Trái sầu riêng giá 500.000 đồng

Mặc dù vào cuối vụ nhưng “sức nóng” về giá sầu riêng vẫn đang được người dân Đắc Lắc xôn xao bàn tán. Theo khảo sát, hiện trên địa bàn Tây Nguyên, sầu riêng DONA cơm vàng hạt lép có giá thu mua tại vườn cao kỷ lục, từ 75.000 đến 80.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với năm trước. Người nông dân thu lãi tiền tỷ trên mỗi héc-ta sầu riêng.

Tại vựa thu mua sầu riêng trên địa bàn huyện Krông Păk của ông Lê Bình có khoảng 15 công nhân đang tích cực đóng gói, chất sầu riêng lên các xe container để xuất ra thị trường nước ngoài tiêu thụ. Một nông dân mang đến đại lý hai quả sầu riêng chín rụng, có trọng lượng hơn 13kg, với giá 75.000 đồng/kg, tổng cộng, anh có khoảng gần 1 triệu đồng.

Ông Bình nhận xét, sầu riêng Đắc Lắc nổi tiếng thơm ngon, chất lượng tốt, được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến nên tiêu thụ mạnh. Qua gần hai tháng, đại lý của ông thu mua 800 tấn sầu riêng hạt lép của hơn 30 hộ nhà vườn. Năm nay, do sầu riêng của Thái Lan mất mùa dẫn đến khan hàng, giá nhập vào cao, nhiều hộ dân trồng sầu riêng hết sức phấn khởi. Chị Đinh Thị Ngà, xã Ea Yông, huyện Krông Păk trồng 80 cây sầu riêng xen canh trên một héc-ta cà phê. Năm 2017, chị thu được 24 tấn với giá thu mua 42.000/kg tại thời điểm đầu mùa. Sau khi trừ chi phí, chị lãi gần một tỷ đồng. Trung bình mỗi cây sầu riêng nhà chị Ngà cho thu hoạch hơn 300kg quả, nhiều quả nặng hơn 10kg. Như vậy, mỗi cây sầu riêng có thể cho thu hoạch khoảng 14 triệu đồng.

Có kinh nghiệm trồng cây sầu riêng lâu năm nên ông Lê Trung Hiệp, xã Ea Yông thường áp dụng kỹ thuật để cây ra trái muộn, giá bán sẽ cao hơn. Với 500 cây sầu riêng được trồng xen canh trong 4ha cà phê, năm 2016, ông thu được 100 tấn. Do thời tiết thất thường thời gian qua, nên năm 2017 vườn nhà ông chỉ cho thu hoạch được 50 tấn, nhưng với giá bán 80.000 đồng/kg, gia đình ông cũng thu lãi gần 4 tỷ đồng.

leftcenterrightdel
Cán bộ kỹ thuật Công ty Cà phê 15 (Quân khu 5) hướng dẫn nông dân xã Cư Dliê M'nông, huyện Cư M'gar thu hoạch bơ Booth.

Bơ Booth mất mùa, được giá

Là giống bơ nhập từ Mỹ, được trồng khảo nghiệm tại Tây Nguyên từ năm 2002 đến nay. So với các loại bơ khác, bơ Booth có đặc điểm vượt trội, cây sinh trưởng khỏe, cho thu hoạch muộn từ tháng 9 đến tháng 12. Đây là loại bơ thịt dày, vàng, dẻo, nhưng béo vừa, không xơ, rất được người tiêu dùng ưa chuộng.

Nhận thấy giá trị cao của cây bơ Booth, anh Nguyễn Phi Khanh, ở thị trấn Phước An, huyện Krông Păk đã trồng gần 200 cây bơ xen canh với cà phê. Nhờ áp dụng hệ thống tưới và bón phân nhỏ giọt, năm 2016, vườn bơ của anh cho thu hoạch 5 tấn bơ lứa đầu tiên, với giá 70.000 đồng/kg, anh thu về hơn 350 triệu đồng. Anh Khanh chia sẻ: "Năm 2017 vừa qua, do thời tiết bất ổn nên sản lượng bơ chỉ đạt 2 tấn, nhưng bù lại quả to và đẹp, được thương lái tới thu mua với giá 60-80.000 đồng/kg". Anh Nguyễn Văn Ngọc, ở thị trấn Phước An, huyện Krông Păk trồng 50 cây bơ Booth từ năm 2010, đến năm 2017, bơ Booth cho thu hoạch lứa thứ hai được 10 tấn, anh thu về hơn 600 triệu đồng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Quốc Thích, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắc Lắc, cho biết: “Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 2.400ha bơ, 2.800ha sầu riêng, chủ yếu trồng xen canh trong các vườn cà phê và hồ tiêu. Ngày 25-12-2013, UBND tỉnh Đắc Lắc đã ban hành Quyết định số 2729/QĐ-UBND về quy hoạch và định hướng phát triển cây sầu riêng, cây bơ trên địa bàn tỉnh đến năm 2020; trong đó, quy hoạch diện tích cây bơ 10.000ha, cây sầu riêng 10.000ha. UBND tỉnh cũng định hướng cho người nông dân phát triển hai loại cây trên theo tiêu chuẩn VietGAP để hướng tới xuất khẩu; kêu gọi các công ty, doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến bơ và sầu riêng trên địa bàn tỉnh Đắc Lắc. Khi mục tiêu trên trở thành hiện thực, mô hình trồng xen bơ, sầu riêng trong rẫy cà phê, hồ tiêu sẽ mở ra hướng phát triển nông nghiệp đa cây, đa con bền vững, không chỉ giúp nông dân thoát nghèo mà có thể làm giàu ngay trên mảnh đất của gia đình mình.

Bài và ảnh: THẾ PHONG - BÌNH ĐỊNH