Tờ trình dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày cho biết, qua hơn 6 năm triển khai thực hiện, Luật Quản lý nợ công đã tạo hành lang pháp lý phù hợp với mức độ phát triển kinh tế-xã hội, góp phần quan trọng trong việc huy động vốn bù đắp bội chi ngân sách Nhà nước. Quản lý nợ công từng bước được hoàn thiện theo hướng công khai, minh bạch, tiếp cận với thông lệ và chuẩn mực quốc tế…

Qua thẩm tra dự án luật này, Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội đánh giá, về cơ bản, nội dung dự thảo luật đã thể hiện tương đối bao quát các vấn đề liên quan đến quản lý nợ công, luật hóa nhiều nội dung hiện đang được quy định tại các văn bản dưới luật. Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội cho rằng, cần tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh phạm vi điều chỉnh; nguyên tắc quản lý nợ công; xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng nợ công; chỉ tiêu an toàn nợ công; chiến lược, chương trình và kế hoạch vay, trả nợ công; nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng nợ công.

leftcenterrightdel
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp thứ 8 Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Ảnh: Quốc hội) 
Tán thành về sự cần thiết sửa đổi Luật Quản lý nợ công nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của luật hiện hành, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu quản lý nợ công trong tình hình mới. Tuy nhiên, nhiều ý kiến của thành viên UBTVQH bày tỏ băn khoăn về tính thống nhất của dự án luật này với các luật liên quan, phạm vi nợ công.

Theo Bộ Tài chính, quy định nợ công gồm nợ Chính phủ; nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương là hợp lý, phù hợp với thông lệ quốc tế, đặc thù của nền kinh tế nước ta. Tuy nhiên, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển băn khoăn về khoản nợ của Ngân hàng Nhà nước. Phó chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi: Nợ của Ngân hàng Nhà nước không nằm trong nợ công nhưng Ngân hàng Nhà nước lại nằm trong hệ thống tài chính công, Ngân hàng Nhà nước nợ có nằm trong nợ công không?

Nêu thực tế qua nhiều kỳ họp, Quốc hội đều phản ánh thực trạng nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ trong ngắn hạn lớn, nợ Chính phủ vượt trần, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, từ khi Luật Quản lý nợ công năm 2009 được ban hành, thay vì được kiểm soát, hạn chế thì nợ công lại có xu hướng tăng nhanh. Đâu là nguyên nhân của tình trạng này, do khâu thực hiện không tốt hay do luật? Liệu rằng việc sửa đổi Luật Quản lý nợ công lần này có thể giải quyết, khắc phục được tình trạng nêu trên hay không? Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng đặt vấn đề cách tính nợ công gồm nợ Chính phủ, nợ Chính phủ bảo lãnh và nợ của địa phương đã đủ chưa? Những khoản không nằm trong các khoản này nhưng cuối cùng Nhà nước vẫn phải trả cần được tính thế nào?

Một vấn đề được UBTVQH dành nhiều sự quan tâm đó là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nợ công. Để không bị xáo trộn chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành, Chính phủ đề nghị tiếp tục giữ nguyên chức năng, nhiệm vụ 3 cơ quan (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính) trong vận động, điều phối, đàm phán, ký kết hiệp định khung, thỏa thuận vay cụ thể, phân bổ, sử dụng vốn vay, trả nợ và quản lý Nhà nước đối với nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi. Quan điểm này đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau.

Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội đề nghị dự thảo luật sửa đổi theo hướng giao Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối thực hiện chức năng quản lý nợ công, đại diện đàm phán, ký kết các hiệp ước vay nợ và quản lý tập trung các nguồn lực nợ công. Cùng chung quan điểm này, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ hơn về cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nợ công, nhất là khi Nghị quyết 07/NQ-TW của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững đã có định hướng phải có một cơ quan chủ trì về quản lý nợ công...

Cùng ngày, UBTVQH đã thảo luận, cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quản lý ngoại thương; cho ý kiến về Đề án tự chủ của Viện Nghiên cứu lập pháp.

Ngày 21-3, UBTVQH tiếp tục Phiên họp thứ 8.

MINH MẠNH