* PGS, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Xác định các vấn đề chiến lược đặt ra cho APEC

Thương mại điện tử xuyên biên giới và công nghiệp hỗ trợ hiện đang là hai chủ đề lớn và nóng đối với tất cả các nền kinh tế APEC. Tầm vóc của vấn đề bắt nguồn từ sự thay đổi thời đại công nghệ và sự dịch chuyển cấu trúc kinh tế toàn cầu mà APEC chính là vùng "trọng tâm" của hai quá trình đó. Giải quyết hai vấn đề này chính là giải quyết được vấn đề trọng tâm của kết nối phát triển trong thời đại kinh tế số của APEC.

Việc Việt Nam đề xuất thảo luận hai chủ đề này trong chương trình nghị sự APEC 2017 và được tất cả các thành viên APEC ủng hộ. Điều này xác nhận tính đúng đắn của sự lựa chọn của Việt Nam. Nó chứng tỏ cả tầm nhìn lẫn sự nhạy bén của Việt Nam khi xác định các vấn đề chiến lược đặt ra cho APEC. Tôi cho rằng việc APEC 2017 thảo luận hai chủ đề này một cách sâu sắc và đúng tầm sẽ giúp đưa ra những gợi ý phát triển quan trọng cho các nền kinh tế thành viên APEC trong giai đoạn tới. 

Trong nhiều năm qua, Bộ Công Thương đã làm nhiều việc để triển khai hai hướng hoạt động này trong nền kinh tế. Đã thu được những kết quả bước đầu quan trọng, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại điện tử. Khía cạnh “công nghiệp hỗ trợ” thì còn nhiều chuyện ngổn ngang. Cho nên, việc Bộ Công Thương chủ động đưa hai vấn đề này ra thảo luận tại Diễn đàn APEC, theo tôi là kết quả “tự nhiên”.

Tuy nhiên, điểm mới ở đây chính là khía cạnh “xuyên biên giới” – không chỉ đối với vấn đề “thương mại điện tử” mà cho cả vấn đề “công nghiệp hỗ trợ”. Bộ Công Thương ý thức rõ được tính chất toàn cầu của cả hai vấn đề. Do đó, đưa ra thảo luận chung trong APEC.

Để triển khai sáng kiến này, chắc chắn còn rất nhiều việc phải làm. Bộ Công Thương cũng đang nỗ lực rất tích cực. Tôi tin rằng sẽ có kết quả tích cực. Song để không bị tụt hậu thì phải nỗ lực hơn rất nhiều, và phải đúng hướng – đúng logic thời đại và với tầm nhìn liên kết, hội nhập toàn cầu. Là một “nhân vật cốt cán” của APEC – Việt Nam, Bộ Công Thương đã làm tốt công việc của mình, cả ở phần nội dung lẫn phần tổ chức sự kiện. Bộ cũng đã phối hợp với nhiều cơ quan khác để tổ chức APEC. Cán bộ của Bộ, từ Bộ trưởng, Thứ trưởng cho đến các chuyên viên, đã “tham chiến” trên nhiều mặt trận. Và như đã nói ở trên, đóng góp xứng đáng vào sự thành công của APEC 2017. 

THÁI BÌNH (ghi)

* Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong: Tiếp tục khẳng định vị thế Việt Nam trong chống bảo hộ thương mại

Với vai trò chủ nhà năm APEC 2017, Việt Nam tiếp tục xác định việc đẩy nhanh tiến trình hoàn thành mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020 và nỗ lực giải quyết các rào cản đối với thương mại và đầu tư; khắc phục xu hướng phản đối toàn cầu hóa và quay trở lại xu thế bảo hộ thương mại tại một số nơi trên thế giới. Tôi cho rằng Việt Nam với tư cách là nền kinh tế theo đuổi tự do thương mại và đầu tư, hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực và thế giới sẽ đối mặt với không ít thách thức từ xu hướng này. Tuy nhiên, với việc tiếp tục theo đuổi mục tiêu này một lần nữa khẳng định vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Với vai trò là chủ nhà của APEC lần này, Việt Nam tiếp tục nói lên tiếng nói mạnh mẽ, quan trọng trong việc đảm bảo duy trì sự cởi mở và tự do của hệ thống thương mại toàn cầu.

leftcenterrightdel
 Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong.

Tại APEC 2017, Việt Nam cũng đã đề xuất một số sáng kiến về kinh tế, thương mại để trình lên Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC lần thứ 29 như: Thương mại điện tử xuyên biên giới và Công nghiệp hỗ trợ, cải thiện hoạt động của chuỗi cung ứng, tăng cường tham gia của các doanh nghiệp nhỏ và vừa vào chuỗi giá trị toàn cầu, tăng cường kết nối APEC… Đây có thể được coi là một trong những sáng kiến nổi bật của năm APEC 2017 và được kỳ vọng góp phần thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, tăng cường liên kết và tạo động lực cho phát triển kinh tế khu vực. Với sáng kiến này, cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao nỗ lực của Việt Nam về tạo thuận lợi cho thương mại điện tử xuyên biên giới, tiếp tục nâng cao năng lực cho các thành viên và thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ tại châu Á – Thái Bình Dương.

Qua những sáng kiến này, một lần nữa chúng ta nhận thấy vai trò của Bộ Công Thương trong việc thúc đẩy tăng trưởng bền vững và đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển.

