Tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch

Với mục tiêu có thêm 200.000 DN trong giai đoạn 2016-2020, hai năm qua, Hà Nội đã không ngừng triển khai các nhóm giải pháp hỗ trợ DN trong suốt quá trình từ khi khởi nghiệp đến các hoạt động sau khởi sự kinh doanh. Khâu đột phá được TP Hà Nội lựa chọn là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, nhất là trong các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến DN, như: Đăng ký kinh doanh, thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội... Nhiều thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung; những thủ tục rườm rà, không cần thiết được bãi bỏ, giúp người dân, DN giảm bớt thời gian, công sức khi thực hiện.

Sau hơn 1 năm thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, các cơ quan, đơn vị thành phố đã tiếp nhận hơn 8,5 triệu hồ sơ thủ tục hành chính. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn là 98,93%. Tỷ lệ đăng ký kinh doanh qua mạng hiện nay đạt xấp xỉ 100%, tỷ lệ DN kê khai thuế điện tử đạt hơn 98%... Bên cạnh đó, thành phố cũng tăng cường đối thoại DN, khai trương và vận hành Vườn ươm DN công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo và Cổng thông tin khởi nghiệp; hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn tín dụng, ngân hàng, cam kết cho vay theo chương trình kết nối Ngân hàng-DN với số vốn lên tới gần 400 nghìn tỷ đồng.

Đánh giá hiệu quả của những giải pháp này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, nhờ có môi trường đầu tư thông thoáng, Hà Nội đã có sự tăng trưởng vượt bậc về số lượng DN khởi nghiệp và thu hút đầu tư. Năm 2017, thành phố cấp giấy chứng nhận đăng ký DN cho hơn 25.100 đơn vị, tăng 11% so với năm 2016, nâng tổng số DN trên địa bàn lên hơn 231.000 DN. Đáng chú ý, năm 2017, thành phố chấp thuận 160 dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách vốn đăng ký khoảng 110.000 tỷ đồng; thu hút vốn FDI khoảng hơn 3,356 tỷ USD, tăng 3,7% so với kết quả thu hút FDI năm 2016.

leftcenterrightdel
Công ty Cổ phần Tập đoàn Thạch Bàn, Hà Nội đã đưa nhiều máy móc tự động hóa vào quy trình sản xuất.

Đưa các sản phẩm tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu

Năm 2017 được đánh giá là năm khởi sắc của cộng đồng DN Thủ đô. Tuy nhiên theo phản ánh của DN, hiện nay vẫn còn tồn tại khoảng cách giữa chính sách và thực thi. Việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính đã được triển khai ở nhiều cấp nhưng không ít thủ tục hành chính vẫn liên quan đến nhiều sở, ngành nên việc giải quyết hồ sơ còn chậm. Việc tiếp cận nguồn lực cho sản xuất kinh doanh như tín dụng, đất đai, thị trường...; tình hình hoạt động của các DN vẫn còn nhiều khó khăn: Số DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trên địa bàn trong năm 2017 là 4.409 DN, tăng 12% so với năm 2016. Số DN giải thể là 1.129 DN (tăng 12% so với năm 2016).

Theo ông Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa (DNNVV) Hà Nội, 98% DN của Thủ đô là DNVVN. Quy mô nhỏ, khả năng cạnh tranh kém, chưa có chiến lược kinh doanh cụ thể, chưa xác định được khách hàng mục tiêu và chưa có tài sản thế chấp để thuyết phục khách hàng cũng như nhà đầu tư. Bởi vậy, DN vẫn mong muốn Chính phủ và chính quyền thành phố có nhiều giải pháp mạnh mẽ hơn nữa. Cụ thể, các khu công nghiệp cần được xây dựng để trở thành trung tâm kết nối các DN có vốn đầu tư nước ngoài và DNNVV; khuyến khích khởi nghiệp đi đôi với việc phát triển các dịch vụ hỗ trợ DN. “Đặc biệt, Nhà nước cần cho phép dùng giá trị quyền sử dụng đất để góp vốn liên doanh với các tổ chức và cá nhân nước ngoài, giảm phí tiền sử dụng và chuyển mục đích sử dụng đất, giảm phiền hà trong thủ tục đất đai”-ông Mạc Quốc Anh đề xuất.

Chia sẻ với khó khăn của DN, song theo nhiều ý kiến, bên cạnh việc đón nhận sự hỗ trợ, tiếp sức từ cơ chế, chính sách, nếu DN không tự thân đổi mới và chủ động vươn lên, đồng nghĩa với việc DN khó có thể tồn tại. DN cần thay đổi tư duy nhận diện đối tác. Đó là, chú trọng nâng cao sản phẩm, đáp ứng chất lượng tiêu chuẩn cao chứ không thể chờ họ ưu tiên hợp tác. DN chuyển dần cạnh tranh về giá sang phương thức cạnh tranh phi giá như: Tiêu chuẩn, chất lượng, mẫu mã, dịch vụ sau bán hàng, các giá trị gia tăng.

Lắng nghe ý kiến từ cộng đồng DN, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, thành phố sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để cộng đồng DN tăng tốc, bứt phá mạnh mẽ hơn nữa. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND thành phố đề nghị các DN cần chủ động bắt nhịp các chuẩn mực của khu vực và quốc tế; nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn của khu vực và các nước tiên tiến, đưa các sản phẩm tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Các DN cần nâng cao nhận thức, chủ động trang bị kiến thức, tìm hiểu sâu về hội nhập quốc tế, từ đó tận dụng cơ hội, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Ngoài ra, cần tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các DNNVV với các DN lớn thành chuỗi giá trị để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm Việt.

Bài và ảnh: VŨ DUNG