Xây dựng lực lượng cảnh sát biển chính quy, tinh nhuệ, hiện đại

Chiều 29-5, thảo luận tại tổ về Dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam, các đại biểu Quốc hội bày tỏ sự nhất trí cao với việc ban hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam, cho rằng điều đó là cần thiết để xây dựng lực lượng cảnh sát biển chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ chấp pháp trên biển, góp phần quan trọng bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia trên biển.

Đại biểu Nguyễn Văn Man (đoàn Quảng Bình) nói, trong bối cảnh hội nhập quốc tế như hiện nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều xây dựng luật về cảnh sát biển hay luật bảo vệ vùng biển, trong đó có quy định nhiệm vụ của cảnh sát biển, lực lượng bảo vệ bờ biển. Đại biểu nêu ví dụ, Mỹ, Thụy Điển, Canada đã có luật về cảnh sát biển từ hơn 100 năm qua, Nhật Bản có luật về lực lượng phòng hộ biển, Philippines và Malaysia cũng đều đã ban hành luật về lực lượng chấp pháp trên biển. Tên gọi luật về cảnh sát biển ở các nước tuy khác nhau, nhưng các lực lượng luật định đều thực hiện nhiệm vụ tương tự nhau là duy trì an ninh trên biển, bảo vệ chủ quyền, bảo vệ các nguồn tài nguyên môi trường, ngăn chặn buôn lậu, chống cướp biển và ứng phó với các sự cố tràn dầu. Từ đó, đại biểu cho rằng, cần ban hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam để xây dựng lực lượng cảnh sát biển nước ta chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, thực thi có hiệu quả pháp luật trên biển.

Đại biểu Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (đoàn Sóc Trăng) phát biểu, Việt Nam là quốc gia biển với bờ biển dài hơn 3.200km, diện tích biển gần gấp 3 lần diện tích đất liền, kinh tế biển được xem là ngành kinh tế mũi nhọn. Vì vậy, lực lượng cảnh sát biển vô cùng quan trọng trong việc thực hiện chấp pháp trên biển. Ban hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam hoàn toàn phù hợp với thực tiễn, nhằm tăng cường quản lý Nhà nước trên biển. Đại biểu đề nghị, khi ban hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam cần có quy định để lực lượng cảnh sát biển được bảo đảm về số lượng, chú trọng trang bị cơ sở vật chất-nhất là các loại tàu hiện đại, tàu lớn, các thiết bị tự động như vệ tinh, máy bay không người lái… sao cho lực lượng cảnh sát biển có thể quản lý được toàn bộ vùng biển.

Đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) nhấn mạnh, việc ban hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam sẽ góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh và xây dựng các lực lượng trên biển, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong tổ chức thực hiện Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển, bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn môi trường biển, bảo đảm việc chấp hành pháp luật trên biển và yêu cầu hội nhập quốc tế.

Dự án luật An ninh mạng phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế

Sáng 29-5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật An ninh mạng. Đại biểu Cao Đình Thưởng (đoàn Phú Thọ) cho rằng, những vụ việc đã xảy ra trong thời gian qua có liên quan đến an ninh mạng không chỉ gây ảnh hưởng đến một vài cơ quan, tổ chức, cá nhân mà còn ảnh hưởng đến kinh tế, chính trị của đất nước và lợi ích quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. 

Đánh giá cao nỗ lực của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra trong việc tham khảo ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan hữu quan, song có ý kiến còn bày tỏ băn khoăn về sự phù hợp của dự luật với luật pháp, thông lệ quốc tế và các cam kết quốc tế của Việt Nam. Tuy nhiên, đa số các đại biểu sau khi phân tích kỹ lưỡng pháp luật Việt Nam và luật pháp, thông lệ quốc tế, cam kết quốc tế của Việt Nam đã khẳng định, các quy định trong dự thảo luật là hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam cũng như luật pháp và thông lệ quốc tế.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức (đoàn TP Hồ Chí Minh) nhất trí với quy định cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước khi cung cấp dịch vụ trên không gian mạng hoặc sở hữu hệ thống thông tin tại Việt Nam phải lưu trữ tại Việt Nam với những thông tin cá nhân của người sử dụng tại Việt Nam và các dữ liệu quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, đặt trụ sở hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam. Theo đại biểu, quy định như vậy hoàn toàn khả thi, phù hợp với luật pháp trong nước, thông lệ quốc tế và không trái với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia cũng như không cản trở hoạt động của doanh nghiệp.

Từ những phân tích, nhận định nêu ra, đa số ý kiến phát biểu cho rằng, dự luật đủ điều kiện để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này.

Sáng 29-5, trước khi thảo luận về Dự án Luật An ninh mạng, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trình bày tờ trình; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Chiều 29-5, bên cạnh Dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Quốc hội cũng thảo luận tại tổ về Dự án Luật Đặc xá (sửa đổi).

CHIẾN THẮNG