Đa dạng loại hình vận tải hành khách, kết nối du lịch

Tuyến buýt đường sông số 1 từ bến Bạch Đằng (quận 1) đến bến Linh Đông (quận Thủ Đức) do Công ty TNHH Thường Nhật làm chủ đầu tư, được nghiên cứu và triển khai từ năm 2010. Toàn tuyến có 5 tàu, mỗi tàu 80 chỗ; có chiều dài 10,8km với 12 bến, trong đó 9 bến chính thức và 3 bến bổ sung. Thời gian đi từ điểm đầu đến điểm cuối mất khoảng 30 phút (thời gian đón, trả khách 3 phút), giá vé 15.000 đồng/lượt/khách.

Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh cho rằng: Việc đưa vào hoạt động tuyến vận tải HKCC đường thủy góp phần rất lớn trong bài toán “giải cứu” ùn tắc đường bộ, kết nối, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch đường thủy nội địa của TP Hồ Chí Minh. 

leftcenterrightdel
Buýt đường sông đón khách ở bến Bạch Đằng, quận 1, TP Hồ Chí Minh. 

Thời gian qua, thành phố đã quy hoạch phát triển 4 tuyến buýt đường sông, vừa phục vụ vận chuyển hành khách, vừa kết hợp với các loại hình du lịch đường sông. Sau khi vận hành tuyến số 1, Sở GTVT sẽ triển khai tuyến số 2 dài 10,3km với lộ trình từ bến Bạch Đằng đến bến Lò Gốm (quận 6). TP Hồ Chí Minh hiện có hơn 1.000km sông, kênh, tuy nhiên vẫn chưa khai thác được vận tải HKCC bằng đường thủy. Thành phố phấn đấu đến năm 2020, loại hình vận tải HKCC sẽ đáp ứng 20% nhu cầu của người dân, trong đó xe buýt và taxi ước chiếm 17%; 3% còn lại là loại hình vận tải như metro và buýt đường sông.

Theo ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật: Công ty đầu tư buýt đường sông là mong góp sức cùng với thành phố hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng với 3 loại hình: Metro, xe buýt đường bộ và buýt đường sông. Với địa hình kênh rạch đi qua nhiều quận huyện, địa bàn trung tâm, việc phát triển buýt đường sông tạo nhiều thuận tiện và chọn lựa cho người dân của thành phố.

Trong buổi khai trương, lãnh đạo thành phố và nhiều hành khách đều cho rằng loại hình vận tải này khá thuận tiện, lịch sự, hầu như không bị ùn tắc và mang lại cảm giác thư giãn cho mọi người khi đi trên sông nước. Nó không chỉ mang ý nghĩa về sự di chuyển mà còn mang dấu ấn của sự khám phá và thưởng thức.

Cần tăng tính kết nối và thu hút người dân

Nhằm khai thác hiệu quả tuyến buýt đường sông đầu tiên, ngành GTVT TP Hồ Chí Minh đã thực hiện các giải pháp tăng cường tính kết nối với buýt đường sông như: Điều chỉnh hàng loạt tuyến xe buýt, tại các trạm của tuyến buýt đường sông đều có bãi giữ xe; đề xuất mở thí điểm 3 tuyến xe điện kết nối với tuyến xe buýt để khai thác du lịch, phục vụ khách du lịch từ bến tàu đến các địa điểm du lịch nổi tiếng như: Chợ Bến Thành, Nhà hát Thành phố, phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1) và một số khu vực trên địa bàn quận 2. 

