Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, để thực hiện được các mục tiêu phát triển đất nước nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng, cần phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bao gồm cả cộng đồng 4,5 triệu kiều bào ta ở nước ngoài. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành, địa phương, trong đó có các thành phố lớn, cần chú trọng tạo dựng các kênh, diễn đàn đối thoại khả thi, thực chất để kiều bào phản ảnh, đề xuất, khuyến nghị và địa phương có tiếp thu, có phản hồi; khuyến khích, tạo điều kiện cho trí thức trẻ Việt Nam ở nước ngoài đóng góp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, bà con kiều bào cũng chính là những sứ giả truyền bá, phát huy văn hóa, bản sắc dân tộc Việt Nam và là cầu nối tăng cường quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước. Thủ tướng kêu gọi đồng bào ta ở nước ngoài, tùy vào khả năng và điều kiện, cùng chung sức đóng góp xây dựng TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Chính phủ sẽ luôn hỗ trợ và mong bà con kiều bào thành đạt ở nước sở tại, phát huy truyền thống dân tộc, cùng nhau xây dựng cộng đồng đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau và phát huy hình ảnh con người Việt Nam thân thiện, yêu chuộng hòa bình, ứng xử văn minh, đóng góp vào tình hữu nghị giữa Việt Nam với các nước, đồng thời hướng về quê hương, Tổ quốc bằng những hành động thiết thực.

leftcenterrightdel
Kiều bào tham dự hội nghị ủng hộ đồng bào miền Trung bị thiên tai, lũ lụt. 
leftcenterrightdel

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi các đại biểu kiều bào dự hội nghị. 

Tại phiên khai mạc, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định, bà con kiều bào là bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam. Đất nước rất cần tri thức, kinh nghiệm, trí tuệ và nhiệt huyết của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp cho công cuộc xây dựng và phát triển. Những ý kiến của kiều bào sẽ góp phần tham mưu cho Đảng, Nhà nước, TP Hồ Chí Minh trong việc xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới.

Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự chương trình “Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ chuyên gia, trí thức, doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài tiêu biểu”. Thủ tướng đã lắng nghe nhiều ý kiến của kiều bào kiến nghị về các vấn đề, như: Chính phủ cần xác định những ưu tiên đầu tư để tránh dàn trải, có chính sách thông thoáng, cởi mở hơn nữa, cải cách thủ tục hành chính để thu hút đầu tư nước ngoài, đổi mới giáo dục hiệu quả…

Tránh tư duy “không làm sai là tốt rồi”

Với tinh thần đầy nhiệt huyết và tình yêu quê hương, tại diễn đàn, hơn 500 kiều bào đã trao đổi sôi nổi, thiết thực về các vấn đề cấp bách cũng như lâu dài và bền vững của cả nước nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng. Nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm giúp Thành phố giải quyết một loạt vấn đề nóng bỏng từ giao thông, xây dựng đô thị phát triển bền vững, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển khoa học-công nghệ, kinh tế tri thức và thúc đẩy thương mại, dịch vụ… cho đến những vấn đề thiết thực như chống ngập lụt, ách tắc giao thông trong Thành phố…

Anh Nguyễn Đỗ Dũng, kiều bào Xin-ga-po, thành viên Nhóm Sáng kiến Việt Nam, đã đề xuất “tầm nhìn để TP Hồ Chí Minh thành đô thị dẫn đầu”. Anh tự hào nói rằng có một thế hệ trẻ người Việt Nam ở nước ngoài thành công, “quốc tế 100%” về mặt ý tưởng nhưng vẫn giữ được hồn cốt Việt Nam, mong muốn đem tri thức quốc tế của mình về đóng góp cho quê hương. Để dẫn đầu, TP Hồ Chí Minh cần xây dựng một chính quyền mạnh, trọng dụng người tài, có chính sách tốt và quy hoạch thông minh nhằm tận dụng tối đa các nguồn lực để phát triển. Tất cả phải dựa trên những nền tảng: Kinh tế mở, xã hội mở, đô thị mở, chính quyền mở, cửa ngõ mở và cuối cùng là dữ liệu mở-nguồn tài nguyên được chia sẻ để sáng tạo.

Anh Dũng đặt câu hỏi, Thành phố đã sẵn sàng để trở thành đô thị dẫn đầu hay chưa? Theo anh, chính quyền Thành phố đã có tầm nhìn nhưng chưa thể hiện được sự mong mỏi của lãnh đạo và người dân, chưa phát huy hết tiềm năng của Thành phố. “Thành phố cần có chính sách khuyến khích sáng tạo thay vì cứ duy trì quan niệm “không làm sai là tốt rồi”-anh Nguyễn Đỗ Dũng thẳng thắn. Phải xây dựng chính sách có sự ổn định và giải pháp lâu dài, nhìn rộng trong bối cảnh toàn vùng. Để trở thành trung tâm sáng tạo hay trung tâm tài chính của khu vực, anh Dũng cho rằng quy hoạch Thành phố phải gắn với thực tiễn phát triển, cụ thể là trung tâm đó cần những gì để phát triển quy hoạch đáp ứng nhu cầu đó.  

