Phóng viên (PV): Trường Đại học Bách khoa Hà Nội vừa công bố quyết định thành lập 3 trường, hướng tới lộ trình phát triển từ trường đại học thành đại học. Mô hình phát triển này sẽ giải quyết được những mục tiêu gì, thưa ông?

PGS, TS Huỳnh Quyết Thắng: Trong quá trình 65 năm xây dựng và phát triển của mình, nhà trường luôn cải cách bộ máy tổ chức, học hỏi kinh nghiệm thế giới và các bài học ở Việt Nam để xây dựng mô hình quản trị tiên tiến, tạo động lực cho đổi mới và phát triển. Việc phát triển thành Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ giải quyết 3 mục tiêu lớn. Đó là đảm bảo tái cấu trúc và phát triển các lĩnh vực giảng dạy và nghiên cứu; Thúc đẩy tính tự chủ, tích cực, chủ động của các trường và đóng vai trò quan trọng hơn trong phát triển kinh tế-xã hội; Phát triển đúng theo Luật Giáo dục đại học và tạo điều kiện phát triển Đại học Bách khoa Hà Nội.

leftcenterrightdel
PGS, TS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội 

Cụ thể, Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ phát triển thành đại học nghiên cứu đổi mới sáng tạo, thực hiện tái cấu trúc và quy hoạch các lĩnh vực giảng dạy và nghiên cứu, đảm bảo tính hiện đại và phát triển bền vững. Ví dụ, các lĩnh vực Cơ khí, Công nghệ thông tin và Truyền thông, Điện-Điện tử của Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ có điều kiện để phát triển các chương trình đào tạo phù hợp hơn với xu thế phát triển của ngành. Mỗi trường sẽ tiếp tục là các đơn vị mũi nhọn, tiếp tục giữ vững vị thế là cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

Bên cạnh đó, các trường sẽ có đội ngũ cán bộ nhiều hơn, mạnh hơn; phát huy tính tự chủ, năng lực các giảng viên, nhà khoa học tài năng, tích cực và chủ động tham gia và đóng vai trò quan trọng hơn trong giải quyết những bài toán của phát triển kinh tế-xã hội, các đề án quốc gia như Đô thị thông minh, Chuyển đổi số quốc gia, Chính phủ số, Xã hội số...

PV: Thưa ông, những thách thức nào sẽ phải vượt qua trong quá trình chuyển đổi mô hình? 

PGS, TS Huỳnh Quyết Thắng: Có thể nói, sự chuyển đổi này đã được trường chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng, cẩn trọng. Nhiều khó khăn phải vượt qua, đó là nhận thức của sinh viên, cán bộ giảng viên và quyết tâm của lãnh đạo. Tất cả các đơn vị phải thay đổi nhận thức, thấy rõ sự cần thiết phải thay đổi để theo kịp những phát triển của khoa học kỹ thuật, của ngành nghề, của phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Quá trình xây dựng các trường, các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu không có một công thức chung, một khuôn mẫu mà đòi hỏi người lãnh đạo phải đề ra chiến lược, giải pháp và lộ trình phù hợp cho từng trường. Các cán bộ giảng viên và người lao động phải thấu hiểu và đồng lòng tham gia quá trình thành lập trường, xây dựng các tổ chuyên môn, các phòng thí nghiệm.

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã thành lập các tổ công tác nghiên cứu và chọn lọc những mô hình quản trị giáo dục đại học tiên tiến của thế giới và bài học các mô hình đại học ở Việt Nam để xây dựng mô hình phù hợp cho Trường. Trường thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội vẫn đảm bảo cơ chế tự chủ, được phân cấp trách nhiệm để hoạt động hiệu quả. Cùng với đó là sự không đồng bộ trong các văn bản pháp quy.

leftcenterrightdel
Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ phát triển thành đại học nghiên cứu đổi mới sáng tạo. 

PV: Vậy phương thức và chỉ tiêu tuyển sinh có thay đổi trong thời gian tới không, thưa ông?

PGS, TS Huỳnh Quyết Thắng: Chiến lược tuyển sinh của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã được chuẩn bị từ năm học 2019-2020 rất công phu, khoa học để áp dụng cho giai đoạn 2021-2025. Các phương thức tuyển sinh chính sẽ là: Xét tuyển theo hồ sơ năng lực; Xét tuyển theo kết quả Kỳ thi đánh giá tư duy; Xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT. Thời gian tới, chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm về cơ bản được điều chỉnh tăng nhẹ, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Một số ngành đào tạo mới sẽ được mở, dựa trên kết quả quy hoạch lĩnh vực đào tạo của các trường mới thành lập.

PV: Theo ông, các xu thế phát triển giáo dục đại học trên thế giới đã ảnh hưởng thế nào đến nền giáo dục Việt Nam, cũng như xu hướng phát triển của Đại học Bách khoa Hà Nội?

PGS, TS Huỳnh Quyết Thắng: Các xu hướng phát triển giáo dục đại học trên thế giới như quốc tế hóa, hợp tác nghiên cứu, trao đổi sinh viên, tập trung vào đảm bảo chất lượng, áp lực tìm kiếm việc làm cho sinh viên tốt nghiệp, chuyển đổi số đã đặt ra các thách thức và cũng tạo cơ hội cho các cơ sở giáo dục đại học lựa chọn đúng và xây dựng các giải pháp đột phá để thực hiện đổi mới giáo dục đại học.

Năm 2021, thực hiện mục tiêu “Chiến lược phát triển Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội giai đoạn 2017-2025”, nhà trường cụ thể hóa qua các nhiệm vụ như triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số và tiếp tục phát triển Đại học Bách khoa Hà Nội thành đại học nghiên cứu theo mô hình đại học số; Quy hoạch phát triển các lĩnh vực giảng dạy và nghiên cứu của ĐHBK Hà Nội đảm bảo tính hiện đại và phát triển bền vững; Đẩy mạnh phát triển các sản phẩm sáng tạo tại Đại học Bách khoa Hà Nội (Make in Bách khoa Hà Nội) trong một số lĩnh vực khoa học và công nghệ then chốt; Xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo cho sinh viên và giảng viên...

PV: Mô hình phát triển của Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ có điểm gì giống và khác so với những đại học đa ngành hiện nay, thưa ông?

PGS, TS Huỳnh Quyết Thắng: Mô hình, cấu trúc và các lĩnh vực đào tạo nghiên cứu của Đại học Bách khoa Hà Nội đã đảm bảo theo đúng xu hướng phát triển của các đại học tiên tiến trên thế giới. Đây chính là những điểm giống của Đại học Bách khoa Hà Nội với các đại học đa ngành khác.

Tuy nhiên phát huy truyền thống của trường, Đại học Bách khoa Hà Nội tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo. Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã được phát triển trong nhiều năm qua, sẽ tiếp tục được đẩy mạnh triển khai trong giai đoạn tới. Vai trò của hệ thống doanh nghiệp trong nhà trường và hợp tác nhà trường – công nghiệp thật chặt chẽ và cơ hữu sẽ là sự khác biệt của Đại học Bách khoa Hà Nội.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

KHÁNH HÀ (thực hiện)