Số ca mắc não mô cầu ở phía Nam tăng cao
Theo số liệu của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh trong 4 tháng đầu năm 2025, khu vực phía Nam đã ghi nhận 12 ca mắc bệnh não mô cầu tại 8/20 tỉnh, thành phố gồm TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng…, tăng 9 ca so với cùng kỳ năm 2024.
Như huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai mới đây xuất hiện ổ dịch não mô cầu là hai bệnh nhân 31 và 32 tuổi có tiếp xúc gần, cùng đi làm, đi chơi và ở lại nhà nhau. Trước đó, Bệnh viện Thành phố Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) cũng tiếp nhận một bé trai 13 tuổi ở Bình Dương nhập viện cấp cứu trong tình trạng sốt cao, đau đầu dữ dội, ngủ gà, xuất hiện nổi ban rải rác trên da.
Theo nhận định của các chuyên gia, trong thời gian tới bệnh có nguy cơ cao xuất hiện thêm các ca bệnh trong cộng đồng nếu không sớm triển khai các biện pháp kiểm soát dịch từ sớm, từ xa.
Cụ thể, từ đầu năm đến nay, các bệnh viện liên tiếp ghi nhận ca mắc não mô cầu phải điều trị tích cực, đã có ca tử vong. Mới đây nhất, người tiếp xúc gần với bệnh nhân hoặc người lành mang trùng đều có nguy cơ lây bệnh.
 |
Vaccine là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh não mô cầu. Ảnh minh hoạ: Phong Lan
|
Bác sĩ chuyên khoa I Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC cho biết, não mô cầu là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Neisseria meningitidis gây ra, xuất hiện rải rác quanh năm, có khả năng gia tăng cao hơn, thậm chí có thể gây dịch khi hệ miễn dịch suy giảm sức đề kháng do thời tiết giao mùa nắng nóng như hiện nay.
Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, não mô cầu là 1 trong 10 bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong cao nhất ở Việt Nam. Vi khuẩn não mô cầu có trong dịch tiết mũi họng của người bệnh và người mang vi khuẩn không biểu hiện triệu chứng. Khi gặp điều kiện thuận lợi như cơ thể suy giảm sức đề kháng, mắc các bệnh lý gây suy giảm miễn dịch, bị nhiễm trùng đường hô hấp trên như cúm, chúng nhân lên nhanh và xâm nhập vào máu.
Các triệu chứng của bệnh do não mô cầu không điển hình, dễ nhầm lẫn với bệnh hô hấp thông thường dẫn đến dễ chẩn đoán sai, phát hiện muộn. Trong vòng 8 giờ đầu, người bệnh có các triệu chứng gồm đau đầu, sốt, viêm họng, đau rát họng, sổ mũi, biếng ăn, buồn nôn. Từ giờ thứ 9 đến 15, xuất hiện tử ban, lạnh tay chân, cứng cổ, sợ ánh sáng. Từ 16 đến 24 giờ, bệnh nhân co giật, mê sảng, mất ý thức, tử vong. Bên cạnh đó, dấu hiệu phát ban điển hình của bệnh có thể không xuất hiện dẫn đến bỏ lỡ cơ hội điều trị sớm.
Theo Cục phòng bệnh (Bộ Y tế), khoảng 50% bệnh nhân mắc bệnh do não mô cầu tử vong nếu không được điều trị đúng cách. Dù được điều trị kịp thời và tích cực, bệnh cũng có tỷ lệ tử vong cao, lên đến 15%. Có đến 20% bệnh nhân sống sót sau viêm màng não do não mô cầu phải chịu nhiều di chứng về thể chất và tinh thần như sẹo da, cắt cụt chi, điếc, mù lòa, suy thận mạn tính, chậm phát triển tâm thần và hành vi…
Trẻ nhỏ, thanh thiếu niên và người suy giảm miễn dịch có nguy cơ mắc bệnh não mô cầu cao
Theo bác sĩ Bạch Thị Chính, trẻ 2 tháng đến 5 tuổi, đặc biệt dưới 6 tháng tuổi là nhóm dễ mắc não mô cầu xâm lấn nhất. Theo các dữ liệu nghiên cứu, ở trẻ dưới 1 tuổi, giai đoạn có tỷ lệ mắc não mô cầu cao nhất khoảng từ 5 tháng đến 8 tháng tuổi. Nguyên nhân do nhóm này có sự giảm dần kháng thể bảo vệ từ mẹ và hệ thống miễn dịch chưa hoàn thiện. Vì vậy việc tiêm ngừa não mô cầu sớm nhất có thể cho trẻ trước giai đoạn đỉnh mắc não mô cầu rất quan trọng.
Thanh thiếu niên, sinh viên từ 15 đến 24 tuổi cũng là nhóm nguy cơ cao mắc bệnh. Nguyên nhân là nhóm này có tỷ lệ mang mầm bệnh cao, thường sinh hoạt ở môi trường đông đúc như trường học, ký túc xá, doanh trại, nhà trọ; tham dự các lễ hội, câu lạc bộ; có các hành vi thân mật như hôn nhau, quan hệ tình dục, hút thuốc lá, thức khuya, uống rượu bia làm suy giảm hệ miễn dịch…
Vaccine là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh não mô cầu
Bác sĩ Bạch Thị Chính cho biết vi khuẩn não mô cầu có 13 nhóm huyết thanh gây bệnh, trong đó 5 nhóm A, B, C, W-135, Y phổ biến ở Việt Nam. Hiện Việt Nam có ba loại vaccine phòng não mô cầu, gồm mũi phòng não mô cầu nhóm B (Bexsero - Ý) tiêm từ 2 tháng đến 50 tuổi, nhóm BC (VA-Mengoc-BC - Cuba) tiêm từ 6 tháng đến 45 tuổi và nhóm ACYW-135 (Menactra - Mỹ) tiêm từ 9 tháng đến 55 tuổi.
Do kháng thể đặc hiệu với nhóm não mô cầu này không có khả năng bảo vệ chéo với nhóm não mô cầu khác nên để phổ bảo vệ được rộng nhất trước các nhóm huyết thanh gây bệnh não mô cầu, mỗi người cần tiêm phối hợp các loại vaccine để phòng 5 nhóm huyết thanh gây bệnh não mô cầu A, B, C, Y, W-135.
Trường hợp đã tiêm vaccine não mô cầu B, C, người dân nên tiêm thêm mũi phòng não mô cầu nhóm B thế hệ mới phòng ngừa đầy đủ hơn với hiệu quả bảo vệ cao hơn trước các chủng vi khuẩn não mô cầu nhóm B và vaccine não mô cầu nhóm A, C, Y, W.
Ngoài tiêm đầy đủ các loại vaccine phòng bệnh do não mô cầu, bác sĩ Bạch Thị Chính lưu ý mọi người cần kết hợp các biện pháp phòng bệnh như đảm bảo vệ sinh như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, ăn uống đủ chất dinh dưỡng, luyện tập, nâng cao thể trạng; thực hiện tốt vệ sinh, thông khí nơi ở, nơi làm việc; có chế độ sinh hoạt, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý; phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để cách ly và điều trị kịp thời. Khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất, không tự ý điều trị.
CHÂU ANH
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.