Cùng chung quan điểm, GS Nguyễn Đức Khương, kiều bào Pháp, đề xuất Thành phố cần tạo lập các cơ chế huy động tất cả các chủ thể kinh tế cùng tham gia và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Cần sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao bằng cách tạo cơ chế sử dụng và đãi ngộ xứng đáng cho các chuyên gia, nhà khoa học kiều bào. Chia sẻ bên lề, ông Lê Duy Cân, Việt kiều Đức, giảng viên Đại học Việt-Đức, đề xuất cần có chính sách giúp các kiều bào “an cư lạc nghiệp” ở quê hương. Như trường hợp của ông, vì mang quốc tịch Đức nên theo quy định, ông phải xin cấp lại thị thực hai năm một lần theo thời hạn hợp đồng lao động ở Việt Nam nên phiền phức, mất thời gian.

Ưu thế nhân công giá rẻ sẽ không kéo dài

Vấn đề phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thành phố nói riêng và Việt Nam nói chung đặc biệt được nhiều kiều bào quan tâm đề xuất các giải pháp. Chia sẻ bên lề, ông Lê Duy Cân dự đoán ưu thế nhân công giá rẻ sẽ không kéo dài và sắp tới, xu thế sẽ là nhu cầu cho đội ngũ này ít đi, thay vào đó là đội ngũ kỹ sư lành nghề. Ông cảnh báo, nếu chỉ chú trọng dựa vào nhân công giá rẻ thì trong 10 năm tới, cơ hội phát triển của kinh tế Việt Nam sẽ bị hạn chế.  

Ông cũng chỉ ra thực trạng trong đào tạo ở Việt Nam là các kỹ sư đại học ở Việt Nam ít kinh nghiệm thực tế mà chuyên về lý thuyết hàn lâm nhiều hơn nên chất lượng không cao, khiến tỷ lệ  sinh viên tốt nghiệp đại học thất nghiệp cao. Cần có sự liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp để đưa sinh viên đi thực tế, giúp họ hiểu doanh nghiệp cần gì và những kiến thức họ học ở trường được áp dụng ở chỗ nào. Đó chính là cách đào tạo đội ngũ kỹ sư lành nghề phù hợp với sự phát triển của Việt Nam và sẽ giảm bớt sự phụ thuộc vào lực lượng nhân công giá rẻ, chất lượng thấp.

Một phần nguyên nhân được ông Cân chỉ rõ là nhiều công ty ở Việt Nam dường như chú trọng nhiều hơn tới kinh doanh sinh lời mà chưa có ý thức phải đóng góp cho sự phát triển xã hội về lâu dài. "Tôi nghĩ ở đây cũng có vấn đề về chính sách, cần phải có chiến lược tổng thể xây dựng nền kinh tế bền vững lâu dài, trong đó chú trọng tới lực lượng lao động chất lượng cao, đội ngũ kỹ sư lành nghề. Từ đó mới xây dựng được ý thức trách nhiệm xã hội và sự vào cuộc của tất cả các thành phần kinh tế", ông Cân nói.

Thành phố thông minh “made in Vietnam”

Nhiều ý kiến chuyên gia kiều bào đóng góp cho đề án xây dựng TP Hồ Chí Minh thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2025. Đa số tán thành đây là một sáng kiến mang lại giải pháp cải thiện điều kiện sống và chất lượng sống cho người dân nhưng cần được triển khai từng bước để hạn chế rủi ro. GS Hoàng Dương Tuấn, kiều bào Ô-xtrây-li-a, đã lấy những bất cập trong việc phát triển thành phố thông minh ở Xít-ni và Men-bơn để làm bài học cho Việt Nam. Ông cho biết, người dân ở hai thành phố này lại thấy ít thoải mái hơn và chi phí sinh hoạt cũng cao hơn vì cái cần “thông minh” thì chưa có, cái “thông minh” thì chưa cần. Theo kinh nghiệm nhiều nơi trên thế giới, các dự án nghiên cứu và lập kế hoạch xây dựng thành phố thông minh dễ bị các hãng công nghệ điều khiển, chủ yếu để giúp họ bán dịch vụ và thiết bị. “Hơn lúc nào hết, chúng ta cần nghiên cứu, trao đổi để biến những ứng dụng thông minh thành công cụ thực sự giúp xã hội phát triển bền vững. Nên xác định những lĩnh vực ưu tiên để áp dụng ứng dụng thông minh”. Ông cũng băn khoăn về cơ hội của công nghệ thông minh “made in Vietnam” trong việc xây dựng thành phố thông minh và đặt vấn đề liệu chúng ta có thể phát triển được gì hay phải mua dịch vụ, thiết bị của nước ngoài của A đến Z? Có cần xem lại chiến lược công nghệ thông tin và viễn thông của ta đã ổn chưa hay có điều gì cần thay đổi để thích ứng với thành phố thông minh, vì an ninh mạng sẽ là mối quan tâm hơn bao giờ hết ở các thành phố thông minh.

