành viên GMS.

leftcenterrightdel
Các đại biểu tham dự Phiên toàn thể. Ảnh: TRỌNG HẢI.

Theo Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen, GMS cần mở rộng không gian hợp tác kinh tế cả chiều rộng lẫn chiều sâu, trong đó chú trọng vào thương mại điện tử xuyên biên giới. Trong khi đó, nhấn mạnh đã đến lúc phải tìm kiếm động lực tăng trưởng kinh tế mới cho khu vực, Phó tổng thống Myanmar U Henry Van Thio cho rằng, khoa học công nghệ và doanh nghiệp tư nhân chính là “chìa khóa”. “Sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế về lâu dài trong khi tiến bộ khoa học công nghệ lại cần thiết để tăng trưởng kinh tế bền vững”, Phó tổng thống Myanmar U Henry Van Thio nhận định.

Chia sẻ quan điểm với Phó tổng thống Myanmar U Henry Van Thio, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith nhấn mạnh thêm rằng, để xây dựng một khu vực GMS thịnh vượng, cần bảo đảm sự phát triển bền vững và hài hoà. Tăng trưởng nhanh nhưng phải gìn giữ, bảo vệ môi trường sinh thái và nguồn tài nguyên thiên nhiên. “Các hoạt động kinh doanh phải coi trọng mục tiêu bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp”, Thủ tướng Thongloun Sisoulith nêu rõ.

Chủ nghĩa bảo hộ chỉ đem lại “trái đắng”

Nhấn mạnh chủ nghĩa bảo hộ là đi ngược lại lịch sử và chỉ đem lại “trái đắng”, Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị khẳng định, Bắc Kinh cam kết hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển của GMS. Ông nêu rõ sự phát triển và tương lai của Trung Quốc gắn chặt với sự phát triển và tương lai của GMS. Dẫn câu tục ngữ “bán anh em xa mua láng giềng gần”, Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị cho rằng, trong khi các quốc gia láng giềng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của Trung Quốc thì “các bạn cũng chính là các nước được hưởng lợi đầu tiên và nhiều nhất”. “Chúng tôi muốn thúc đẩy quan hệ đối tác hữu hảo với các nước trong khu vực GMS, sẵn sàng làm sâu sắc hơn lòng tin chính trị giữa các quốc gia để sự phát triển của mỗi quốc gia chính là hạnh phúc của người dân”, ông Vương Nghị nhấn mạnh.

Trong khi đó, đánh giá trong 25 năm qua, khu vực đã đạt được những tiến bộ vượt bậc về tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo và phát triển xã hội, Chủ tịch ADB Takehiko Nakao bày tỏ lạc quan rằng, GMS sẽ tận dụng được những cơ hội mà các công nghệ mới mang lại để tăng trưởng nhanh và bền vững. “ADB cam kết hỗ trợ mạnh mẽ giúp GMS phát triển, cũng như thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân trong nỗ lực này”, ông Takehiko Nakao khẳng định.

Diễn đàn Thượng đỉnh Kinh doanh Tiểu vùng Mê Công mở rộng là sáng kiến quan trọng của Việt Nam, lần đầu tiên được tổ chức nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh GMS và Hội nghị Cấp cao hợp tác khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam (CLV). Sáng kiến này đã nhận được sự đồng thuận của các nước thành viên GMS, sự ủng hộ của các đối tác ADB, WB, ASEAN... thu hút sự tham gia đông đảo của gần 2.600 nhà đầu tư, doanh nhân trong và ngoài khu vực. Diễn đàn là dịp để lãnh đạo các nước GMS, lãnh đạo các tổ chức quốc tế và khu vực, đại diện các đối tác phát triển, giới doanh nghiệp và học giả chia sẻ quan điểm về các vấn đề phát triển then chốt của khu vực GMS, cũng như thảo luận về biện pháp tăng cường hợp tác giữa các bên liên quan.

HOÀNG VŨ