Nhấn mạnh không thể phủ nhận những thành tựu, cũng như những đóng góp quan trọng của doanh nghiệp nhà nước trong sự phát triển kinh tế của đất nước, song đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng hiệu quả và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa được như mong đợi; vẫn còn hiện tượng thua lỗ. Đại biểu phân tích: Theo báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước trong doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tính đến ngày 31-12-2016, lỗ phát sinh theo báo cáo hợp nhất 4 tập đoàn, tổng công ty là 1.305,026 tỷ đồng; các địa phương vẫn còn có doanh nghiệp thua lỗ...

leftcenterrightdel
Đại biểu Tô Văn Tám phát biểu ý kiến.

Cần xác định giá trị tài sản vô hình của doanh nghiệp

Đại biểu Tô Văn Tám cho rằng, trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, việc xác định giá trị doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa là quan trọng, có tính then chốt cho việc thực hiện phê duyệt và thực hiện phương án cổ phần hóa trong việc xác định giá trị doanh nghiệp. Đại biểu nhấn mạnh: "Không chỉ xác định giá trị tài sản hữu hình như đất đai, cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật... mà còn phải xác định được giá trị tài sản vô hình như thương hiệu doanh nghiệp, bản quyền, phương pháp kinh doanh, uy tín của doanh nghiệp". Đại biểu dẫn chứng, các doanh nghiệp quốc phòng rất có uy tín trong nhân dân bởi những sản phẩm ứng dụng của các doanh nghiệp quốc phòng an ninh có chất lượng rất tốt và nhấn mạnh: “Những uy tín như vậy cũng thuộc về giá trị tài sản hữu hình của doanh nghiệp", đại biểu cho hay.

Đại biểu tỉnh Kon Tum nhấn mạnh: Giá trị tài sản vô hình của doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng góp phần không nhỏ vào giá trị của doanh nghiệp. Tuy vậy, việc định giá tài sản vô hình này trong thời gian qua còn lúng túng và chưa làm được nhiều, bởi đây là vấn đề khó và các cơ sở pháp lý của nó cũng chưa được rõ ràng, cụ thể, phương pháp định giá cũng khó khăn. Để xử lý việc này, mới đây Chính phủ đã có Nghị định 116 năm 2005 và 126 năm 2017, xác lập cơ sở pháp lý ban đầu cho việc xác định giá trị tài sản vô hình của doanh nghiệp. Đại biểu cho rằng, đây là khâu quan trọng, then chốt của việc cổ phần hóa nên được cử tri quan tâm, nhất là việc định giá tài sản là đất đai nói chung và đất đai ở vị trí đắc địa có nhiều lợi thế kinh doanh nói riêng.

Dẫn ý kiến của cử tri và dư luận cho rằng, sự trục lợi, lợi ích nhóm, những quan hệ không rành mạch trong định giá, hay việc thông thầu khi đấu giá trong quá trình thực hiện cổ phần hóa đã dẫn đến thất thoát, thiệt hại tài sản của nhà nước, đại biểu Tô Văn Tám đề nghị Chính phủ cần thường xuyên rà soát các quy định của pháp luật về cổ phần hóa để bịt kín các "lỗ hổng", bổ sung hoàn thiện khung pháp lý, nhất là các quy định về xác định giá trị tài sản vô hình của doanh nghiệp để làm cơ sở vững chắc trong khi chúng ta tiến hành xác định giá trị tài sản vô hình này. Đồng thời cần tăng cường, chỉ đạo thanh tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn, loại trừ sự tùy tiện trục lợi tham nhũng, tiêu cực trong việc thực hiện cổ phần hóa...để tiến trình thực hiện cổ phần hóa của chúng ta tốt hơn.

Kiên quyết giải thể những doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) cũng đánh giá cao chủ trương cổ phần hóa các doanh nghiệp khi đã thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp, tìm kiếm các đối tác chiến lược nghiên cứu, phân chia cổ phần. Tuy nhiên, đại biểu khẳng định, trong thực tế, nhiều doanh nghiệp đã rơi vào tình trạng rất khó tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược, làm chậm quá trình cổ phần hóa so với kế hoạch đề ra, hoặc nếu có thì các nhà đầu tư này lại yêu cầu mua một số cổ phần lớn, nắm giữ cổ phần ưu thế để kiểm soát và điều hành doanh nghiệp. Đại biểu cho rằng, điều này có thể không đúng định hướng phát triển đối với một số doanh nghiệp công ích, đặc biệt tại các địa phương có thu nhập thấp, thu nhập của người dân còn thấp, cần có sự hỗ trợ của nhà nước để hỗ trợ giá, ví dụ như công ty cung cấp nước sạch...