Chia sẻ băn khoăn này, chuyên gia Đa-vít Ngô, kiều bào Mỹ, tự tin khẳng định nguồn lực trong kiều bào về thành phố thông minh tương đối lớn nên Việt Nam không cần phải phụ thuộc vào công nghệ của các tập đoàn nước ngoài. Vì vậy cần mạnh dạn làm từng bước một, vừa làm vừa tháo gỡ khó khăn, quan trọng là vừa làm vừa sửa sai, không nên đợi hạ tầng đầy đủ, quy hoạch đô thị hoàn thiện mới triển khai thì ý tưởng còn lâu mới được thực hiện.  

Càng thách thức càng có nhiều cơ hội

Có những kiều bào đã trở về Việt Nam làm việc một thời gian nhưng không hề mang tâm lý bi quan trước những khó khăn, thách thức mà quê hương đang phải đối mặt, trái lại, họ coi đó chính là cơ hội. Anh Nguyễn Hữu Thái Hòa, kiều bào Pháp, lạc quan: “Ở đâu còn bất cập, thách thức như vấn đề môi trường, giao thông ở thành phố, thì ở đấy chính là nơi thu hút các ý tưởng và đầu tư nhiều nhất”.

Không chỉ trên diễn đàn chính thức mà cả bên hành lang hội nghị hay các chuyến đi thực tế thăm những cơ sở khoa học-công nghệ, công trình xây dựng… ở thành phố, các kiều bào đều tích cực chia sẻ thông tin, kết nối và tìm cơ hội hợp tác để cùng hành động với hoài bão Việt Nam sẽ "cất cánh" trong tương lai. Phát triển Thành phố mang tên Bác thành một trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, giáo dục, một nơi đáng sống của cả nước và khu vực, góp phần đưa quê hương Việt Nam “cất cánh” trong tương lai là nguyện vọng từ trái tim của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Không chỉ dừng lại ở những ý tưởng mới, sáng kiến được chuẩn bị công phu mà các kiều bào trình bày tại diễn đàn, nhiều bà con đã bắt tay vào hành động. TS trẻ Nguyễn Xuân Hải, giảng viên tại Đại học Trung văn Hồng Công ấp ủ giấc mơ thành lập một viện nghiên cứu tài chính đẳng cấp quốc tế đem lại những lợi ích thiết thực cho Việt Nam. Ông Nguyễn Thành Mỹ, kiều bào Ca-na-đa, dù đã đầu tư thành công ở Việt Nam và ở cái tuổi hiếm ai còn muốn khởi nghiệp, nhưng với khát vọng tiếp tục được cống hiến cho quê hương, năm 2016, ông vẫn quyết định “khởi nghiệp” một lần nữa tại quê nhà khi mở thêm một công ty mới…

Đặc biệt, GS Kiều Linh Ca-rô-lin, Việt kiều Mỹ đang giảng dạy tại Đại học UC Davis, rất trăn trở với chương trình nghiên cứu “Việt Nam mới” kết nối các học giả từ khắp nơi trên thế giới đề xuất những giải pháp cho sự phát triển của Việt Nam, đào tạo nhân tài cho đất nước. Theo chị, “nếu mặc kệ không nuôi dưỡng nhân tài thì chẳng khác nào đặt tương lai vào vận may giống như hòn bi lăn trên vòng quay. Nếu có một chính sách tốt sẽ kêu gọi được người Việt Nam trên thế giới trở về xây dựng đất nước tươi sáng hơn. Nếu quyết tâm, nhất định chúng ta sẽ đưa đất nước Việt Nam trở thành ngôi sao sáng trong cộng đồng thế giới”.

Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần này thực sự là diễn đàn tầm cỡ, tạo cơ hội cho đội ngũ chuyên gia, trí thức, nhà khoa học và các doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài hiến kế góp phần xây dựng TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung, qua đó tăng cường sự gắn kết và tình cảm đối với quê hương của những người con xa xứ. Hội nghị được tổ chức đúng thời điểm TP Hồ Chí Minh đang trong giai đoạn nghiên cứu xây dựng và triển khai quy hoạch thành phố thông minh và nếu thành công thì đây sẽ là hướng đi cho các thành phố khác ở Việt Nam.

Bài và ảnh: HÙNG KHOA - MỸ HẠNH