NGUYỄN HƯNG (ghi)

* Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ: Hài hòa lợi ích tạo nên tính “đặc sắc” của nước chủ nhà

Giải quyết các rào cản đối với thương mại và đầu tư; khắc phục xu hướng phản đối toàn cầu hóa và quay trở lại xu thế bảo hộ thương mại tại một số nơi trên thế giới là một chủ trương đúng đắn của Việt Nam. Bởi chỉ có một số nước như Mỹ muốn bảo hộ còn nhiều nước vẫn theo đuổi xu hướng tự do hóa thương mại. Việt Nam đưa ra nội dung này cho APEC là đúng đắn bởi với tư cách là chủ nhà, Việt Nam đã cùng với đa số các nước góp một tiếng nói mạnh mẽ cho việc thúc đẩy chống “chủ nghĩa” bảo hộ không chính đáng của một số thị trường lớn. 

leftcenterrightdel
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ. 

Bên cạnh đó, việc đề xuất một số sáng kiến về như thương mại điện tử xuyên biên giới và công nghiệp hỗ trợ, tăng cường tham gia của các doanh nghiệp nhỏ và vừa vào chuỗi giá trị toàn cầu, tôi cho rằng đây là một chủ trương đúng đắn xuất phát từ chính tình hình thực tế của Việt Nam và của nhiều nước đang phát triển trong khối APEC. Bởi phát triển công nghiệp phụ trợ và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ là con đường quan trọng nhất, tạo tiền đề quan trọng cho việc phát triển công nghiệp hiện đại. Nếu không có công nghiệp phụ trợ thì các nước phát triển không có cơ sở để đi lên. Việt Nam đưa ra sáng kiến này nhằm kêu gọi các nước phải chia sẻ để đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ cho các nền kinh tế nhỏ hơn tránh việc cả thế giới hay các nước đang phát triển phụ thuộc vào một số nền kinh tế lớn trong APEC. Đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, Việt Nam kêu gọi hỗ trợ công nghiệp phụ trợ còn góp phần bảo đảm chỗ đứng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều này là phù hợp với lợi ích chung của nhiều thành viên trong APEC, kết hợp hài hòa tinh thần chung của APEC - một diễn đàn hợp tác linh hoạt, năng động, dựa trên cơ sở ý nguyện chung của các nền kinh tế thành viên, với tinh thần chủ động sáng tạo, phát huy sáng kiến và tính "đặc sắc" chủ nhà. 

SĨ CƯỜNG (ghi)

* Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương: Thể hiện vị thế Việt Nam trong hội nhập quốc tế

APEC 2017 là kỳ họp trong một thế giới đầy biến động và trong xu thế tiếp tục hội nhập toàn cầu hoá. Thì cũng có xu thế quay trở lại bảo hộ mậu dịch và thậm chí rút ra khỏi toàn cầu hóa như nước Anh ở Liên minh châu Âu hay như xu thế của Catalania ở Tây Ban Nha. Chúng ta cũng biết nước Mỹ của Tổng thống Donan Trum đã rút khỏi TPP 12, giờ TPP chỉ còn 11 nước. Vậy những nỗ lực của Việt Nam trong việc tiếp tục xu thế hội nhập toàn cầu hóa liên kết và hợp tác này là một xu thế tích cực và thể hiện nỗ lực của Việt Nam và các nước APEC không tiếp nhận xu thế kia. Đây là một nỗ lực đáng chú ý. Cho đến thời điểm này, 21 nước APEC không nước nào xin rút ra khỏi APEC và 10 nước ASEAN cũng không nước nào rút khỏi ASEAN. Và TPP 11 hy vọng sẽ được quyết định trong mấy ngày tới. 

Theo tôi, đây là một thành tựu đáng ghi nhận và thể hiện nỗ lực của Việt Nam đẩy mạnh xu hướng hợp tác, bởi vì xu hướng này phù hợp với xu thế của thế giới tức là xây dựng các chuỗi liên kết. Hiện nay, người ta không còn sản xuất các sản phẩm trong cùng một nước, mà sản xuất ở các nước và họ phối hợp với nhau để tạo thành một sản phẩm cuối cùng.

Sáng kiến của Việt Nam là sáng kiến phù hợp với sự phát triển gần đây như: Xu thế thương mại điện tử, ngân hàng điện tử, ngân hàng số hóa, thanh toán qua mạng… là các xu thế ngày càng rộng lớn. Như vậy, việc Việt Nam đề suất các sáng kiến như vậy là điều phù hợp với lợi ích các nước, chính vì vậy, được các nước tham gia hoan nghênh, trình lên hội nghị bộ trưởng.

Tôi nghĩ rằng, Hoa Kỳ có thể rút ra khỏi TPP nhưng Hoa Kỳ vẫn tiếp tục tham gia vào chuỗi giá trị, quá trình thương mại. Điều đó cho thấy sáng kiến của Việt Nam là sáng kiến phù hợp để cho tất các nước có thể chấp nhận. Để có được những sáng kiến này không thể phủ nhận vai trò của Bộ trưởng Bộ Công Thương khi nắm vững các yếu tố liên kết và thúc đẩy mạnh mẽ xu hướng hợp tác trong nền kinh tế của APEC để lựa chọn khi đưa vào chương trình nghị sự của hội nghị lần này.

MINH HẢI (ghi)