Các tuyến xe buýt được Sở GTVT thành phố điều chỉnh lộ trình, bổ sung thêm các trạm dừng trên tuyến xe buýt số 43 (Bến xe Miền Đông-phà Cát Lái); tuyến xe buýt 44 (cảng quận 4-Bình Quới) và tuyến số 89 (Trường Đại học Nông Lâm-Trường THPT Hiệp Bình). Cụ thể, tuyến 43 bổ sung thêm trạm dừng xe buýt trên đường 21, cạnh vị trí bến tàu thủy Bình An. Tuyến 44 bổ sung thêm 3 trạm dừng ở Trường Tiểu học Thanh Đa và công viên Thanh Đa (cùng trên đường Thanh Đa) và đường số 3, cạnh bến tàu Thanh Đa. Tuyến xe buýt 89 cũng bổ sung thêm 2 trạm dừng tại Trường Mầm non Hiệp Bình Chánh và Trường Tiểu học Hiệp Bình Chánh.

leftcenterrightdel
Hành khách trải nghiệm buýt đường sông miễn phí trong ngày đầu tiên vận hành. 
leftcenterrightdel
Buýt đường sông cập bến Bình Quới trong ngày đầu tiên vận hành chính thức. 

Nhằm thu hút người dân tham gia buýt đường sông, ngay sau ngày vận hành chính thức, đơn vị chủ đầu tư đã có chính sách miễn phí vé trong 10 ngày đầu tiên. Bên cạnh đó, ngành GTVT và chủ đầu tư còn tích cực tuyên truyền, quảng bá dịch vụ trên các phương tiện thông tin đại chúng và những hình thức khác.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, chính sách ưu tiên, miễn giảm cần tính toán mang tính dài hạn, toàn diện hơn để khuyến khích, thu hút người dân tham gia loại hình buýt đường sông vốn rất mới mẻ này. Chị Nguyễn Hồng Trâm ở quận Tân Bình nêu kiến nghị: Các thông tin liên quan đến buýt đường sông, luồng tuyến cần được phổ biến rộng rãi để người dân biết và tham gia gắn với nhu cầu đi lại của mình. Việc bán vé cần tính toán đến các hình thức giảm giá nếu mua vé tháng, vé năm… để người dân thấy lợi ích và tiết kiệm khi chọn lựa phương tiện vận tải công cộng.

Tham gia trải nghiệm buýt đường sông ngày đầu tiên vận hành, kiến trúc sư Khương Văn Mười, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho rằng: Buýt đường sông đáng lẽ cần được triển khai sớm hơn, vì TP Hồ Chí Minh là đô thị có đặc thù nhiều kênh rạch. Điều đáng lo nhất là chủ đầu tư khi triển khai loại hình này chưa được trợ giá vé, mức giá vé thấp khó thu hồi vốn. Để phát triển hiệu quả tuyến đầu tiên và các tuyến buýt đường sông theo quy hoạch, chính quyền thành phố cần có những hỗ trợ cụ thể trong việc tăng cường kết nối với các loại hình giao thông, đẩy mạnh tuyên truyền và có chính sách thu hút người dân tham gia.

Phát triển mô hình vận tải hành khách bằng đường sông là sự đột phá của TP Hồ Chí Minh. Thời gian tới, cần phát triển buýt đường sông thành mạng lưới với nhiều luồng tuyến, sát với nhu cầu đi lại của người dân. Bên cạnh đó cần đổi mới cung cách, thái độ phục vụ của nhân viên, hạn chế tiếng ồn của phương tiện, tổ chức bến bãi hợp lý sẽ là những yếu tố giúp buýt đường sông được người dân quan tâm, lựa chọn. Hoàn thiện dịch vụ tốt sẽ tăng tính cạnh tranh và tạo được niềm tin của người dân, tránh tình trạng người dân đi một lần rồi quay lưng khiến dự án bị lãng phí, rơi vào khó khăn.

Trao đổi với người dân ở một số đô thị lớn trong cả nước, chúng tôi được biết rất nhiều người mong muốn hình thức buýt đường sông được phát triển rộng rãi để giảm tải cho vận tải hành khách đường bộ, góp phần hạn chế nạn tắc đường, đồng thời có thêm cơ hội để phát triển du lịch của các địa phương. 

Bài và ảnh: ĐẶNG TRUNG KIÊN