Hiện nay, tình trạng ô nhiễm không khí không chỉ diễn ra ở các đô thị lớn mà nhiều địa phương trên cả nước cũng đang vướng phải, bởi khí thải từ các làng nghề, khu công nghiệp. Nhiều người dân khi ra đường phải sử dụng khẩu trang như “vật bất ly thân” nhằm tránh tiếp xúc trực tiếp với khói, bụi. Không khí ô nhiễm, đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất là người già và trẻ em. Ông Đặng Văn Đường, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Bắc Ninh cho biết, ô nhiễm không khí tại các làng nghề đang là vấn đề lo ngại của Bắc Ninh hiện nay. Không khí ở các làng nghề thủ công mỹ nghệ thường bị tác động xấu bởi khí SO2 phát sinh từ quá trình xử lý chống mốc cho các sản phẩm, bụi phát sinh từ quá trình gia công sản phẩm. Ở các làng nghề sản xuất mây, tre đan thì tình trạng ô nhiễm xảy ra do phải sử dụng lưu huỳnh khi sấy nguyên liệu… hoặc khi vào vụ thu hoạch lúa, tình trạng người dân đốt rơm, rạ vẫn còn rất phổ biến.
Khói bụi do người dân đốt rơm, rạ ở huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội.
Theo kết quả điều tra của Ngân hàng Thế giới (WB), ở rất nhiều nước, nhất là những nước đang phát triển như Việt Nam, tình trạng ô nhiễm không khí đang ngày càng phổ biến, gây hậu quả nặng nề đối với sức khỏe người dân, từ đó ảnh hưởng tới năng suất lao động, gây thiệt hại cho nền kinh tế. Cụ thể, theo tính toán của WB thì tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí tại Việt Nam có thể gây thiệt hại tới 5% GDP/năm. Tại các thành phố lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có những mẫu không khí có mật độ số hạt bụi siêu nhỏ (PM 2.5) trong một mét khối không khí là 60 microgam/m3, cao hơn so với mức tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Đánh giá của Bộ TN&MT cho thấy, hệ thống chính sách về quản lý và bảo vệ chất lượng không khí, phòng chống ô nhiễm không khí của nước ta hiện còn thiếu đồng bộ và chưa thực sự hiệu quả. Một số biện pháp để quản lý không khí sạch đã được nêu trong Chiến lược phát triển bền vững, Chiến lược bảo vệ môi trường, Luật Bảo vệ môi trường và một số văn bản khác. Tuy nhiên, các quy định này chủ yếu mới mang tính định hướng chứ chưa được triển khai áp dụng hiệu quả trong thực tế. Khung chính sách và pháp luật về không khí sạch còn thiếu; chưa có cách tiếp cận tổng hợp để quản lý chất lượng không khí. Mặt khác, hệ thống quan trắc môi trường không khí hiện vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Bên cạnh đó, cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin về kiểm soát ô nhiễm giữa các bộ, ngành, giữa cơ quan Trung ương và địa phương vẫn còn hạn chế.
Để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí không phải chuyện "một sớm một chiều". Bà Nguyễn Thị Lệ Thu, cán bộ môi trường của WB cho biết, WB sẽ tiếp tục đồng hành cùng Cục Kiểm soát ô nhiễm, Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) để xây dựng một số chính sách về quản lý chất lượng không khí. Cũng theo bà Nguyễn Thị Lệ Thu, một số công việc phải làm trước tiên là: Quan trắc hàm lượng bụi, chất lượng không khí; kiểm kê khí thải; xác định nguồn thải; xác định những tác động đến sức khỏe do ô nhiễm không khí... Ngoài ra, WB sẽ tiếp tục phối hợp cùng Bộ TN&MT xây dựng và thực hiện những cơ chế chính sách trong việc đổi mới hệ thống quản lý chất lượng không khí, để đạt mục tiêu giảm hàm lượng bụi siêu nhỏ trong không khí của những tỉnh, thành phố lớn trên cả nước.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho rằng, các tỉnh, thành phố trên cả nước phải tập trung vào trọng điểm, có hiệu quả trong việc kiểm soát chất lượng không khí. Trong năm 2017 phải kiểm kê được lượng khí thải của các cơ sở, nhà máy nhiệt điện, xi măng, thép, phân bón hoặc các làng nghề, khu dân cư... Sắp tới, Bộ TN&MT sẽ tham mưu với Chính phủ để sửa đổi nhiều nghị định trong lĩnh vực quản lý môi trường; kịp thời hoàn thiện, ban hành các thông tư, quy chuẩn quản lý chất lượng không khí. Bên cạnh đó, Bộ TN&MT cũng cần có sự phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xây dựng, đổi mới hệ thống, chính sách nhằm kiểm soát lượng khí thải từ các phương tiện giao thông, các cơ sở sản xuất... nhằm giảm tác động từ ô nhiễm không khí.
Bài và ảnh: LÊ HIẾU