Theo đại biểu, bên cạnh giải pháp thoái vốn của nhà nước trong các doanh nghiệp nhà nước đối với các doanh nghiệp thuần túy cung cấp dịch vụ công ích thì chỉ nên cổ phần hóa trong mức độ hạn chế, nhà nước vẫn phải kiểm soát và nắm giữ cổ phần ưu thế, bởi lẽ các doanh nghiệp này còn có các mục tiêu là kiểm soát chất lượng, bảo đảm nhu cầu thiết yếu của người dân cũng như thực hiện các trách nhiệm của nhà nước.

Đại biểu cũng cho rằng, việc phát hành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán chủ yếu rơi vào các doanh nghiệp lớn; nhiều doanh nghiệp sau khi được yêu cầu phải cổ phần hóa chỉ chia cổ phần nội bộ và tìm kiếm cổ đông chiến lược, nhưng thực chất các cổ đông chiến lược cũng là “người nhà” của bộ phận điều hành doanh nghiệp. “Điều này giảm tính minh bạch trong vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước”, đại biểu nhấn mạnh.

Do đó, đại biểu đề nghị trong thời gian tới cần có chính sách nâng cao trình độ năng lực quản lý điều hành của doanh nghiệp nhà nước, mà cách thức nâng cao hiệu quả quản lý vốn nhà nước căn bản nhất vẫn là triệt để áp dụng cơ chế thị trường thực sự cho các doanh nghiệp có vốn nhà nước trên mọi lĩnh vực hoạt động. Đối với doanh nghiệp nhà nước hoạt động không hiệu quả, đại biểu đề nghị nếu không thể cổ phần hóa thì phải kiên quyết cho giải thể, chứ không nên duy trì hoạt động cầm chừng như hiện nay.

Rà soát lại tiêu chí phân loại doanh nghiệp

Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (Lai Châu) thì cho rằng, với 426 doanh nghiệp đã cổ phần hóa thành công trong giai đoạn 2011-2016, tỷ lệ vốn trung bình nhà nước nắm giữ còn ở mức rất cao, tới 81%. Đại biểu dẫn ý kiến cử tri cho rằng cổ phần hóa như vậy mang tính hình thức, không đạt mục tiêu huy động nguồn vốn xã hội đầu tư vào doanh nghiệp và đổi mới phương thức quản trị doanh nghiệp. Do vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ rà soát lại tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, danh mục doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, thu hẹp nhóm ngành, lĩnh vực, số lượng doanh nghiệp mà nhà nước cần duy trì 100% vốn nhà nước và giữ cổ phần chi phối, tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu, những địa bàn quan trọng về an ninh, quốc phòng, những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư. Đối với những doanh nghiệp nhà nước không cần nắm giữ, kiên quyết thoái toàn bộ 100% vốn, giảm tỷ lệ vốn nhà nước đủ để đổi mới quản trị doanh nghiệp, thu hút các nhà đầu tư tiềm năng về vốn, công nghệ, tạo động lực phát triển doanh nghiệp. Trên cơ sở đó công khai, minh bạch danh mục, lộ trình cổ phần hóa thoái vốn theo cơ chế thị trường để tối đa hóa giá trị bán vốn nhà nước.

Phát biểu bế mạc phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, trong phiên giám sát tối cao của Quốc hội ngày 28-5, đã có 27 đại biểu Quốc hội phát biểu, có 10 đại biểu tham gia tranh luận, hiện còn 10 đại biểu Quốc hội đã đăng ký nhưng do hết thời gian nên chưa được phát biểu. Bộ trưởng các bộ: Tài chính, Công Thương, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Tổng Thanh tra Chính phủ đã phát biểu làm rõ một số vấn đề có liên quan mà các vị đại biểu Quốc hội quan tâm.

Đa số ý kiến các vị đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với báo cáo giám sát, cho rằng báo cáo giám sát đã phản ánh khá toàn diện về kết quả đạt được, chưa đạt được, những hạn chế, vướng mắc và nguyên nhân trong việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016.

Qua thảo luận các ý kiến đại biểu cho rằng, bên cạnh một số kết quả tích cực, các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị cần tiếp tục hoàn thiện những nội dung trong hệ thống pháp luật như đoàn giám sát đã nêu trong báo cáo; đề nghị Chính phủ làm rõ thêm vấn đề quản lý đất đai tại doanh nghiệp nhà nước, đầu tư của doanh nghiệp nhà nước ra nước ngoài, đời sống, quyền lợi của người lao động trong doanh nghiệp và việc khắc phục các tồn tại, yếu kém của doanh nghiệp nhà nước có thua lỗ lớn trong thời gian tới; tăng cường thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; tập trung chỉ đạo hoàn thành mục tiêu cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước theo đúng lộ trình và quy định của pháp luật...

THẢO NGUYÊN