Sáng 14-4, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết trong 5 mẫu của bệnh nhân Covid-19 được giải trình tự, có hai mẫu thuộc biến thể phụ BA.5 (40%), một mẫu BA.2.75 (20%), một mẫu XBB.1 (20%) và một mẫu XBB.1.5 (20%).

Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, tính từ đầu tháng 3-2023 đến nay, số ca mắc mới Covid-19 ghi nhận dưới 3 ca/ngày, trung bình 1 ca/ngày. Trong tuần từ ngày 6 đến ngày 12-4 đã có 6 bệnh nhân mắc Covid-19. Tuy nhiên, ngày 12-4 ghi nhận 3 ca mắc mới và ngày 13-4 là 7 ca.

Hiện đang có 12 bệnh nhân nằm điều trị tại bệnh viện, không có ca bệnh nặng phải thở máy.

leftcenterrightdel

Các bác sĩ Viện Y dược học dân tộc TP Hồ Chí Minh chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Dã chiến Phú Nhuận số 01 hồi năm 2021. Ảnh minh họa: Bộ Y tế

Theo báo cáo của Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) phối hợp với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tiến hành giải trình tự SARS-CoV-2 từ các bệnh nhân dương tính trong giai đoạn từ ngày 11-1 đến 20-3. Kết quả có 5 mẫu được giải mã thành công, trong số này có hai mẫu thuộc biến thể phụ BA.5 (2/5, 40%), một mẫu BA.2.75 (1/5, 20%), một mẫu XBB.1 (1/5, 20%) và một mẫu XBB.1.5 (1/5, 20%).

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết XBB.1.5 hiện đang là biến thể chiếm ưu thế trên phạm vi toàn cầu (chiếm 47,1% số trường hợp trong tháng 3-2023, so với 39,8% trong tháng 2-2023), XBB.1.5 đã được phát hiện ở 94 quốc gia.

Các dữ liệu phân tích hiện nay trên thế giới cho thấy không có báo cáo nào về mức độ nghiêm trọng cao hơn đối với các biến thể đang lưu hành, cũng không có báo cáo nào về việc gia tăng số ca nhập viện hoặc tử vong ở các khoa ICU do bất kỳ biến thể từ dòng XBB hiện đang lưu hành.

Hiện nay, WHO xếp XBB.1.5 vào nhóm biến thể đáng quan tâm (Variant Of Interest - VOI), tiếp tục theo dõi chặt chẽ, đồng thời có 7 biến thể khác thuộc nhóm đang được theo dõi (Variant Being Monitored - VBM) bao gồm BA.2.75, CH.1.1, BQ.1, XBF, XBB, XBB.1.16 và XBB.1.9.1.

Như vậy, hiện nay chưa xuất hiện biến thể thuộc nhóm biến thể đáng lo ngại (Variant Of Concern - VOC) hoặc biến thể gây hậu quả nghiêm trọng (Variant Of High Consequence - VOHC).

Trong vòng 4 tuần trước đó (từ 6-3 đến 2-4), trên phạm vi toàn cầu đã ghi nhận gần 3,3 triệu ca mắc mới và hơn 23.000 ca tử vong, giảm lần lượt 28% và 30% so với 28 ngày trước đó (6-2 đến 5-3-2023).

Tuy tổng số ca mắc mới có xu hướng giảm trên phạm vi toàn cầu, có đến 74 quốc gia (chiếm 31% tổng số quốc gia) đã ghi nhận số ca mắc mới tăng từ 20% trở lên trong cùng khoảng thời gian khảo sát.

Với xu thế giảm thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán trong giai đoạn hiện nay, cũng như chậm trễ trong việc báo cáo ở nhiều quốc gia, nên số liệu mắc mới được báo cáo không đầy đủ, do đó cần được lý giải các biến đổi số ca một cách thận trọng.

Ở cấp khu vực, số ca mắc mới được báo cáo trong 28 ngày qua đã giảm (so với khoảng thời gian 4 tuần trước đó) ở 4 trong số 6 khu vực của WHO: Khu vực Tây Thái Bình Dương (-48%), khu vực châu Phi (-30%), khu vực châu Mỹ (-29%), và khu vực châu Âu (-13%); tuy nhiên các ca mắc tăng ở hai khu vực: Đông Địa Trung Hải (+147%) và Đông Nam Á (+289%).

Ngày 12-4, Bộ Y tế ban hành công văn số 2116/BYT-DP về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19. Thông tin từ hệ thống giám sát dịch bệnh truyền nhiễm quốc gia, tình hình dịch Covid-19 trong cả nước đang có xu hướng gia tăng trở lại.

Bộ Y tế cảnh báo khả năng dịch chồng dịch có thể xảy ra do các dịch bệnh truyền nhiễm khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm… cũng có nguy cơ gia tăng số mắc. 

CHUNG VIỆT